Dạy nghề theo nhu cầu
Thạch Hạ là vùng đất ven đô của thành phố Hà Tĩnh. Đất sản xuất ở đây nhiễm phèn, mặn nên khó cho sản xuất nông nghiệp. Trước những thử thách này, Hội ND xã Thạch Hạ đề xuất UBND xã chuyển đổi sản xuất mà khởi đầu là mở các lớp dạy nghề cho ND. Ông Nguyễn Hữu Anh- Chủ tịch Hội ND xã Thạch Hạ cho biết: “3 năm nay thông qua TT DNHT ND tỉnh, Hội đã mở được 18 lớp dạy nghề cho hơn 500 hội viên, nông dân. Qua theo dõi của chúng tôi, tới nay đã có hơn 90% học viên sau các khóa học nghề về đầu tư xây dựng mô hình kinh tế gia đình và làm ăn có hiệu quả”.
TS Nguyễn Văn Đại - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hội NDVN trao chứng chỉ cho các học viên lớp chăn nuôi thú y. Ảnh: Hữu Anh
Theo ông Anh, minh chứng rõ nhất là ở Thạch Hạ thời gian qua các lớp nghề được mở và được sự ủng hộ của bà con nông dân như chăn nuôi bò, nuôi gà, trồng rau an toàn, trồng nấm. Sau mỗi lớp học nghề, Hội ND tỉnh lại “bắt tay” với các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân.
“Tháng 9.2015 Hội ND xã Thạch Hạ phối hợp TT DNHT ND của Hội ND tỉnh mở lớp dạy nghề chăn nuôi bò. Sau 3 tháng học nghề, khi nông dân có được kiến thức, kỹ năng chăn nuôi thú y trên gia súc lớn, Hội ND tỉnh kết nối với Công ty Khoáng sản Hà Tĩnh thành lập Tổ hợp tác (THT) nuôi bò chất lượng cao. Tham gia THT có 10 hộ gia đình, mỗi hộ nuôi 5 con bò sinh sản chất lượng cao, mở ra 1 nghề mới, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động…”- ông Nguyễn Hữu Anh cho biết thêm.
Hiện, TT DNHT ND tỉnh Hà Tĩnh có 20 cán bộ, giáo viên cơ hữu, trong đó có 11 biên chế. Hàng năm Trung tâm thường xuyên ký hợp đồng với 20 giáo viên thỉnh giảng dạy nghề. Quy mô đào tạo của Trung tâm được Sở LĐ TBXH cấp giấy phép cho 1.100 chỉ tiêu trình độ sơ cấp và mở lớp ngắn hạn với 200 chỉ tiêu/năm.
|
Với cách làm đó, học nghề xong bà con xã Thạch Hạ áp dụng ngay vào sản xuất như nghề trồng nấm hiện nay đã có trên 11 hộ mở trại; hơn 10 hộ nuôi gia cầm quy mô từ 500-10.000 con. Đặc biệt, nhờ liên kết với doanh nghiệp mà mô hình nuôi bò chất lượng cao đang phát triển tốt. Hiện cả xã đã có hơn 50 con bò giống chất lượng cao...
Nông dân mạnh dạn làm ăn lớn
Anh Lê Đình Hoan ở thôn Hạ, xã Thạch Hạ vốn là hộ buôn bán nhỏ, làm không đủ nuôi 4 đứa con ăn học. Nhưng cách đây 2 năm, được tham gia lớp học nghề trồng nấm do Hội ND mở. Có kiến thức, kỹ năng, anh Hoan mạnh dạn vay vốn đầu tư mở trại nấm. Mô hình trồng nấm bình quân mang lại thu nhập sau khi trừ chi phí cho gia đình anh 100 triệu đồng/năm. Anh Hoan chia sẻ: “Thú thật, có học nghề tôi mới nắm bắt được kỹ thuật, được đi tham quan học hỏi mở rộng tầm mắt. Bây giờ không chỉ có tiền lo cho các con ăn học mà gia đình tôi còn có cơ hội làm giàu…”.
Ông Đặng Quốc Thạo, 67 tuổi, ở thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ chia sẻ thêm, trước đây không chỉ gia đình ông mà hơn trăm hộ dân ở thôn Liên Hà mỗi năm chỉ làm được một vụ màu do đất bị nhiễm phèn, mặn. Khi Hội ND mở lớp nghề chăn nuôi bò, dù ông đã cao tuổi nhưng vẫn đăng ký tham gia. “Sau khóa học 3 tháng tôi mạnh dạn đầu tư mua 5 con bò giống chất lượng cao và chuyển đổi 4 sào đất sang trồng cỏ VA06. Ông Thạo bày tỏ: “Các giáo viên đã truyền đạt cho chúng tôi nhiều kiến thức, kỹ năng mới, đàn bò nuôi mạnh khỏe, tăng trưởng và sinh sản tốt. Có kiến thức chúng tôi mới tự tin đầu tư làm ăn lớn…”.
Năm 2015, các cấp Hội ND tỉnh Hà Tĩnh ủy thác, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp nông dân vay hơn 2.688 tỷ đồng; tư vấn, hỗ trợ thành lập 96 hợp tác xã, xây dựng 90 mô hình kinh tế tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị; phối hợp xây dựng 1.637 mô hình kinh tế; cung ứng 7.664 tấn phân bón, 167,5 tấn lúa, lạc giống, 560.000 giống cây, 1.450 con giống các loại, 260 máy nông nghiệp, lắp 195 bể bioga, cung ứng 21.577 tấn thức ăn gia súc...
Dạy nghề sát thực với nông dân
Hà Tĩnh trước có rất nhiều trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên qua rà soát cho thấy nhiều đơn vị hoạt động không hiệu quả phải dừng. Đến nay chỉ còn lại TT DNHT ND của Hội ND tỉnh, đây là 1 trong số ít đơn vị chủ lực, có hiệu quả trong dạy nghề cho lao động nông thôn. Minh chứng rõ nhất là đơn vị này được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen và công nhận là 1 trong 5 đơn vị xuất sắc trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ giai đoạn 2010-2015.
So với các đơn vị khác, Trung tâm của Hội ND có đội ngũ giáo viên là những cán bộ kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm rất am hiểu thực tế, gắn bó với nông dân, sát tình hình sản xuất… Tới đây, nếu TT DNHT ND được đầu tư tốt hơn về cở sở vật chất, nhất là các mô hình thực nghiệm thì hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân còn được nâng cao hơn…
Ông Lê Xuân Ý - Phó Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTBXH Hà Tĩnh
Tổ chức được chuỗi sản xuất rồi mới dạy nghề
Để hội viên, nông dân học nghề xong có việc làm và sống được bằng nghề mình học thì trước đó, các cấp Hội ND phải tổ chức liên kết xây dựng được chuỗi sản xuất rồi mới dạy nghề và đào tạo kỹ năng cho bà con. Kinh nghiệm trong 4 năm trở lại đây của Hội ND Hà Tĩnh cho thấy, các cấp Hội triển khai giải pháp hỗ trợ nông dân về vốn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì mới mở lớp dạy nghề.
Với cách làm này không chỉ hạn chế mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà mở ra hướng làm ăn lớn. Xác định rõ như vậy nên nhiều lớp học nghề thu hút rất đông nông dân tham gia, điển hình như liên kết chăn nuôi lợn và hỗ trợ đào tạo nghề cho hội viên tại 5 xã của huyện Vũ Quang hay tại xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh; chuỗi liên kết chăn nuôi bò chất lượng cao tại TP.Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn, Cẩm Xuyên…với hàng trăm hộ tham gia./.
Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh
Lam Khê (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.