Có "ông" khuyến nông "cầm tay chỉ việc", nông dân thu cả trăm triệu/năm

Quốc Định Thứ bảy, ngày 14/04/2018 08:05 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, người dân huyện Mường La (Sơn La) đã tìm hướng thoát nghèo thành công nhờ áp dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ thuật khuyến nông ở địa phương.
Bình luận 0

Nhiều mô hình hiệu quả

Việc phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp do cán bộ khuyến nông Mường La tuyên truyền, tập huấn đã đem đến nhiều hiệu quả thiết thực cho nông dân, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm kinh tế theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

img

Nhiều mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của ông Lò Văn Tiện, ở bản Pặt (xã Mường Chùm), một người đã mạnh dạn thay đổi cách làm và đã thành công. Ông Tiện tâm sự: Khác với trước đây, chỉ trồng ngô, sắn, nuôi vài con gà, phục vụ sinh hoạt gia đình là chính, năm nào mưa thuận gió hòa, ngô, sắn mới được mùa; còn không thì mất mùa. Vào những tháng giáp hạt, gia đình phải ăn cơm độn, khó khăn chồng chất.

Từ ngày tham gia các lớp tập huấn khuyến nông do cán bộ khuyến nông xã, huyện tổ chức, được hướng dẫn cách phát triển tế gia đình, như: nuôi trâu, bò phải chăn nuôi nhốt chuồng, trồng cây phải dùng phân bón, những cây trồng kém hiệu quả phải trồng thay thế bằng giống cây khác… Được cán bộ khuyến nông trưc tiếp hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, hiện ông Tiện đã có 5.000m2 cây cam đang cho thu hoạch, hơn 2 ha ngô mỗi năm cho hơn 20 tấn. Ông Tiện còn nuôi 6 con bò nhốt chuồng, hơn 10 con lợn bản, một ao thả cá rộng khoảng 2.000m2. Với cách làm này, trung bình mỗi năm ông thu lãi hơn 300 triêu đồng. Cuộc sống khá lên, có của ăn của để.

Còn ông Quàng Văn Ón, ở xã Mường Bú với 2 ha đất nương, trước đây chỉ trồng cây ngô, sắn, bao năm làm lụng vất vả mà dư dả thì chẳng thấy. Thấy cán bộ khuyến nông xuống xã tập huấn cách trồng táo, ông liền tham gia, ghi chép một cách tỉ mỉ, đem kiến thức về áp dụng vào khu đất của mình, trồng táo quanh vườn nhà. 2 năm sau, táo cho thu hoạch, bán được giá, tính ra lãi gấp mấy lần trồng ngô, sắn. Thấy vậy, ông chuyển hết đất sang trồng táo, đến nay vườn táo của ông có hơn 1.000 cây táo. Trừ chi phí mỗi năm cho thu hoạch hơn 300 triệu, cuộc sống khấm khá lên từng ngày.

img

Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc đem đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Giúp nông dân đổi mới cách làm

Mường La là huyện khó khăn của tỉnh Sơn La, địa hình đồi núi có độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp. Người dân canh tác nương rẫy là chủ yếu, mùa vụ phó mặc cả cho ông trời nên năm được mùa, năm thì mất mùa, khiến đời sống người dân gặp không ít khó khăn.

Nhiều năm nay, chính quyền địa phương luôn tìm giải pháp tháo gỡ, câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại hiệu quả kinh tế luôn được đưa bàn luận tại các cuộc họp, làm sao để giúp người dân tự sản xuất, nâng cao đời sống ? Một trong những giải pháp được lựa chọn đó là công tác khuyến nông, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân, từ đó thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm. Đặc biệt là cách lựa chọn cây trồng, con giống phù hợp với tiềm năng thế mạnh từng địa phương, sản xuất theo hướng hàng hóa.

Trên cơ sở đó, Trạm Khuyến nông huyện Mường La phối hợp với các ngành, đoàn thể, như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên… trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện từng địa phương, cầm tay chỉ việc đến từng hộ. Nhờ vậy, hiệu quả triển khai nhanh chóng, xuất hiện ngày một nhiều các hộ gia đình có cách làm hay, mô hình hiệu quả.

img

Thông qua các lớp tập huấn khuyến nông đã góp phần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm cho nhiêu người nông dân

Ông Cầm Xuân Bưởng, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Mường La cho biết: Qua các buổi tập huấn, tư duy, nhận thức về cách nghĩ, cách làm của người dân đã thay đổi rất nhiều, rõ nét nhất là phát triển kinh tế hộ gia đình. Các mô hình sản xuất mới xuất hiện ngày càng nhiều, như: Nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà, trồng táo ở Mường Bú; trồng xoài ở Mường Chùm; mô hình trồng hoa và rau sạch ở Ngọc Chiến… Những mô hình này là minh chứng cho sự bứt phá trong phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp nhân dân thoát được nghèo và làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem