Có nên trao vào tay con cái la bàn tình dục?

Hoan Bùi (Thế giới Tiếp thị) Chủ nhật, ngày 03/08/2014 09:06 AM (GMT+7)
Với nhiều bậc phụ huynh, tuổi học cấp 2 của các con là tuổi diễn biến trưởng thành bất thường nhất. Thi sĩ Nguyên Sa đã có bài thơ với tựa đề Tuổi mười ba, trong đó ông kết bằng một câu cho thấy tâm sinh lý chuyển mùa: “Hôm nay nữa... lòng mình sao lạ quá”.
Bình luận 0

Nhưng người lớn gọi là tuổi giở chứng, tuổi cụ non, tuổi gà giò háu đá hay tuổi chuyển mùa... gọi gì đi nữa thì đó vẫn là cách nhìn của người lớn, không ăn nhập gì với chính các cậu trai tơ.

Để hiểu các ông tướng trong thời kỳ chuẩn tướng, những ông bố thường trích lục kho kinh nghiệm của mình và những cuốn sách tâm lý thanh thiếu niên. Nhưng than ôi, các kinh nghiệm tâm lý thiếu niên thường đã lạc hậu so với thời đại, còn các giáo điều tâm lý trong sách thì cổ điển – chung chung, thành ra có những ông bố thường tránh né đối diện với tuổi con trai tơ giở chứng của con trai.

Họ sợ chăng, mà sợ gì? Sợ không giải toả được mớ hỗn độn tâm sinh lý của con trai thời Facebook, game show... mà có khi còn bị smartphone tấn công bằng kiến thức Goolge, tối tăm mặt mũi. Tất nhiên, các ông bố vẫn còn thứ vũ khí phong kiến độc đoán “thượng phương bảo kiếm” để áp đặt lý lẽ, mệnh lệnh lên các chú ngựa non, nhưng ngay khi dùng đến hạ sách đó thì trăm phần trăm cậu con và người bố đều chung thân phận kẻ thất bại, đánh mất tương lai văn minh của gia đình mình.

Ở Việt Nam hiện nay, hiếm thấy những lớp học hoặc các salon để các ông bố, bà mẹ trao phân tích và truyền đạt những tình huống giáo dục tuổi thiếu niên. Đây là điều đáng tiếc nhất trong hệ thống giáo dục ngoài học đường. Từng người bố đều có tình huống giáo dục thành công và không thành công, để phí kho báu kinh nghiệm đó là lỗi thuộc về các cấp quản lý giáo dục và các tổ chức giáo dục dân sự.

Một ông bố kể: “Con trai tôi lúc học lớp 8, một hôm từ trường về, mặt hầm hầm hỏi tôi. Nó vừa thách đấu tay đôi với một đứa bạn trong lớp, việc đó đúng hay sai? Thoạt nghe chuyện tôi giật mình. Hỏi con về lý do. Con kể, thật ra nó đã bị bạn này bắt nạt suốt từ năm lớp 6, và cường độ bắt nạt cứ gia tăng đến mức bây giờ nó không thể chịu đựng nổi nữa. Tôi hỏi sao không báo thầy cô và nhà trường. Con tôi nói có báo, nhưng nó chỉ được buông tha một thời gian rồi lại bị. Tôi nghĩ nếu tôi đích thân vào trường trao đổi với ban giám hiệu trường hợp của con tôi thì cũng chưa chắc giải quyết được rốt ráo. Chuyện tôi và nhà trường cùng can thiệp cũng chỉ có hiệu quả một thời gian nào đó, vấn đề ở chỗ con tôi và kẻ bắt nạt phải giải quyết tình huống này. Lý trí người cha mách bảo tôi có hai cách. Một là khuyên con tôi tiếp tục nhịn cho hết cấp học hoặc chủ động xin chuyển trường. Hai là tự nó phải dùng ý thức và lý lẽ để vượt qua chuyện này mà không dùng đến bạo lực. Con tôi trả lời việc tôi khuyên nó nhịn, nó không chấp nhận vì như vậy sẽ là thằng hèn, hèn một lần thì cả đời sẽ hèn luôn. Tôi phân tích cho nó nghe tác hại trước mắt của chuyện đánh nhau với bạn và cả những hậu quả cho tương lai nếu nó tin và có thói quen sử dụng những phương thức giải quyết mâu thuẫn cá nhân bằng bạo lực. Nó hỏi tôi. Bố nghĩ có cách khác tốt hơn à. Tôi bày nó một cách, nó sẽ trở thành người hùng, một người hùng đích thực nếu không coi bạn xấu là kẻ thù, và biết dùng lý lẽ phải quấy cũng như chứng minh được với bạn mình, kẻ bắt nạt và nạn nhân bị bắt nạt đều là món mồi ngon cho con thú bạo lực học đường đang cướp đi những tháng ngày đẹp nhất tuổi học trò.

Chuyện các cậu trai tơ dễ sa vào bản năng sử dụng bạo lực cũng chỉ là một góc trong toàn cảnh tâm sinh lý của tuổi mới lớn. Ở tuổi này, có những không gian đóng rất kín trước các bậc phụ huynh. Thí dụ như không gian tập tành yêu đương. Ai làm cha làm mẹ mà có được cậu trai tơ chịu tâm sự chuyện tình yêu thì quả là đáng mừng. Một người mẹ tâm sự, lúc gom đồ con đi giặt, tình cờ cái bóp cậu con lớp 10 của cô rơi ra, cô thấy trong đó có một bao cao su. Phản ứng đầu tiên của tâm lý phụ nữ Á Đông típ cổ điển là phát hoảng vì biết thằng con trai giở chứng. Nhưng sau đó, ý thức người mẹ hiện đại trong cô bừng tỉnh. Bằng cái lý rất chân thật của một bà mẹ, cô cho rằng: Lúc nó bé thì chăm chút sức khoẻ cho nó, bây giờ nó sắp đến tuổi rời vòng tay mình thì điều mong muốn nhất là con trai mình được an toàn. Nó có thói quen và ý thức tình dục an toàn là hạnh phúc trước tiên thuộc về cha mẹ.

Đã qua rồi cái thời ca ngợi tình yêu không có gia vị tình dục. Các ông bố bà mẹ vẫn có quyền êm đềm với khung trời tình yêu theo hình ảnh của thi sĩ Nguyên Sa: “Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng/ Nàng đến gần tôi chỉ dám quay đi/ cả những giờ lên lớp học, trường thi/ Tà áo khuất thì thầm: “chưa phải lúc...” Nhưng đồng thời cũng ý thức về tình yêu tuổi trai tơ trong thời đại các cô cậu tuổi mới lớn không còn đỏ mặt xấu hổ trước các nụ hôn tình yêu; và được giáo dục để tiếp cận những quan niệm, kiến thức tình dục lành mạnh. Né tránh câu chuyện giáo dục tình yêu – tình dục với con sẽ là sai lầm; hãy trao cho các chàng trai tơ, cái la bàn tình dục để tự con mình lạc hướng hải trình trước những cơn bão thông tin tình dục tràn ngập các phương tiện truyền thông cá nhân.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem