Đóng cửa phiên giao dịch 17.1, cổ phiếu HDB giảm mạnh 2.300 đồng/CP (- 5%) so với phiên giao dịch hôm trước, về mức giá 42.700 đồng/CP. Đây cũng là phiên thứ 2 cổ phiếu HDB liên tục đỏ sàn sau khi đã lập “đỉnh” 45.500 đồng/CP hôm 15.1.
Cổ phiếu HDB của Ngân hàng HDBank đang nằm trong top 3 mã cổ phiếu ngân hàng đắt nhất thị trường. (Ảnh: IT)
“Ngôi sao” cổ phiếu vua HDBank
Chào sàn ngày 5.1 với mức giá 33.000 đồng/CP, ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu HDB đã “gây sốc” khi có hơn 32,2 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng ở mức giá kịch trần 39.600 đồng/CP, mang lại giá trị giao dịch hơn 1.239 tỷ đồng. Cũng ngay trong phiên giao dịch này, HDB đã lọt top 20 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE với giá trị vốn hóa hơn 38.847 tỷ đồng.
Những tưởng, giá cổ phiếu HDB sẽ “giảm nhiệt” ngay sau phiên chào sàn bởi nếu so sánh với một nhà băng khác có mức giá tương đương trên thị trường là ACB, nhiều chỉ số kinh tế của HDB cũng còn kém cạnh. Trong đó, nếu chỉ so sánh 2 chỉ số về lợi nhuận và nợ xấu, nhà đầu tư chắc chắn sẽ cân nhắc lựa chọn ACB thay vì HDB.
Cụ thể, năm 2017, dù HDB đạt lợi nhuận trước thuế 2.420 tỷ đồng, cao hơn gấp hơn 2 lần năm 2016 và là năm đạt kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay; tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 1,5%. Nhưng nếu so với ACB, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế lên tới 2.650 tỷ đồng, tăng 59% so với 2016; tỷ lệ nợ N3 - 5 hợp nhất cuối năm đang được kiểm soát ở mức 0,72%.
Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán lại khác biệt với dự đoán của giới đầu tư. Cổ phiếu HDB liên tục chinh phục đỉnh cao mới trong 6 phiên liên tiếp sau đó (gồm 1 phiên tăng kịch trần), lên mức “đỉnh” 45.500 đồng/CP và lot top 3 mã chứng khoán có thị giá cao nhất sàn chứng khoán (sau VCB và VPB), bỏ xa cổ phiếu ACB (giá dao động quanh mức 39.000 - 40.000 đồng/CP).
Đáng chú ý, tính thanh khoản của cổ phiếu HDB cũng nằm trong top những mã cổ phiếu có giá trị giao dịch nhiều trên HoSE khi giá trị trung bình các phiên đạt từ 400 - 800 tỷ đồng, tương đương với đà sôi động của cổ phiếu Sacombank (mã STB) trên thị trường.
Ngoài ra, từ khi chào sàn đến nay, chỉ duy nhất phiên giao dịch 15.1, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu HDB cao hơn mua vào; còn lại lượng mua vào đều chiếm tỷ trọng lớn hơn bán ra.
Có lẽ, chính bởi đà tăng có phần “bất thường” của HDB nên cổ phiếu này được ví như “ngôi sao” trong nhóm cổ phiếu vua từ đầu năm 2018 đến nay. Nói “bất thường” là vì cách tính toán và định giá theo tất cả các phương pháp mà nhiều công ty chứng khoán đưa ra, trong đó có HSC - đơn vị tư vấn của HDBank - chỉ đưa ra mức định giá “thận trọng” khoảng 38.000 đồng/CP.
Nhà đầu tư dựa vào đâu để tin tưởng HDB?
Nói tới HDBank, nhiều nhà đầu tư cho rằng, tiềm năng của cổ phiếu HDB còn rất lớn về tăng trưởng mạnh trong trung dài hạn. Trong đó, có 5 yếu tố khiến nhà đầu tư tin vào điều này nhờ: Tốc độ tăng trưởng ấn tượng dẫn đầu ngành ngân hàng đã được kiểm chứng 5 năm qua; Nhóm khách hàng mục tiêu là các doanh nghiệp SME và bán lẻ có dư địa tăng trưởng cao; Công ty tài chính tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng hơn 60%/năm đồng hành với đối tác Nhật Bản mạnh về tài chính và quản trị; Hệ thống quản trị rủi ro đảm bảo chất lượng tài sản an toàn, nền tảng vững vàng và cuối cùng là dàn lãnh đạo HĐQT có kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực ngân hàng và giàu kinh nghiệm quản trị tại các định chế lớn.
Đặc biệt, dư nợ của HDBank đã tăng trưởng với tốc độ gộp 40,43% trong 5 năm qua trong khi lợi nhuận trước thuế tăng trưởng với tốc độ gộp 28%. NIM hợp nhất của HDBank đạt 4,13% vào cuối năm 2016, cao hơn NIM bình quân của các ngân hàng niêm yết chỉ là 3,19%.
Một điểm cộng nữa thu hút được giới đầu tư quan tâm là mặc dù kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 26%/năm nhưng ngân hàng này chỉ đặt kế hoạch tăng vốn 5% trong 5 năm tới trong đó đến năm 2019 không tăng vốn. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng pha loãng cổ phiếu là không có cho tới năm 2019, trong khi lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu liên tục tăng.
Ngoài ra, với mối quan hệ mật thiết với các đối tác lớn như Vietjet Air, Vinamilk, Saigon Coop,... HDBank kỳ vọng sẽ tạo ra hệ sinh thái bán chéo sản phẩm tài chính tiêu dùng và cung cấp các dịch vụ thanh toán hiện đại. Đây cũng là một “miếng bánh” lớn khá hấp dẫn với các nhà băng hiện nay.
Ngoài những thành tích vượt bậc về hoạt động kinh doanh, yếu tố nội tại trong quản trị ngân hàng này cũng là điều đáng bàn. Trong đó, đáng chú ý ban lãnh đạo của HDBank với vai trò chủ chốt của Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm và Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Phương Thảo khiến cho chất lượng tài sản HDBank được duy trì rất tốt nhờ chính sách quản trị có chuẩn mực cao.
Điều này được minh chứng khi Tổ chức xếp hạng Moody’s đã xếp hạng B2 cho HDBank vào năm 2017, và đây cũng là mức xếp hạng cao nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.