Có nghề, đi đâu cũng có việc

Thứ bảy, ngày 03/09/2011 17:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không ít người khi học xong khóa học nghề ở nông thôn đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Và họ nghiệm ra rằng, muốn xóa đói nghèo, và làm giàu là phải có cái nghề, phải lành nghề.
Bình luận 0

Lao động cần phải lành nghề

Vừa qua, Trung tâm Dạy nghề và Giải quyết việc làm huyện Chợ Lách (Bến Tre) đầu tư hơn 400 triệu đồng, mở 14 lớp đào tạo nghề chăn nuôi, trồng trọt kết tạo dáng cây kiểng bonsai ngay trên xứ cây kiểng, cây ăn trái. Nhờ vậy đã tạo điều kiện cho hơn 200 lao động có công ăn việc làm ngay. Nhiều người mở cơ sở bán cây kiểng riêng, để kinh doanh, ổn định cuộc sống.

img
Một lớp dạy nghề trồng hoa lan ở Bạc Liêu.

Hay như anh Trần Văn Hòa, trước khi rời xứ Mỹ Quới, Thạnh Trị (Sóc Trăng) để về quê vợ sinh sống, đã tự trang bị cho mình nghề sửa chữa máy nổ. Có nghề, xin đi làm không được, anh vay tiền mua ghe nhỏ đi chở đồ mướn kết hợp sửa chữa dạo khắp xóm. “Vậy mà cũng đủ nuôi vợ và 2 con ăn học đàng hoàng” - anh Hòa kể.

Còn chị Nguyễn Thị Lam - quê xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long (Bạc Liêu) học được nghề uốn tóc. Vậy là chị theo bè bạn đi làm thuê, lương tháng 1,8 triệu đồng! Chị Lam nói: Biết tôi rành nghề nên đi đâu cũng có người thuê, và nếu có tiền mở tiệm thì thu nhập sẽ tăng không nhỏ… Vợ chồng anh Trương Hoàng Thon (Bạc Liêu), cùng học nghề gây giống cây ăn trái. Rành nghề, cả hai giờ trở thành chủ trang trại nức tiếng ở miệt Bạc Liêu.

Ông Ca Quốc Hận - Chủ tịch Hội ND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), cho rằng: “Dạy làm sao để lao động tham gia học nghề được học nghiêm túc, học xong phải rành nghề, chứ không phải cầm cái chứng nhận học nghề trong tay rồi làm nghề kiểu dở dở ương ương, vừa phí tiền Nhà nước, vừa mất thời gian, mà chẳng được gì. Lành nghề là tốt nhất!”.

Động thái mới

Để đạt tới chữ “lành nghề” thì cần rất nhiều sự nỗ lực. Bà Trần Thị Quýt - Chủ tịch Hội ND tỉnh Sóc trăng, đề xuất: Phải gỡ cái khó cho lao động nghèo để họ yên tâm học nghề; phải có đầu ra sau đào tạo để họ có thể nhìn thấy được triển vọng ứng dụng nghề có thể mang đến ích lợi thiết thực. “Tôi nghĩ, nếu dạy đúng nghề và có đầu ra việc làm, lao động nông thôn sẽ ùn ùn đăng ký đi học” - bà Quýt nói.

Sở LĐTBXH tỉnh Bạc Liêu đã kết hợp với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM mở 2 lớp sư phạm nghề cho hơn 100 giáo viên và kỹ năng xây dựng chương trình dạy nghề cho gần 40 giáo viên khác. Đây là bước khởi đầu, nhằm tạo nguồn nhân lực quản lý cho các lớp đào tạo nghề.

Nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được đề xuất ở ĐBSCL: Trước hết là vấn đề ưu tiên đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho người lao động nông thôn. Đồng thời, tập trung phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề đủ chuẩn (công lập và ngoài công lập).

Đặc biệt, phát triển các chương trình dạy nghề, căn cứ vào chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề, đồng thời căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động theo ngành nghề ở địa phương để biên soạn chương trình dạy nghề. Ngoài ra, cấp uỷ địa phương cần có động thái giúp đỡ người lao động nông thôn tham gia tích cực lớp dạy nghề với tinh thần cao.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: “Một mong muốn tối ưu đối với công tác dạy nghề ở nông thôn là đào tạo phải lành nghề sẽ thành công!”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem