Có nên dạy chữ cho con từ thuở nằm nôi?

Tùng Anh (thực hiện) Thứ năm, ngày 14/04/2016 10:00 AM (GMT+7)
Những tranh cãi về trào lưu cho con học chữ từ khi còn... nằm ngửa với niềm tin giáo dục sớm của các mẹ bỉm sữa đã làm “nóng” các diễn đàn mạng xã hội.
Bình luận 0

img

Nhiều bà mẹ dạy chữ cho con từ khi bé còn nằm ngửa (ảnh minh họa).

Để làm rõ vấn đề này,  PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với bà Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt.

Nhiều mẹ “bỉm sữa” muốn dạy chữ con từ lúc nằm nôi. Theo bà, điều này có nên không?

- Nhiều phụ huynh đang hiểu lầm giáo dục sớm là một phương pháp, nhưng thực tế cụm từ giáo dục sớm chỉ là một thuật ngữ để mô tả các cách mà bố mẹ có thể hướng dẫn con, dạy con, chơi với con, đồng hành với con từ sớm (0 - 6 tuổi), giúp con khai mở các năng lực tư duy tiềm ẩn.

Giáo dục sớm là thuật ngữ gọi chung của nhiều phương pháp khác nhau như: Gleen Doman, Shichida, Monterossi... Các hệ phái giáo dục này khi vào Việt Nam chưa có cụm từ tương ứng để gọi nên gọi chung là giáo dục sớm. Chính chữ “sớm” đã gây ra các tranh cãi, khiến nhiều mẹ lầm tưởng rằng, giáo dục sớm tức là dạy cho con biết chữ sớm, biết cộng trừ sớm, dạy trước chương trình tiểu học. Hiểu như thế là sai, bởi thực tế phạm vi của giáo dục sớm sâu và rộng hơn như thế rất nhiều.

img

Bà Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt.

Vậy, vì đâu mà các bậc phụ huynh tin rằng giáo dục con trong “độ tuổi vàng” từ 0 - 6 tuổi là giúp con có thể thông minh vượt trội?

- Theo thuyết đa trí thông minh Howard Gardner chỉ ra rằng: Nnăng lực tiềm ẩn trong não bộ con người là vô hạn. Điều này thể hiện, ngay từ khi sinh ra, não bộ con người đã tồn tại 7 - 8 loại hình trí thông minh phổ biến, ngoài ra có có các loại hình trí thông minh ở dạng hiếm.

Mặt khác, 0 - 6 tuổi được coi là “giai đoạn” vàng trong giáo dục con trẻ, độ tuổi mà khả năng thẩm thấu, tiếp nhận, học hỏi về thế giới xung quanh, khả năng ghi nhớ nhanh hơn cả người lớn. Như vậy, nếu như chúng ta biết cách định hướng, dạy cho trẻ trong giai đoạn vàng từ 0 - 6, thì năng lực trí tuệ liên quan đến 8 loại hình thông minh có cơ hội được khai mở và phát triển rất tốt.  

Thực tế “giáo dục sớm” vẫn đang được bố mẹ thực hiện một cách tự nhiên hằng ngày đối với con mình mà không hề biết. Có điều khác là đa số bố mẹ mới dừng lại ở việc dạy con theo bản năng, kinh nghiệm chứ chưa nghiên cứu và thực hành một cách có hệ thống. Bởi vậy, việc dạy con có lúc đúng, có lúc sai, thiếu kiên trì, thiếu liên tục dẫn đến các khoảng trống trong việc phát triển và khai mở năng lực tư duy tiềm ẩn; kết quả đạt được không như mong đợi.

Bà có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh đang tìm tòi và chạy theo các phương pháp giáo dục sớm không?

- Không có một phương pháp giáo dục nào là hoàn hảo có thể “hô biến” con bạn trở thành thiên tài. Mỗi phương pháp đều có giới hạn nhất định, có ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Phụ huynh muốn áp dụng bất kỳ một phương pháp nào trong việc giáo dục con mình thì nên tìm hiểu thật kỹ; dành thời gian đọc tài liệu liên quan đến phương pháp đó một cách nghiêm túc, cho đến khi chính mình đã hiểu mới nên ứng dụng cho con.

Mỗi hệ phái giáo dục sớm hướng đến phát triển năng lực tư duy nhất định của con trẻ: ngôn ngữ, vận động, cảm quan, thế giới xung quanh... Áp dụng một phương pháp nào đó trong việc dạy con giống như uống thuốc, nếu không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, áp dụng nửa vời dễ dẫn đến phản tác dụng, nguy cơ sốc thuốc, hoặc uống thuốc không đủ liều cũng không mang lại kết quả như mong đợi.

Ví dụ, muốn dạy con nói tiếng Anh tốt nhưng bản thân người mẹ chưa phát âm chuẩn vô hình chung, trẻ sẽ học theo chính cái sai của người mẹ. Giáo dục cho trẻ từ sớm không có gì là xấu, nhưng phụ huynh khi dạy con cần áp dụng phương pháp phù hợp, linh hoạt, kiên trì, không ngắt quãng để có kết quả bền vững.

Hiện nay có rất nhiều cơ sở giáo dục quảng cáo các phương pháp giáo dục sớm. Phụ huynh phải lựa chọn theo tiêu chí nào, thưa bà?

- Nếu muốn gửi trẻ ở các cơ sở giáo dục sớm cần phải tìm hiểu về trình độ giáo viên, cơ sở vật chất, học liệu và việc ứng dụng chọn lọc các phương pháp giáo dục của họ như thế nào, bản thân giáo viên đã nhuần nhuyễn kiến thức, kỹ năng chưa? Bằng cách tiếp xúc trực tiếp, nếu có thể là dự giờ, phụ huynh bước đầu dễ dàng đánh giá được trình độ của họ qua tác phong, sự hiểu biết về các phương pháp giáo dục sớm...

Ngoài ra, một vấn đề rất quan trọng mà nhiều phụ huynh thường thiếu lưu tâm đó là phải biết lựa chọn phương pháp dạy phù hợp với năng lực và khả năng của con mình.  Con có hứng thú với cách giáo dục ở trường, học liệu, cách cô dạy không? Nếu chỉ dạy theo trào lưu của xã hội và kỳ vọng của bố mẹ thì rất có thể, chúng ta đang đánh cắp tuổi thơ của con. Không nên chạy theo phong trào và tuyệt đối không nên giao con cho những trường “treo biển” giáo dục sớm mà nhân sự của họ chưa được đào tạo về giáo dục sớm.

Xin chân thành cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem