Người con gái ấy còn chẳng dám từ biệt bố mẹ, bởi trước đó mẹ cô đã khóc cả một năm ròng khi nghe ý định của con gái. Năm ấy, Nguyễn Thị Bích Liên vừa tròn 17 tuổi.
"Gian khổ thì cháu mới xin đi"
"Cô Liên xung phong", đó là một cách gọi thân mật của rất nhiều người với bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1948, Nam Phú, Tiền Hải, Thái Bình). Bà là cựu thanh niên xung phong tập trung ngành giao thông vận tải, Dũng sĩ diệt Mỹ ngành giao thông vận tải, nguyên nhân viên Văn phòng Chính phủ, hiện đã nghỉ hưu và tham gia công tác xã hội của thủ đô Hà Nội.
Ngược về thời điểm cách đây 57 năm, năm 1965, lúc đó Nguyễn Thị Bích Liên vừa học xong lớp 7. Hòa chung với cả nước, Thái Bình vận động thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước và tin này đến được tai Nguyễn Thị Bích Liên. Biết chuyện con gái muốn đi thanh niên xung phong, bố mẹ Liên không đồng tình bởi 2 anh trai Liên đã đi bộ đội, chị gái thì đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Bắc, nhà chỉ còn Liên là lớn và các em nhỏ, hơn nữa chiến trường Liên muốn tham gia lại rất ác liệt.
"Nhiều người hỏi tôi động lực nào khiến tôi kiên cường đến vậy. Tôi nghĩ đó là lý tưởng của thanh niên muốn cống hiến cho đất nước, cho Tổ quốc khi có chiến tranh. Tôi cũng mong muốn, các con, các cháu mình và các thế hệ sau này tiếp tục lan tỏa, tiếp nối truyền thống, lý tưởng đó".
Bà Nguyễn Thị Bích Liên
"Mẹ tôi khóc ròng suốt 1 năm, đêm nào cũng ra cổng ngồi khóc. Năm 1965, tôi xin đi, họ bảo thôi để đến lần sau có chỗ nào đỡ vất vả hơn thì cháu hãy đi, giờ đi gian khổ lắm. Tôi bảo không, gian khổ thì cháu mới xin đi, nếu sung sướng cháu lại không đi, nhưng cuối cùng người ta cũng không cho đi" - bà Liên nhớ lại.
Theo bà Liên, trước tình thế đó, bà đã trích máu ở ngón tay viết đơn xin đi. Khi nộp xong, lo sợ không được chấp thuận nên hôm sau bà đã trốn luôn mà chẳng dám từ biệt bố mẹ. Người con gái ấy chỉ dám gửi lời các đồng chí bộ đội ở nhà, giúp bà phân tích với bố mẹ, bà đi vì lý tưởng, vì đất nước, mong bố mẹ yên lòng.
Nghĩ là làm, vào sáng sớm một ngày năm 1965, bà vừa đi , vừa chạy quãng đường khoảng 15km lên huyện để báo danh. Những người đi đường thấy cô gái dáng người bé nhỏ (lúc đó nặng có 38kg) mang cả túi xách thì thấy lạ. Có người ngờ ngợ đoán ra thì dọa Liên, rằng bố mẹ đang đuổi phía sau khiến cô gái vừa khóc vừa chạy.
Lên huyện tập trung, Nguyễn Thị Bích Liên được giao quân tư trang. Mặc bộ quần áo dài, rộng, không vừa với mình, Liên vừa cười vừa khóc: "Tôi khóc vì hạnh phúc khi được mặc lên bộ quần áo bộ đội, được tham gia vào bộ đội. Khóc một phần vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ và cười vì nhìn bộ quần áo mình mặc rộng quá".
Ngày ấy, cô gái còn lém lỉnh khi kiễng chân, lấy 2 cục gạch bằng nắm tay bỏ vào túi quần cho đủ cân vì sợ bị loại lại không được tham gia thanh niên xung phong. Thủ tục hoàn tất, Liên cùng đồng đội hành quân ra chiến trường. Bà được biên chế vào Đội 89 (D89), C893 thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình, có nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường sắt tuyến từ Phủ Lý đến cầu Yên (tỉnh Ninh Bình), sau đó đơn vị của bà hành quân vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, đến tận Đường 9 - Nam Lào làm nhiệm vụ.
Trở về từ cõi chết
Theo lời kể của bà Liên, bước vào một môi trường mới lại rất khốc liệt bởi đang là thời chiến, cô gái 17 tuổi còn nhiều bỡ ngỡ nhưng lúc ấy "như có ai bảo, cứ thế mà chiến đấu, mà làm nhiệm vụ, chẳng nề hà gian khổ dù người chẳng đầy 40kg".
Khi tham gia bảo đảm giao thông đường sắt tuyến từ Phủ Lý đến cầu Yên, bà cùng các đồng đội vừa chiến đấu, lao động và vừa học tập. Ban ngày thì sửa từng mét đường, từng thanh tà vẹt, thanh ray đường sắt, vận chuyển, san lấp hố bom để đảm bảo thông tuyến cho bộ đội ta di chuyển; đêm đến, bà cùng các bạn lập đội văn nghệ tự biên, tự diễn, tự sáng tác rồi biểu diễn cho các đồng chí bộ đội nghe nhằm động viên, khích lệ tinh thần các chiến sĩ.
"Cây văn nghệ" Bích Liên thời đó cũng vì thế mà nổi lên với các làn điệu chèo "đặc sản" quê lúa, với những bài thơ đậm tình người.
Tháng 7/1968, bà Liên cùng đồng đội từ Ninh Bình hành quân vào Trường Sơn. "Đón" cựu nữ thanh niên xung phong và đồng đội là 1 trận oanh tạc dữ dội của quân địch. Khi họ vừa đặt chân đến làng Thanh Thạch (Quảng Bình) thì có tiếng súng báo động, máy bay Mỹ oanh tạc. Trước diễn biến này, bà cùng 1 đồng chí nữ chỉ kịp đẩy nhau nhảy xuống hầm thì bom nổ. Trong khói bom mịt mù, bà nghe tiếng kêu thất thanh: "Thôi, hai o chết rồi". Sau đó, họ nghe tiếng súng hiệu lệnh lao ra khỏi hầm, chạy về phía nhà Ban chỉ huy Đội. Một đồng đội của bà hi sinh sau trận oanh tạc đó.
Vượt qua nỗi đau, bà cùng các đồng chí tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở các điểm trọng yếu như trọng điểm 448 trên đường 15A, Cổng Trời, Km39… và cũng không ít lần bà cận kề cái chết. Lần đó, bà đi công tác, về đến đơn vị thì thấy bom của địch đánh trúng nhà sinh hoạt của đơn vị. Nén đau thương, bà cùng đồng đội đã tự tay chôn cất 9 chiến sĩ hy sinh hôm đó.
Năm 1969, cựu nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Bích Liên gia nhập Đoàn Văn công "Tiếng hát át tiếng bom", thuộc Ban xây dựng 67, Bộ Giao thông - Vận tải. Từ đây, bà tiếp tục mang lời ca, tiếng hát của mình đi động viên, chia sẻ với các cán bộ, chiến sĩ ở các mặt trận.
Năm 1970, bà Liên đoàn tụ với mẹ sau 5 năm trốn đi thanh niên xung phong. Ở quê nhà, không có lấy một dòng tin tức của con gái. Khi nghe tin có một cô bạn cùng quê, cùng tên với Liên hy sinh, gia đình tưởng con gái đã mất nên lập bàn thờ, cúng giỗ lần thứ hai.
Cuộc gặp gỡ giữa Bích Liên, mẹ và em gái ở thủ đô Hà Nội vài ngày sau đó giàn giụa trong nước mắt.
Ở thời điểm hiện tại, khẳng định với PV đến vài lần, rằng nếu được chọn lại, bà vẫn quyết nghe theo lý tưởng của mình, vẫn quyết xông pha ra tiền tuyến cùng các đồng chí, đồng đội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.