Cuống cuồng tìm người cho tạng chồng
Câu chuyện của chị Phương – vợ anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, trú tại Ninh Bình) khiến nhiều người không khỏi rớt nước mắt khi được nghe kể. Gia đình nhỏ của chị đang tràn ngập tình yêu, hai con trai cũng đã khôn lớn trưởng thành. Anh chị kinh doanh một cửa hiệu kim hoàn lớn nên kinh tế cũng hết sức dư dả. Cuộc sống gia đình ấm êm mọi bề.
Nhưng tai họa bỗng dưng ập đến khi anh Quý bị tai biên mạch máu não vào cuối tháng 11 vừa qua. Trước đó, anh cũng đã từng đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người để xin hiến tạng. Anh chỉ đơn giản nghĩ rằng, nếu mình mất mà còn có ích với ai đó thì tốt quá.
Dù năm trên giường bệnh nhưng anh Quý vẫn lạc quan động viên vợ. (Ảnh: NVCC)
Và khi số phận đã quyết định cho điều không may xảy ra với anh Quý, chị Phương đã bàn bạc với các con để cùng thực hiện mong muốn của chồng, của cha. Khi các bác sĩ tuyên bố anh Quý đã chết não, chị Phương đã phải nén đau thương, cùng người thân đôn đáo liên hệ với nhiều nơi để tìm cách... hiến tạng của chồng.
Trong chị lúc này chỉ thường trực nỗi lo lắng là không tìm được người hợp với tạng của chồng để hiến tạng. Vì khi một người chết não, các chỉ số duy trì sự sống bị tụt rất nhanh, nếu không tìm được người cho thì tạng sẽ hỏng.
“Lần đầu tiên tôi thấy một gia đình lại lo lắng, sốt ruột khi không được tìm được người cho tạng của chồng, cha, con em mình” – chị Nguyễn Phượng Hoàng - nhân viên Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ.
Chị Hoàng nhớ lại, vào ngày 12.12 định mệnh đó, trong những giờ khắc cuối cùng, chị Phương đã nắm tay anh Quý thật chặt, cúi xuống trao cho anh một nụ hôn từ biệt. Chị biết, chị và anh đã thực sự phải đến lúc phải chia ly, cách xa...
Nụ hôn cuối cùng của chị Phương dành cho chồng. (Ảnh: NVCC)
Trước lúc lâm chung, anh Quý đã dặn dò vợ rằng anh muốn dành các bộ phận trong cơ thể mình như tim, gan, lá phổi, thận... cho những người bệnh đang hy vọng sống tiếp. Dù chị không đồng ý vị chị vẫn nuôi hy vọng điều đó không xảy ra, nhưng khi biết không thể nào chống lại số phận, chị lại nén lại nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong để thực hiện cho được di nguyện của chồng...
Anh đã lựa chọn tiếp tục được sống vì người khác ngay cả khi đã chết. Và chắc chắn anh sẽ mỉm cười khi nguyện ước của mình đã thành hiện thực.
Khoảnh khắc vợ chồng chị Phương - anh quý nắm chặt lấy tay nhau - khoảnh khắc cả hai cùng nhau nắm giữ tình yêu đã khiến biết bao người xúc động, nghẹn ngào. (Ảnh: NVCC)
Trường hợp hiến tạng của người cho chết não Dương Hồng Quý đã được ghi nhận là kỷ lục về ghép tạng ở Việt Nam: Một người cho chết não hiến tặng 7 tạng để cứu sống 6 bệnh nhân. Tạng của anh Quý đã được ghép bao gồm 2 lá phổi cho 1 bệnh nhân 17 tuổi, 1 quả tim cho bệnh nhân 60 tuổi, 1 lá gan cho bệnh nhân nữ 63 tuổi, 1 quả thận cho bệnh nhân 41 tuổi và 1 quả được “xuyên Việt” vào TP.HCM để ghép cho bệnh nhân 15 tuổi, mạch máu để hiến cho một ca ghép gan.
Bệnh nhân 15 tuổi trong TP.HCM đã được ghép thận từ anh Quý ngay trước mùa Giáng sinh 2018. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)
Cho đến nay, cả 6 bệnh nhân đều đã dần hồi phục sức khỏe. Phép màu đã không xảy ra với anh Quý, nhưng phép màu đó lại đến với 6 bệnh nhân khác, đặc biệt là 2 người còn rất trẻ mới 17, 15 tuổi, thanh xuân còn đang phơi phới phía trước. Đó chính là phép màu kỳ diệu, là món quà Giáng sinh mà anh Quý và gia đình đã trao tặng cho những người ở lại.
Trái tim còn đập mãi
Gặp lại sau nửa năm ngày mất của con, ông Lê Xuân Cự – bố đẻ thiếu tá Lê Hải Ninh (người cho chết não 45 tuổi, quê ở Ninh Bình) nghẹn ngào kể với PV: “Con tôi mất đi là tổn thất to lớn của gia đình, không gì bù đắp được. Nhưng nhận được thông tin các ca ghép tạng từ tạng của con tôi thành công là niềm an ủi, tự hào của gia đình họ tộc chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng sự cho đi còn mãi mãi. Và đâu đó trên đời này con trai tôi vẫn còn hiển hiện và dõi theo chúng tôi”.
Lá phổi mà thiếu tá Ninh trao tặng là ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên của Việt Nam. Trong ảnh: Bệnh nhân Trần Ngọc Hanh được ghép phổi đã phục hồi khá tốt. (Ảnh: D.L)
Tháng 2.2018, sau khi bị đột quỵ, không qua khỏi, thiếu tá Lê Hải Ninh đã hiến tạng cứu sống 4 người (phổi, tim, hai quả thận) và đem lại ánh sáng cho 2 người mù lòa khác.
Trước giờ lên bàn mổ, thay lời từ biệt, chị Kiều khẽ chạm tay vào chồng thầm thì: “Em không biết mình hành động đúng hay sai, không biết anh có giận em không nữa. Nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, lá phổi của anh vẫn thở và đôi mắt anh vẫn dõi theo mẹ con em” .
|
Trung tướng Mai Hồng Bàng – Giám đốc Bệnh viện 108 cho biết – người trực tiếp thực hiện ca ghép tạng xuyên Việt từ người cho là thiếu tá Lê Hải Ninh đã xúc động chia sẻ: Thiếu tá Lê Hải Ninh dường như đã thấu hiểu tình yêu thương vô bờ và quyết định đầy nhân văn, cao cả của vợ.
Nhờ quyết định đó mà dù anh mất đi nhưng trái tim anh đang đập trong lồng ngực anh Nguyễn Quốc Hùng 30 tuổi, hai lá phổi của anh đang giúp anh Trần Ngọc Hanh hít thở, 2 quả thận của anh được tặng cho 2 người khác ở 2 đầu nam bắc; 2 giác mạc đang trong 2 đôi mắt sáng ngời, đang dõi theo cuộc sống của vợ con anh, gia đình anh.
Theo lời của cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, ca mổ đã diễn ra vào ngày 26.2. Trước giờ lên bàn mổ, thay lời từ biệt, chị Tạ Thị Kiều – vợ thiếu tá Ninh đã khẽ chạm tay vào chồng và thầm thì: “Em không biết hành động của em đúng hay sai, em không biết anh có giận em không nữa, nhưng em muốn anh cứu sống được nhiều người khác. Anh mất đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, lá phổi của anh vẫn thở và đôi mắt ngời sáng dõi theo để xem mẹ con em sống như thế nào”...
Cô bé 7 tuổi làm rung động triệu trái tim
Nhiều người vẫn còn xúc động khi nhắc đến sự ra đi của bé Hải An – cô bé 7 tuổi bị u não. Nhưng khi mất, bé đã hiến hai giác mạc để đem lại ánh sáng cho hai người khác vào ngày 22.2.
Đôi mắt trong veo của bé Hải An sẽ tiếp tục ngắm nhìn cuộc đời. (Ảnh: NVCC)
Chị Nguyễn Trần Thùy Dương (sinh năm 1985, trú tại Hà Nội) – mẹ bé An chia sẻ, con gái Hải An của chị bị phát hiện ung thư thần kinh thể sao hồi tháng 9.2017. Từ khi con bị bệnh, chị đã thôi việc để đồng hành với con từng giây, từng phút trong bệnh viện. Khi biết được con chị khó qua khỏi, chị đã có nguyện vọng muốn hiến tạng của con để sự sống của con được nối dài mãi.
Chị Dương tâm sự, chị cũng đã từng tâm sự với con về việc hiến tạng cứu giúp người khác và con chị đã đồng ý với điều tốt đẹp đó. Gần lúc con mất, chị đã nén đau thương, gọi điện cho Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để hy vọng cứu giúp người khác và sự sống của con được nối dài mãi.
Tuy nhiên, nguyện vọng của chị và con gái đã không thành vì con chị chưa tròn 18 tuổi, theo Luật chưa thể hiến tạng nên chị chỉ có thể hiến giác mạc của con sau khi cháu mất.
Là người trực tiếp lấy giác mạc cho cháu bé, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương kể lại: Trước khi các phẫu thuật viên làm thủ tục nhận giác mạc hiến, mẹ cháu bé ôm con gái và nói: "Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé" rồi đặt nụ hôn lên trán cháu. Kết thúc quá trình nhận giác mạc, mẹ cháu đã ngắm cháu và nói "Mẹ tự hào về con".
"Hơn 10 năm làm công việc này tôi chưa bao giờ cảm xúc đến thế”– ông Hoàng bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc diệu kỳ đó giữa hai mẹ con bé Hải An. Nó như một luồng điện chạy dọc người ông và khiến ông như hiểu hơn về sự không giới hạn trong cảm xúc của mỗi con người...
Hai giác mạc của bé Hải An đã được trao tặng cho 1 phụ nữ và một nam giới vì có cơ địa phù hợp sau nhiều năm phải sống trong bóng tối.
Tính đến ngày 21.12.2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. Riêng tại BV Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng trong đó 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tim (6 ca hỗ trợ ghép ở các bệnh viện khác, 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.
Theo thống kê tại Việt Nam, kỷ lục lấy và ghép tạng nhiều nhất là 5 tạng (26.2.2018), có 2 ca ghép phổi đã được thực hiện tại các BV 103 và 108, với kíp phẫu thuật là thầy thuốc Việt Nam và chuyên gia nước ngoài.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.