Cổ phiếu nông nghiệp: Cổ phiếu của “nữ hoàng” ngành thuỷ sản chìm trong sắc đỏ

Ngân Nguyễn Thứ tư, ngày 08/03/2017 19:22 PM (GMT+7)
Mặc dù giá cá tra được dự báo là tăng nhưng do lo ngại việc thiếu hụt nguyên liệu để xuất khẩu, giá cổ phiếu VHC của bà Trương Thị Lệ Khanh, “nữ hoàng” ngành thuỷ sản đã chìm trong sắc đỏ.
Bình luận 0

img

Chốt phiên giao dịch ngày 8.3, VN-Index tăng nhẹ lên 716,60 (+0,01%) nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng bất ngờ dậy sóng và nỗ lực nâng đỡ thị trường của các cô phiếu hàng tiêu dùng có vốn hóa lớn như VNM, MSN, MWG. Trong khi đó, SAB, VIC, VJC, GAS là những cổ phiếu lớn gây tác động đáng kể lên chỉ số về phía ngược lại. HNX-Index cũng tăng 0,96%, đóng cửa tại mức 87,53 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.300 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền tập trung tại một số cổ phiếu và nhóm cổ phiếu nhất định.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng thuận tăng khá với khối lượng giao dịch gia tăng so với hôm qua, dẫn đầu là ACB (+3,6%), khớp lệnh hơn 3,3 triệu đơn vị, cao gấp 9,6 lần so với phiên trước và sau đó là EIB, CTG, STB, VCB, BID, MBB.

Nhóm cổ phiếu dược phẩm cũng có hai mã chứng khoán là DMC và IMP cùng tăng mạnh với mức tăng hơn 5%.

Ở nhóm vật liệu xây dựng, các cổ phiếu đá xây dựng (C32, NNC, DHA), nhựa xây dựng, ống nhựa (DAG, NTP, DNP), xi măng (HT1) thu hút dòng tiền và tăng điểm khá.

Ngược lại, một số cổ phiếu gạch ốp lát như CVT, VCS giảm điểm do gặp phải áp lực chốt lời sau khi tăng mạnh trong thời gian qua. Kể từ đầu năm, giá hai cổ phiếu này đã tăng lần lượt 43% và 17,8% nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong năm 2016 và kỳ vọng sẽ tiếp tục khả quan trong năm 2017 nhờ nhu cầu lớn từ thị trường BĐS, xây dựng.

Ngoài ra ở nhóm cổ phiếu logistics, GMD (+4,0%) và TMS (+1,6%) cũng thu hút sự chú ý lớn từ nhà đầu tư và khối lượng giao dịch đạt mức cao.

Khối ngoại giao dịch cân bằng trên HOSE và quay lại mua ròng nhẹ trên HNX với giá trị mua ròng 5,4 tỷ đồng, tuy nhiên, tổng giá trị giao dịch (mua+bán) có sự sụt giảm đáng kể so với phiên trước.

Các cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là MSN (+71,7 tỷ), VNM (+24,7 tỷ). Đây cũng là yếu tố hỗ trợ giá hai cổ phiếu này trong phiên hôm nay trong khi VJC (-58,9 tỷ) tiếp tục bị bán ròng mạnh, ngoài ra còn có DXG, VIC, CTD…

Ở nhóm cổ phiếu nông nghiệp,  nhóm phân bón tương tự hôm qua, BFC (+0,6%) duy trì đà tăng điểm trong khi DPM, DCM (-0,9%) vẫn trong xu hướng đi ngang và giảm điểm. Nhóm cổ phiếu cao su điều chỉnh sau chuỗi tăng điểm, PHR (-3,4%), TRC (-2,2%), DPR (-3,0%).

img

Tại nhóm thủy hải sản, HVG, VNH, VHC chìm trong sắc đỏ, giảm tương ứng 1,0%, 2,0% và 0,8%. Cổ phiếu VHC của bà Trương Thị Lệ Khanh, “nữ hoàng” ngành thuỷ sản đã tăng 13,9% kể từ mức đáy ngắn hạn đầu tháng 3.2017. VHC nhận chuyển nhượng 100% vốn tại thủy sản Thanh Bình để hiện thực hóa kế hoạch tăng thêm 20% năng lực sản xuất cho năm 2017.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017 nhà máy sẽ đạt công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày và đến năm 2018 sau khi hoàn thiên đầu tư xưởng chế biến thứ 2 tại nhà máy Thanh Bình tổng công suất sẽ đạt 300 tấn nguyên liệu/ngày.

Đến năm 2018, tổng năng lực sản xuất của VHC là 1.000 tấn nguyên liệu/ngày tăng thêm 11% so với cuối năm 2017. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu từ cuối năm 2016 được dự đoán sẽ kéo dài hết năm 2017 do đó giá nguyên liệu cũng sẽ giữ ở mức cao trong suốt năm.

Dù việc một phần việc tăng giá nguyên liệu sẽ được chuyển sang giá bán và Vĩnh Hoàn có lợi thế tự chủ được 65% sản lượng nguyên liệu đầu vào nhưng chi phí nguyên liệu vẫn tăng so với 2016. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cùng với việc doanh thu xuất khẩu của VHC sang các thị trường quan trọng như Mỹ và EU bị ảnh hưởng đã phần nào phản ánh chuỗi giảm giá cổ phiếu của VHC từ đầu năm đến nay.

imgimgimg

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem