Có “làng vui chơi, làng ca hát”, tại sao không có “làng đọc sách”?

Mai An Thứ tư, ngày 29/07/2015 08:09 AM (GMT+7)
“Chúng ta đã có phong trào “Làng vui chơi, làng ca hát” rất thành công, vậy tại sao không thể phát động và tổ chức phong trào “Làng đọc sách”. Đó là mong mỏi của anh Nguyễn Quang Thạch- người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn”.
Bình luận 0

Cổng làng thì to, thư viện không có...

Có mặt từ rất sớm tại cuộc hội thảo góp ý Dự thảo Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030” tổ chức vào sáng 28.7 tại Hà Nội, anh Nguyễn Quang Thạch- người sáng lập mô hình “Tủ sách dòng họ” và phong trào “Sách hóa nông thôn Việt Nam” mang đến bao nhiêu trăn trở, bức xúc về phong trào đọc sách ở các làng quê. Vừa kết thúc chuyến đi bộ xuyên Việt gần 5 tháng trời để cổ động phong trào đọc sách ở nông thôn nên tâm trạng anh Thạch chất chứa rất nhiều điều muốn nói.

Thế nhưng hội thảo chỉ cho phép phát biểu 5 phút, chỉ mới xong phần dẫn nhập, anh đã bị chủ tọa nhắc nhở phải kết thúc sớm phần trình bày. Thành thử, những lời tâm huyết nhất anh Thạch phải tâm sự với các nhà báo bên lề hội thảo.

img

Anh Nguyễn Quang Thạch chuyển sách của học sinh Quỳnh Phụ (Thái Bình) tặng cho “Tủ sách lớp em” của Trường Lý Tự Trọng (Bắc Yên, Sơn La). Ảnh:  M.A

“Suốt 5 tháng trời tôi đi bộ về các vùng quê, cùng ăn cùng ở với người dân nông thôn nên càng thấm thía và cảm thấy vô cùng đau xót. Bao nhiêu ngôi làng tôi từng đi qua, người ta xây những cổng làng rất to, có cái cổng làng tới 200 triệu đồng. Người ta cũng xây những nhà văn hóa 500-700 triệu đồng dễ như trở bàn tay. Thế nhưng hỏi đến thư viện, tủ sách thì hoàn toàn không có. Thật là nghịch lý, chỉ cần 5 triệu đồng là có một tủ sách khoảng 250 đầu sách, tha hồ cho người nông dân đến đọc, mượn miễn phí, nhưng điều đó không ai làm, không ai quan tâm”- anh Thạch cho biết.

Để góp ý cho dự thảo đề án, anh Nguyễn Quang Thạch đã vạch ra 7 đề xuất rất tâm huyết, nhưng vì không được trình bày tại hội thảo, anh đành phải in ra rồi đi dúi vào tận tay những người quan tâm. Có những đề xuất rất đáng chú ý như: “Bộ GDĐT cần xây dựng lại tiêu chí thư viện, mở rộng hệ thống thư viện đến từng lớp học, học sinh phải được mượn sách đưa về nhà. Đưa tiết đọc sách vào chương trình học. Gắn việc đọc sách của học sinh vào nhiệm vụ của hiệu trưởng và thầy cô giáo ở các cấp học” hay “Bộ VHTTDL cần dịch chuyển vùng hoạt động từ thành phố, huyện lỵ đến các nhà văn hóa cấp thôn xóm thay vì để sách nằm “ngủ” ở khu vực đô thị. Cần đưa tủ sách vào tiêu chí gia đình văn hóa, làng văn hóa”.

Trò chuyện với NTNN, anh Thạch tâm sự: “Chúng ta đã từng có phong trào “Làng vui chơi, làng ca hát” rất mạnh trên truyền hình, vậy tại sao không thể tổ chức phong trào “Làng đọc sách”. Cần phải cổ vũ người dân nông thôn coi chuyện đọc sách là bình thường như miếng cơm manh áo, đọc sách để thoát nghèo, để gợi mở hướng làm ăn, nâng cao dân trí chứ không phải đọc sách cho vui. Nếu trẻ em nông thôn, em nào cũng được đọc cuốn “Những tấm lòng cao cả” hay “Túp lều của bác Tôm” thì tôi tin, tình trạng bạo lực ở nông thôn sẽ bớt đi rất nhiều”.  

“Tôi thực sự mong rằng, trong việc xét công nhận danh hiệu thì việc “làng văn hóa phải có thư viện, gia đình văn hóa phải có tủ sách” trở thành một tiêu chí quan trọng. Chúng ta không thể nói khơi khơi là cổ vũ, khuyến khích, động viên mà cần phải có những việc làm cụ thể mới mong thay đổi được quan niệm của người dân nông thôn về đọc sách”- anh Thạch nhấn mạnh.  

0,057% dân số đến thư viện

Theo thống kê của Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), hiện nay trên toàn quốc chỉ có 564.133 người đăng ký sử dụng thư viện công cộng thường xuyên. “Như vậy nếu tính với tỷ lệ dân số nước ta hơn 90 triệu người thì chỉ có  0,057% người dân đến đọc sách, mượn sách ở thư viện công cộng, đây là một con số quá thấp”- bà Vũ Dương Thúy Ngà- Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện cung cấp con số này tại hội thảo. Bà Ngà cũng cho biết thêm, con số đáng buồn và đáng báo động này là bởi hệ thống thư viện ở cấp huyện, cấp xã hiện nay đang hoạt động rất yếu kém, không được quan tâm đúng mức.

 “Tôi về Đăk Nông thì thấy thư viện tỉnh không có trụ sở độc lập, không được đứng tên mà là một bộ phận của nhà văn hóa. Thư viện nằm trên một quả đồi xa tít tắp, phải là người thực sự yêu quý sách lắm thì mới bỏ công tìm đến. Hiện nay, trên tổng số 600 thư viện huyện trên toàn quốc, chỉ có 30 thư viện là có trụ sở độc lập, còn lại 570 thư viện huyện là đang nằm trong các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa. Cán bộ thì rất ít, kiêm nhiệm, chuyên môn không có, vì vậy có thể hiểu tại sao thư viện không thu hút được người đọc”- bà Ngà nhận định.

Chia sẻ về nỗi buồn của thư viện tuyến cơ sở, bà Nguyễn Thị Tú Anh- Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An cho biết thêm: “Ở Nghệ An, để phát triển đồng đều của thư viện tuyến xã là rất khó, xã có xã không. Chúng tôi xuống kiểm tra thì biết thế nhưng cũng không dám phê bình, vì địa phương bảo sợ ảnh hưởng “cái nọ cái kia”.

Giờ thì không ai bắt buộc được huyện phải đầu tư cho thư viện cả vì không có chế tài xử lý. Kinh phí cho văn hóa là thấp nhất trong các loại kinh phí, thế nhưng mỗi khi có thì các địa phương cũng dành cho hoạt động văn hóa, thể thao chứ không ai đầu tư cho sách và thư viện”.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem