Cổ phiếu nông nghiệp: Cổ phiếu Bầu Đức “nổi loạn” trước thông tin giá cao su tăng

Ngân Nguyễn Thứ hai, ngày 06/03/2017 20:54 PM (GMT+7)
Trước thông tin lượng cao su xuất khẩu đạt 102.000 tấn, với giá trị đạt 193 triệu USD và giá cao su dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới đã đẩy nhóm cổ phiếu nông nghiệp, điển hình là nhóm cổ phiếu ngành cao su tăng mạnh. Hai mã cổ phiếu HAG và HNG của Bầu Đức vẫn tiếp tục khối lượng giao dịch lớn.
Bình luận 0

img

Chốt phiên giao dịch đầu tuần, ngày 6.3, VN-Index có phiên tăng điểm khá tốt với thanh khoản cao hơn phiên giao dịch cuối tuần trước (giá trị giao dịch trên sàn HOSE tăng 8%).

Chỉ số này được hỗ trợ rất tốt từ việc cổ phiếu ROS tăng trần sau khi quỹ DB FTSE thông báo sẽ thêm ROS cùng với các cổ phiếu như HBC và DXG vào danh mục trong kỳ cơ cấu sắp tới. Ngoài ra, cổ phiếu VJC cũng tác động tích cực lên VN-Index, mã này tăng 4% nhờ lực cầu tương đối mạnh của các NĐTNN (mua ròng hơn 27 tỷ đồng). Các cổ phiếu vốn hóa lớn khác trên sàn HOSE có sự phân hóa với VNM, VIC và CTG tăng nhẹ trong khi VCB, SAB và GAS giảm.

Mặc dù VN-Index tăng khá tốt trong phiên nhưng thị trường vẫn đang có sự giằng co tại vùng đỉnh ngắn hạn của chỉ số, phần lớn các cổ phiếu trên hai sàn đều biến động trong biên độ hẹp ngoại trừ một vài cổ phiếu BĐS và cao su.

Nhóm cổ phiếu BĐS tiếp tục thu hút dòng tiền, nổi bật nhất vẫn là những cổ phiếu như DXG, TDH, VCG, LCG, DIG. Ngoài ra thì các cổ phiếu cao su cũng có diễn biến tích cực không kém với TRC tăng 6,3%, DPR tăng 1,3% và PHR tăng 2,9%..

Cổ phiếu TCM tăng 2,8% trong phiên và tính từ đầu năm 2017 cho tới nay, TCM đã tăng xấp xỉ 40%. Kết quả kinh doanh của TCM được kỳ vọng sẽ có sự chuyển mình trong năm 2017 nhờ hoạt động kinh doanh của các mảng sợi, vải và dệt sẽ có sự cải thiện, trong đó trọng tâm là việc nhà máy Vĩnh Long của TCM kỳ vọng sẽ đạt điểm hòa vốn hoặc chỉ bị lỗ nhẹ trong năm nay.

TCM có kế hoạch nới room ngoại trong tháng 6 hoặc tháng 7.2017, bên cạnh đó công ty cũng dự định giảm tỷ lệ trích quỹ phúc lợi từ 25% xuống còn 20% và trả cổ tức tỷ lệ 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu cho năm 2016.

img

Về nhóm cổ phiếu nông nghiệp, nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên khởi sắc và giao dịch sôi động trong phiên. TRC, PHR, DPR tăng mạnh tương ứng 6,3%, 2,9% và 1,3%. Giá cao su tăng đã giúp cổ phiếu ngành cao su có đợt tăng giá mạnh trong những phiên giao dịch gần đây.

Trên thị trường thế giới, giá cao su RSS3 – Thái Lan đã biến động mạnh từ đầu năm 2017, tăng nhanh lên mức 314.9 JPY/tấn vào cuối tháng 1.2017 và biến động mạnh với biên độ 20-30 JPY trong nửa đầu tháng 2.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vào tháng 1.2017 khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 102.000 tấn, với giá trị đạt 193 triệu USD, tăng 10,5% về khối lượng và tăng đến 84,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân khiến giá cao su tăng mạnh vào đầu năm 2017 là do nhu cầu sản xuất lốp xe tại Trung Quốc đang có xu hướng phục hồi.

Theo báo cáo mới đây của Commerzbank, giá cao su có khả năng sẽ tăng hơn nữa. Triển vọng dài hạn đối với giá cao su thiên nhiên là nguồn cung toàn cầu khó có thể dư thừa. Rubber Economist dự báo thị trường năm nay và năm tới sẽ thiếu hụt 2 năm liên tiếp, sau khi sản lượng năm ngoái đã thấp hơn khoảng 151.000 tấn so với nhu cầu. Hiệp hội Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) – chiếm 96% sản lượng toàn cầu – dự báo mức thiếu hụt năm nay sẽ lên tới 350.000 tấn.

TRC cuối phiên đóng cửa tại 34.000 đồng (+30,8% YTD). Trong năm 2016, TRC ghi nhận 350,3 tỷ đồng doanh thu (-3,5%) và 82,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+25,5%). TRC đặt kế hoạch sản lượng khai thác năm 2017 sẽ đạt khoảng 8.800 tấn (-2,8%), do diện tích thanh lý dự kiến giảm 2,2%, trong khi kế hoạch năng suất không đổi ở mức 1,91 tấn/ha.

Giá cổ phiếu PHR cuối phiên đạt 31.500 đồng (+31,8%). Năm 2016, PHR ghi nhận 1.179 tỷ đồng doanh thu (-4%) và 253 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (-4,1%). Năm 2017, Công ty đặt kế hoạch sản lượng khai thác năm 2017 sẽ đạt khoảng 14 ngàn tấn (-15% YoY).

DPR chốt phiên ở mức 46.100 đồng (+23,6%). Năm 2016, DPR ghi nhận 852 tỷ đồng doanh thu (-1%) và 196,6 tỷ đồng LNTT (+1%).

Tương tự nhóm cao su, hai mã cổ phiếu của Bầu Đức là HAG (+0,2%) và HNG (+2,7%) ở nhóm chăn nuôi duy trì đà tăng với trên 6 triệu cổ phiếu và 1,4 triệu cổ phiếu tương ứng được giao dịch trong phiên.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu có thanh khoản cao trong nhóm phân bón và thủy hải sản điều chỉnh giảm trong phiên, cụ thể HVG (-2,4%), VHC (-0,8%), DCM (-0,4%). DPM đóng cửa tại mức giá tham chiếu khớp trên 1,5 triệu cổ phiếu.

imgimgimg

Sau hơn 6 tháng dừng hoạt động, từ giữa tháng 1.2017 Nhà máy Đạm Ninh Bình đã tái khởi động với hy vọng dần thoát khỏi khó khăn, sau khi được Vinachem hỗ trợ 49 tỷ đồng trong thời gian đầu vận hành. Hơn một tháng kể từ ngày khởi động lại sản xuất, lãnh đạo nhà máy cho biết đã sản xuất được gần 40.500 tấn ure, bình quân mỗi ngày 1.400 - 1.500 tấn. Lượng hàng tiêu thụ được gần 30.000 tấn. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó tổng giám đốc Nhà máy Đạm Ninh Bình, hiện nhà máy đang ở trong tình thế bắt buộc phải chạy, nếu không sẽ lỗ nặng thêm và với phương án sản xuất hiện tại thì dự kiến năm 2018 công ty sẽ hoà vốn và 3 năm nữa sẽ có lãi trở lại.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết, trong tháng 2 đã chế biến được 732 tấn tôm thành phẩm các loại, đạt doanh số chung 7.2 triệu USD. So với số liệu cùng kỳ năm trước là  607 tấn tôm thành phẩm và 6 triệu USD thì kỳ này đã có sự tăng trưởng mạnh, đều tăng 20%. Hiện FMC đang tiến hành cải tạo vùng nuôi ao và dự kiến bắt đầu thả giống từ cuối tháng 3 này và kéo dài trong hai tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem