Cơ hội nào cho vốn FDI vào Việt Nam khi các nhà đầu tư rút công xưởng ra khỏi Trung Quốc vì dịch Covid-19?

Quang Dân Thứ ba, ngày 28/04/2020 16:34 PM (GMT+7)
Mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19, song trong 4 tháng đầu năm 2020, khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu 10,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 9,4 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 9,6 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 983 triệu USD.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song góp vốn mua cổ phần của các nhà ĐTNN lại giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư.

Tuy nhiên, nếu xét về giá trị, vốn đăng ký 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018 (tăng 52,3% so với năm 2018, 16,4% so với năm 2017 và 79% so với năm 2016). Mức độ giảm trong 4 tháng cũng ít hơn so với 3 tháng đầu năm.

Đã có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong đó, tập trung vào18 ngành, lĩnh vực. Tính đến ngày 20/4/2020, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm 2020. Xuất khẩu kể cả dầu thô đạt 56,49 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 70,2% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 55,75 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ, chiếm 69,3% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 46,32 tỷ USD, tăng 2,9% so cùng kỳ năm 2019 và chiếm 57,6% kim ngạch nhập khẩu.

Mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19, song trong 4 tháng đầu năm 2020, khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu 10,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 9,4 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 9,6 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 983 triệu USD.

Vốn mua cổ phần của các nhà ĐTNN lại giảm mạnh - Ảnh 1.

Các chuyên gia không cho rằng, Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc.

Cơ hội của Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài 

Đại dịch Covid-19 phơi bày nhiều vấn đề liên quan đến sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Các công ty Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc do chi phí tăng và tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Đến nay, đại dịch Covid-19 buộc họ đẩy nhanh tiến trình này nhằm tránh phụ thuộc Trung Quốc, nhất là trong sản xuất thiết bị y tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư FDI trong thời gian tới. Đặc biệt, với ưu thế đất nước chúng ta đang làm rất tốt việc kiểm soát dịch Covid-19.

Cụ thể, hôm 21/4, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU), ông Phil Hogan tuyên bố EU sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, theo trang tin Politico.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản công bố quỹ trị giá 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các nhà sản xuất Nhật Bản quay trở lại nước này hoặc chuyển dây chuyền sang Đông Nam Á nếu họ rời khỏi Trung Quốc nhằm đối phó sự gián đoạn chuỗi cung ứng xuất phát từ đại dịch Covid-19.

Nhật Bản có động thái này sau khi giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, ông Larry Kudlow cho biết Washington sẽ trả chi phí cho doanh nghiệp Mỹ nếu họ di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Tuy có ý định nhưng chính phủ Mỹ vẫn chưa chính thức công bố chương trình hỗ trợ doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, Covid-19 đã củng cố quyết định sang Việt Nam của nhiều công ty, nhưng thu hút như thế nào để chúng ta có thể làm được một các vững chắc và có giá trị gia tăng cho mình trong tương lai hơn là chuyện phải tính.

Theo bà Lan, trước mắt chính phủ nhiều nước phần lớn đều muốn ưu tiên kêu gọi các tập đoàn lớn quay trở về trong nước làm để kích thích kinh tế cũng như giải quyết nhu cầu việc làm tại nước họ. Sau đó, mới tìm nguồn cung ứng từ Mexico và những quốc gia châu Á khác ngoài Trung Quốc, như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia... để lấp đầy khoảng trống do nhập khẩu Trung Quốc giảm.

Để là môi trường thu hút đầu tư tốt, Việt Nam phải tăng nguồn lực của mình lên, chứ câu chuyện không chỉ cứ mãi chung chuing là trải thảm đỏ hoặc là giảm thuế, miễn thuế là nguồn vốn FDI đổ vào. Cụ thể ở đây là tăng năng lực tiếp nhận thật sự, tức là nguồn lao động của Việt Nam, rồi những chính sách khác, điều kiện thực tế trong môi trường kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài", bà Lan cho hay.

Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng, Việt Nam với nền tảng các DN còn tương đối nhỏ, ngành phụ trợ bao gồm dịch vụ phụ trợ chưa có nhiều, nếu mình tiếp tục làm khâu gia công cuối cùng thì dù có thu hút đầu tư vào thì giá trị nhận lại được  chưa chắc được nhiều hoặc đẩy được nội lực sau này. Việc củng cố được nội lực cho sức khỏe kinh tế của Việt Nam tốt lên là điều kiện tốt nhất để thu hút vốn FDI từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, sự gần gũi với Trung Quốc là điều kiện đặc biệt thích hợp cho các công ty muốn chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Nhưng thay vì từ bỏ hoàn toàn Trung Quốc, các nhà đầu tư đang chọn việc bổ sung thêm các cơ sở sản xuất với đầu vào giá rẻ ở Việt Nam, hay còn được gọi là chiến lược Trung Quốc+1.

Nhiều công ty đang phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, vì vậy họ mong muốn có thể đa dạng hóa, để nếu có biến cố xảy ra ở Trung Quốc, họ còn có lựa chọn khác. Một phần cũng vì tiền lương ở Trung Quốc đang tăng, nên sẽ rất nhanh thôi, họ sẽ không còn lợi thế chi phí cạnh tranh. Khi đó, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế mà nhiều công ty tìm đến nhất, bởi họ có rất nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc. Và trên nhiều khía cạnh, làm ăn ở Việt Nam dễ hơn đối với một công ty nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem