Có nên bỏ hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo?

Hoàng Thắng (thực hiện) Thứ năm, ngày 02/08/2018 07:07 AM (GMT+7)
Trước đề xuất dừng hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo của Bộ Tài chính, các chuyên gia kinh tế bày tỏ đồng tình và cho rằng đã đến lúc không nên lồng ghép các chính sách an sinh xã hội vào hoạt động chung của nền kinh tế thị trường.
Bình luận 0

Bỏ hỗ trợ để người nghèo chủ động thoát nghèo

Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo biểu giá ưu đãi được Chính phủ ban hành từ tháng 2.2011. Theo đó, từ 1.3.2011 đến 31.5.2014, các hộ nghèo được hỗ trợ giá điện 50kWh/tháng. Mức hỗ trợ tương ứng với 30.000 đồng/hộ/tháng. Tiếp đó, từ 1.12.2017 đến nay, mức hỗ trợ được nâng lên thành 51.000 đồng/hộ/tháng.

img

  Giai đoạn 2011 - 2017, Nhà nước đã hỗ trợ tiền điện cho khoảng 2,34  triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.  Ảnh: EVN

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, giai đoạn đầu bãi bỏ chính sách hỗ trợ có thể sẽ ít nhiều tác động đến đời sống của một bộ phận hộ nghèo. Do đó, Nhà nước cần đồng thời thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo khác để giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Sau 5 năm thực hiện (2011-2017), Nhà nước đã hỗ trợ điện cho khoảng 2,34 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Trong đó, hộ nghèo chiếm khoảng 87% với kinh phí từ ngân sách nhà nước hơn 8.000 tỷ đồng. Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước dự tính bố trí hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho khoảng 1.800 nghìn hộ nghèo, chính sách xã hội.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thời gian qua, chính sách hỗ trợ tiền điện cho người nghèo, gia đình chính sách… đã góp phần cùng với các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước giải quyết vấn đề đời sống, giảm bớt khó khăn cho người dân trước tác động của giá điện, góp phần tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng chính sách này vẫn tồn tại một số nhược điểm.

Cụ thể, phạm vi đối tượng hỗ trợ rộng, thay đổi thường xuyên do quy định hộ chính sách xã hội phải có lượng điện sử dụng dưới 50kWh/tháng, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng chưa có điện lưới… không phân biệt giàu nghèo, điều này đã tạo ra sự bất cập nhất định. "Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đối tượng thụ hưởng bằng tiền mặt nên về mặt lâu dài bền vững đã không mang lại hiệu quả. Chưa kể, các hộ gia đình thanh toán tiền điện theo thông báo của cơ quan điện lực qua điện thoại, tin nhắn nên không có hóa đơn. Do vậy, mỗi khi muốn lấy hóa đơn lại phải đến cơ quan điện lực yêu cầu" - Bộ Tài chính nhận định.

Từ những bất cập kể trên, giai đoạn tiếp theo 2019-2020, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án hỗ trợ. Phương án thứ nhất là bãi bỏ chính sách hỗ trợ điện cho không hiện nay, lý do là mức hỗ trợ thấp 51.000 đồng/tháng không còn phù hợp với định hướng giảm nghèo giai đoạn đến năm 2020. Việc bãi bỏ chính sách hỗ trợ người nghèo, theo Bộ Tài chính, sẽ đảm bảo được nguyên tắc hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện. Qua đó, người nghèo sẽ chủ động tích cực tự thoát nghèo, hạn chế sự ỷ lại, trông chờ vào tiền hỗ trợ của Nhà nước… dần tiến tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Phương án 2 được cơ quan này tính đến là tích hợp chính sách hỗ trợ giá điện hiện hành với chủ trương giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và bổ sung nguồn lực năm 2019-2020 để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ chính nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện. Việc tích hợp này sẽ tập trung được đầu mối quản lý nhà nước về các chính sách giảm nghèo. Đồng thời các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép sẽ góp phần đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo.

Bộ Tài chính cho hay, qua tổng hợp ý kiến đóng góp từ các bộ ngành và khoảng 53 địa phương thì đa số đồng tình với phương án 1. Do đó, cơ quan này đề xuất Chính phủ thông qua phương án 1 - bãi bỏ chính sách hỗ trợ cho không tiền điện đối với các hộ nghèo với thời điểm thi hành dự kiến ngay từ 1.1.2019.

Biểu giá điện đang làm khó người nghèo

Thời gian qua, đã có nhiều phản ánh từ giới sinh viên, công nhân ở nhiều nơi tới lãnh đạo Chính phủ, các cấp về việc chủ các điểm cho thuê trọ nâng giá điện lên quá cao so với giá điện theo quy định, gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều người thuê trọ. Không ít nơi, giá điện thực tế bị đẩy lên tới 4.000-5.000 đồng/kWh, tăng gấp 3-4 lần giá điện theo quy định.

Trao đổi với NTNN về đề xuất dừng hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo của Bộ Tài chính, TS Đặng Quang Điều - nguyên Trưởng ban Chính sách, kinh tế xã hội và thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức mong muốn hộ nghèo, gia đình nghèo cần có chính sách hỗ trợ như hỗ trợ về nhà ở, tiền điện, bảo hiểm, học phí… Đây là chủ trương tổng thể, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay rồi. Do đó, không có lý do gì Bộ Tài chính lại đưa ra đề xuất “đánh” vào người nghèo. “Có thể, đối với gia đình có điều kiện, hộ có điều kiện thì việc hỗ trợ hay không hỗ trợ, thậm chí giá điện có thể tăng thêm cũng không bị ảnh hưởng, nhưng riêng với hộ nghèo thì phải có chính sách giúp họ để thực hiện chủ trương giảm nghèo và giảm nghèo bền vững vì họ là những đối tượng dễ bị tổn thương” - ông Điều nói.

Ông Điều cũng cho rằng, kể cả phương án hỗ trợ thông qua các chương trình khác thì nó cũng rất mù mờ, không cụ thể, không rõ ràng. Người nghèo mong muốn đã hỗ trợ thì phải có chương trình thật rõ ràng, cụ thể như hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế, học phí cho học sinh nghèo… Nếu vẫn hỗ trợ nhưng lồng ghép với các hình thức hỗ trợ an sinh xã hội khác thì không cụ thể, rõ ràng và rất mông lung.

Trái ngược với quan điểm trên, TS Bùi Trinh - chuyên gia kinh tế - cho rằng, bản thân chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, do UBND cấp xã thực hiện chi trả cho hộ nghèo trên địa bàn theo định kỳ 1 quý 1 lần không thể hiện tính hiệu lực khi áp dụng trong thực tế. “Việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo với số tiền 51.000 đồng/hộ/tháng nên bỏ. Số tiền hơn 1.000 tỷ đồng chi ra quá nhỏ, sẽ chẳng hộ nghèo nào cảm thấy được hỗ trợ thực sự cả” - TS Bùi Trinh nói.

Theo ông Trinh, điều cần xem xét lại là biểu giá điện do Bộ Công Thương ban hành. “Những người nghèo nhất là những người không có nhà, phải ở nhà trọ như sinh viên, công nhân. Chủ nhà trọ được tính là hộ kinh doanh, bị áp một giá điện khác hoàn toàn. Nhiều khi người thuê trọ ở trong một căn nhà diện tích chỉ khoảng 10-15m2 nhưng phải chịu một giá điện trên trời, chả kém gì các gia đình đang sử dụng đầy đủ tivi, tủ lạnh, điều hòa. Đó là làm khó người nghèo” - ông Trinh nhấn mạnh.

GS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):

Giúp hộ nghèo “cần câu”, không phải “con cá”

Đây là đề xuất hợp lý và là quan điểm đúng đắn trong thời điểm hiện nay. Theo tôi, hiện tại trong cơ cấu giá điện của EVN đã có tính đến vấn đề an sinh xã hội rồi. Tức là tính giá theo bậc thang, dùng dưới 50kWh sẽ được hưởng mức giá ưu đãi rất thấp, càng dùng nhiều thì giá điện càng cao, qua đó vừa khuyến khích người dân tiết kiệm năng lượng vừa hướng tới mục tiêu an sinh xã hội. Trong khi hộ nghèo đa phần là những hộ sử dụng điện ít nên chi phí cho tiền điện cũng đã được hỗ trợ ngay từ chính sách giá điện.

img

Nhà nước đã sử dụng ngân sách để hỗ trợ một thời gian cho hộ nghèo tiền điện, nhưng đến nay cùng với nhiều chính sách an sinh xã hội khác, số hộ nghèo ngày càng giảm và tiêu chí hộ nghèo cũng đã được nâng cao hơn so với trước đây. Cơ chế hỗ trợ cũng ngày càng phải hướng tới tạo động lực cho người dân và cho những hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo. Do đó, cần phải giúp hộ nghèo "cần câu" chứ không phải cho họ "con cá" mãi được. Trong khi mức hỗ trợ từ 30.000 đồng và sau đó tăng lên 50.000 đồng là số tiền nhỏ đối với mỗi hộ gia đình.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh:

Đừng để trung gian hưởng lợi

Việc hỗ trợ cho hộ nghèo tiền điện hay hỗ trợ các vấn đề an sinh xã hội khác là cần thiết để góp phần hỗ trợ cho người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xóa dần khoảng cách giàu-nghèo…

img

Tuy nhiên, cần bỏ hình thức hỗ trợ qua tiền điện, thậm chí các hình thức hỗ trợ khác như hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cũng cần bỏ luôn. Thay vào đó, tiền ngân sách nhà nước chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo để tránh thất thoát không đáng có. Hiện số hộ nghèo ở các địa phương đều có danh sách đầy đủ cả và nắm rõ nên hoàn toàn có thể cộng luôn tiền điện, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… để hỗ trợ luôn qua từng hộ nghèo để tránh thất thoát. Thực tế, chúng ta thường hay lồng ghép các khoản hỗ trợ xã hội vào các loại hàng hóa dịch vụ. Trong khi người dân được hưởng không đáng kể, nhưng người được hưởng lợi từ hỗ trợ đó ở cấp trung gian có khi lại nhiều. Ví dụ, kê khai lên làm cho thất thoát ngân sách cao hơn để bỏ tiền hỗ trợ “vào túi” của một số cá nhân.

Thanh Xuân (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem