Cổ phiếu ngành phân bón khó “cất cánh”

Quốc Hải Thứ năm, ngày 09/03/2017 14:08 PM (GMT+7)
Cùng với kết quả kinh doanh sụt giảm trong năm 2016, thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành phân bón trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây cũng chịu ảnh hưởng xấu khi những dự báo về ngành sản xuất phân bón năm 2017 cũng không mấy “thiên thời, địa lợi”...
Bình luận 0

img

Hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ

Hiện tại, trong hơn 10 doanh nghiệp ngành sản xuất và kinh doanh phân bón được niêm yết trên thị trường thì đa số đều ghi nhận sụt giảm lợi nhuận trong năm 2016.

Cụ thể, trên sàn HNX có khá nhiều doanh nghiệp báo cáo ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận, trong đó có những cái tên quen thuộc như: Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), doanh thu chỉ giảm 15% nhưng lợi nhuận ròng giảm tới 55%, chỉ đạt 138 tỷ đồng, mức thấp nhất từ năm 2010 đến nay. Hoặc, Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PSE), lợi nhuận ròng cũng chạm đáy kể từ năm 2010, chỉ đạt 17,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác như: Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PCE), Phân bón & Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PSE), Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (PSW) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự...

Chỉ hiếm hoi trên sàn HNX có báo cáo ghi nhận tăng trưởng trong năm 2016 là Công ty Phân Lân Ninh Bình (mã NFC). Tuy nhiên, tăng trưởng này không xuất phát từ hoạt động kinh doanh mà đến từ hoạt động tài chính. Theo đó, nhờ giảm được phần lớn chi phí tài chính nên dù hoạt động kinh doanh giảm sút, lãi ròng năm 2016 của NFC vẫn tăng 10% đạt 19,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên sàn HOSE thì cũng có khá nhiều doanh nghiệp như: MHC, QBS... cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. Trong đó MHC có lãi ròng giảm 46%, chỉ còn 60 tỷ đồng và QBS có lãi ròng giảm tới 88% so với cùng kỳ, chỉ còn 9,6 tỷ đồng. Thậm chí ngay cả “đàn anh” như Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) cũng sụt giảm về nhiều chỉ tiêu, trong đó doanh thu giảm 19% so với năm trước, đạt gần 7.925 tỷ đồng. Theo đó, dù đã cắt giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp... nhưng lãi ròng của DPM vẫn giảm 24% so với năm trước, còn 1.127 tỷ đồng.

Còn trên sàn UPCoM, đáng chú ý là Công ty cổ phần DAP (mã DDV). Tuy nhiên, DDV lại gây chú ý không chỉ là doanh nghiệp sụt giảm doanh thu đến hơn 50% so với năm 2015 mà DDV cũng là đơn vị duy nhất lỗ ròng, lên tới 470 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh sụt giảm khiến thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây cũng chịu ảnh hưởng xấu. Trong đó, biến động mạnh nhất là cổ phiếu LAS khi giảm từ mức giá quanh vùng 15.000-15.900 đồng/CP xuống chỉ còn 13.000-14.000 đồng/CP. Một số mã cổ phiếu khác như DDV, DPM... đều có chiều hướng đi xuống.

Cổ phiếu sẽ “cất cánh” nếu...

Lý giải về nguyên nhân gây ra khó khăn cho ngành phân bón, đa số các ý kiến từ chính các doanh nghiệp đều cho rằng ngoài yếu tố thời tiết bất lợi, cạnh tranh của các loại phân bón nhập khẩu... thì chính Luật số 71/2014/QH13 quy định mặt hàng Phân bón được chuyển từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang nhóm không chịu thuế VAT là nguyên nhân gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cụ thể, khi Luật số 71/2014/QH13 được áp dụng đã khiến cho các doanh nghiệp phân bón không còn được khâu trừ thuế GTGT đầu vào, khiến cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp phân bón gia tăng, giảm khả năng cạnh tranh.

Trước phản ứng của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ về việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0% ( thay vì miễn thuế như hiện tại). Nếu đề xuất được chấp thuận sẽ giúp giảm đáng kể chi phí và giá thành, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì việc sửa đổi này cũng chưa có tiến triển mạnh.

Dù vậy, trước một năm 2017 được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, Chính phủ hiện đang tiến hành thực hiện các biện pháp bảo hộ nền sản xuất phân bón trong nước.

Cụ thể, Chính phủ hiện đã đồng ý bãi bỏ chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với các mặt hàng phân bón nhập khẩu. Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về việc bãi bỏ chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động và không quy định cửa nhập khẩu đối với mặt hàng phân bón Ure, phân khoáng, phân hoá học có chứa ba nguyên tố cấu thành Nitơ, Phospho và Kali. Những biện pháp này sẽ giúp hạn chế sự dư thừa nguồn cung phân bón và giảm áp lực cạnh tranh với phân bón giá rẻ Trung Quốc trong thời gian tới...

Nếu những biện pháp này được triển khai quyết liệt, chắc chắn giá cổ phiếu ngành phân bón sẽ có cơ hội cất cánh.

Giữa bức tranh ảm đạm của toàn ngành phân bón, thậm chí một “ông lớn” ngành phân bón khác là Phân bón Bình Điền (mã BFC) cũng liên tục có tới 4 phiên giảm sàn. Tuy nhiên nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh, kết hợp nhà máy phân bón Bình Điền - Ninh Bình được đưa vào hoạt động, đã giúp lợi nhuận ròng của BFC tăng trưởng 21%, đạt 276,8 tỷ đồng; nhờ đó phiên giao dịch 2 phiên gần nhất đã tăng trở lại, đạt 34.800 đồng/CP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem