Ông Đỗ Xuân Nhũ, ở cụm 1, thôn Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là người có kinh nghiệm nuôi bò gần 20 năm cho hay, bò là con vật dễ nuôi nhất bởi những đặc tính như có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, lớn nhanh. Cho nên, nuôi bò mang lại hiểu quả kinh tế cao.
Theo ông Nhũ, trung bình một con bò giống lai sind trên thị trường có giá 13-15 triệu đồng, nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật, sau 12 tháng xuất chuồng sẽ có giá 30-35 triệu đồng một con. "Mới đây, thương lái vào hỏi mua hai con bò đã nuôi được 6 tháng của tôi với giá 28 triệu đồng một con nhưng tôi không bán. Bởi ở thời kỳ này, bò đang tuổi ăn, tuổi lớn, bán đi tiếc lắm. Để cuối năm xuất chuồng, hai con bò này cầm chắc 70 triệu đồng", ông Nhũ khoe.
Bò dễ nuôi lại có sức đề kháng tốt. Ảnh: MH.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Dự, trước đây chỉ độc canh cây lúa nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2008, được Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các đoàn thể trong xã đứng ra bảo lãnh, hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng, gia đình bà đã mua 7 con bò giống lai sind về nuôi. "Chỉ sau 3 năm, gia đình tôi đã trả hết nợ và được công nhận thoát nghèo. Từ năm 2011 đến nay, trừ chi phí mỗi năm tôi tiết kiệm được 60-80 triệu đồng nhờ chăn nuôi bò" - bà Dự cho biết.
Trên đây là hai trường hợp điển hình ở xã Thượng Cốc nhờ chăn nuôi bò thịt đã mang lại thu nhập cao, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Đến nay, toàn xã Thượng Cốc có hơn 1.300 hộ dân thì có tới gần 60% số hộ chăn nuôi bò thịt, với tổng đàn bò đạt 1.600 con. Trong đó, hộ chăn nuôi nhiều là 10-15 con, hộ ít cũng 2-3 con. Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Cốc Nguyễn Văn Hiệp, nghề chăn nuôi bò thịt không chỉ đem lại doanh thu hơn 50 tỷ đồng một năm cho địa phương. Đã có hơn 300 hộ chăn nuôi bò thịt xây dựng được nhà cửa kiên cố, hiện đại từ 2 đến 4 tầng với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền; đường làng, ngõ xóm, cơ sở vật chất nhà văn hóa, trường học... được nhân dân đóng góp xây dựng khang trang.
Theo ông Nhũ, để chăn nuôi bò đem lại thu nhập cao thì việc lựa chọn con giống tốt và cách chăm sóc là hai yếu tố quyết định. Còn để bò chóng lớn, người chăn nuôi phải kết hợp cho bò ăn thức ăn thô với thức ăn tinh theo tỷ lệ trọng lượng cơ thể và giai đoạn sinh trưởng của bò.
Tuy nhiên, bất cập nhất hiện nay ở xã Thượng Cốc là số lượng đàn bò ngày càng gia tăng, trong khi đó các hộ chăn nuôi chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Hầu hết các hộ chăn nuôi xả thải trực tiếp vào hệ thống nước thải và kênh mương nội đồng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt. Trước thực trạng này, ông Hiệp kiến nghị UBND huyện Phúc Thọ và các sở, ngành của thành phố tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi xây dựng hầm bioga xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Có như vậy, mô hình chăn nuôi bò thịt ở xã Thượng Cốc mới phát triển bền vững.
P.V (Hà Nội mới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.