Sau nhiều lần trầy trật, Vietcombank đã bán được hơn 35 triệu cổ phiếu EIB (Eximbank), giảm sở hữu từ hơn 101,25 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,24%) xuống 66,23 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,39%).
Mới đây nhất, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 5.549.914 cổ phiếu TPB (chiếm 0,95% vốn điều lệ ngân hàng) do doanh nghiệp này nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, Mã chứng khoán: TPB). Giá khởi điểm chào bán không thấp hơn 25.230 đồng/CP.
Cổ phiếu “vua” liên tục... ế
Đây cũng là lần thứ 2 trong năm 2018, MobiFone tiếp tục chào bán lô cổ phiếu TPB, bởi trước đó từ hồi cuối tháng 6.2018, MobiFone cũng đã chào bán lô cổ phiếu này với giá bán khởi điểm không thấp hơn 29.510 đồng/CP nhưng vẫn không bán được. Theo giải thích của MobiFone thời điểm đó là do giá cổ phiếu TPB trên thị trường không thuận lợi và thấp hơn mức giá khởi điểm chào bán nên MobiFone chưa thực hiện được việc thoái vốn tại TPBank.
Ở lần chào bán này, MobiFone đưa ra mức giá chào bán không thấp hơn 25.230 đồng/CP. Mức giá này được căn cứ dựa trên Chứng thư Thẩm định giá số 11122/CT-VVFC/BAN3 của Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam; và giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán liền trước ngày công bố thông tin thực hiện bán cổ phần TPBank. Như vậy, trong lần chào bán này, MobiFone không chỉ thay đổi phương thức chào bán theo phương thức thỏa thuận và phương thức khớp lệnh liên tục tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), mà giá bán cũng được giảm nhiều so với lần chào bán trước.
Dù vậy, việc MobiFone có thoái vốn thành công trong đợt này hay không vẫn là một dấu chấm hỏi bởi việc MobiFone thoái vốn tại TPBank đã là câu chuyện... “biết rồi khổ lắm nói mãi” khi từ năm 2016, doanh nghiệp này đã bắt đầu được rao bán nhưng đều “ế ẩm” vì nguyên nhân: Giá không được như kỳ vọng.
Không chỉ có MobiFone, trước đó hàng loạt các lô cổ phiếu ngân hàng lớn đều được chào bán nhưng rất... “ế ẩm”.
Chẳng hạn, sau nhiều lần chào bán, tại phiên đấu giá ngày 15.10 vừa qua, Vietcombank (mã chứng khoán VCB) tiếp tục đăng ký bán 54,4 triệu cổ phiếu MBB (Ngân hàng TMCP Quân đội) với giá khởi điểm 19,641 đồng/CP. Hết thời gian đặt cọc, chỉ có 10 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, bao gồm 5 tổ chức và 5 cá nhân. Song kết quả chỉ có 1 cá nhân đấu giá thành công 10.000 cổ phiếu với giá trúng là 29.100 đồng/CP, tương ứng cá nhân này chỉ bỏ ra khoảng 219 triệu đồng. Lô cổ phiếu còn lại được Vietcombank quyết định bán khớp lệnh trên sàn.
Sau khi đăng ký bán khớp lệnh trên sàn, trong thời gian từ ngày 16.11 đến 30.11, Vietcombank, VCB đã bán thành công 23,7 triệu cổ phiếu MBB. Sau giao dịch, VCB giảm sở hữu từ 150.6 triệu cổ phiếu MBB ( tỷ lệ 6,97%) xuống mức 126,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,87%).
Cũng tại Vietcombank, ngày 17.10, ngân hàng này tiếp tục thông báo không tổ chức đấu giá 45,6 triệu cổ phiếu EIB (Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam - Eximbank) do VCB sở hữu với giá khởi điểm là 14.497 đồng/CP do... không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá. Tuy nhiên, sau khi đăng ký bán khớp lệnh trên sàn, Vietcombank đã bán được hơn 35 triệu cổ phiếu EIB, giảm sở hữu từ hơn 101,25 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,24%) xuống 66,23 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,39%).
Vì sao nhà đầu tư không mặn mà?
Liên quan đến việc nhà đầu tư không mặn mà tham gia đấu giá cổ phiếu mà chọn mua từng lô nhỏ trên thị trường, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng phân tích, với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nếu được chào bán với giá ngang thị trường thì rất khó có người mua bởi cổ phiếu nhóm này đang trong xu hướng giảm và thị trường chứng khoán cũng đang ở đà giảm nên khá rủi ro.
“Đặc biệt, với khối lượng cổ phần lớn được đưa ra chào bán, rất cần nhà đầu tư lớn, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại tham gia nhưng hiện nhóm cổ phiếu ngân hàng đã kín room ngoại nên sức hút giảm. Vì vậy, sức cầu chỉ phụ thuộc vào nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư có tiềm lực lớn nhưng ở thời điểm này, rất khó thu hút họ tham gia...”, ông Khánh chia sẻ.
Trong khi đó, TS.Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính nhận định, với nhà đầu tư nước ngoài, do ngân hàng là lĩnh vực bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu nên họ cũng không mặn mà, hơn nữa việc tham gia đấu giá sẽ phải công bố nhiều thông tin, tuân thủ nhiều quy định như phải làm nhiều thủ tục như đăng ký, đặt cọc... Trong khi đó, do các cổ phiếu ngân hàng như MBB, EIB, TPB... đều đã niêm yết với lượng hàng sẵn có trên sàn thì đấu giá không còn hấp dẫn nhà đầu tư.
“Hoặc cũng có khả năng các nhà đầu tư muốn mua ở mức giá thấp hơn, nên họ chờ khi số cổ phần này được bán trên sàn chứng khoán, giá trên sàn xuống thấp họ mới mua vào chứ không muốn tham gia đấu giá làm gì cho rắc rối”, ông Tín bình luận.
Ở góc độ nhà đầu tư, anh Nguyễn Quang Anh (Q.3) chia sẻ: "Lượng hàng trên sàn thì không thiếu, hơn nữa thị trường chứng khoán giai đoạn này đang biến động thất thường bởi hàng loạt sự kiện như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung,... Nhưng các tổ chức đấu giá lại lấy giá khởi điểm theo giá thị trường thì thà bỏ thời gian canh trên sàn ở các nhịp giảm giá để mua vào thì tốt hơn nhiều, hơi đâu tham gia đấu giá chi cho mất công mất thời gian...”.
“Hiện tại, phương thức tính giá thoái vốn theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (có hiệu lực từ tháng 5.2018) đang gây khó khăn cho nhà đầu tư. Cụ thể, việc yêu cầu thoái vốn nhà nước không được thấp hơn giá trên sàn đẩy nhà đầu tư vào tình thế rủi ro bởi giá cổ phiếu trên thị trường luôn biến động. Đây là bất cập nói chung trong việc thoái vốn tại doanh nghiệp niêm yết, chứ không riêng cổ phiếu ngân hàng” - Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.