Kết thúc phiên giao dịch chiều 8.4, hàng loạt các mã cổ phiếu “vua” trên thị trường đều ngập trong sắc đỏ. Cụ thể, trong số 11 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán có 8 cổ phiếu giảm, 2 cổ phiếu giữ tham chiếu và chỉ duy nhất 1 cổ phiếu tăng.
Cổ phiếu "vua" tiếp tục đỏ sàn trong phiên ngày 4.8 (Ảnh: IT)
Trong đó, mã BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm mạnh nhất, chỉ còn 22.400 đồng/CP, giảm mất 500 đồng/CP (2%) so với phiên ngày hôm qua. Cùng với đà giảm của BID, hàng loạt các mã cổ phiếu “vua” khác cũng ngập trong sắc đỏ, chẳng hạn: mã CTG của Vietinbank cũng giảm 300 đồng/CP, từ mức 20.150 đồng/CP xuống còn 19.900 đồng/CP; VCB của Ngân hàng Vietcombank cũng giảm mất 350 đồng/CP, từ mức 38.300 đồng/CP xuống còn 37.950 đồng/CP (giảm 0,9%).
Tương tự, hàng loại các mã cổ phiếu của của khối ngân hàng TMCP cũng ngập trong “sắc đỏ” trong phiên chiều nay như: MBB của Ngân hàng Quân đội cũng giảm 200 đồng/CP, từ mức 23.500 đồng/CP xuống còn 23.300 đồng/CP; ACB cũng giảm 200 đồng/CP, từ mức 26.000 đồng/CP trong phiên giao dịch hôm qua xuống còn 25.800 đồng/CP; mã EIB của Ngân hàng Eximbank giảm 200 đồng/CP, từ mức 13.100 đồng/CP xuống còn 12.900 đồng/CP; VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế cũng giảm 100 đồng/CP và KLB của KienlongBank cũng chỉ còn 9.900 đồng/CP, giảm 100 đồng/CP so với phiên giao dịch hôm qua.
Riêng với mã NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân, đây là 1 trong 2 mã cổ phiếu đứng giá trên thị trường. Kết thúc phiên chiều 4.8, cổ phiếu NVB đứng giá ở mức 8.000 đồng/CP. Tuy nhiên, nếu so với đầu năm 2017 thì mức giá này cũng cao gần gấp đôi. Tương tự, cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội cũng đứng giá ở mức 8.100 đồng. Cả 2 mã cổ phiếu này đều đang tích cực tiến về mệnh giá nhưng xem ra con đường trở lại mệnh giá cũng còn khá gian nan.
Đặc biệt, ở chiều ngược lại, mã duy nhất tăng lại là cổ phiếu STB của Sacombank khi mã này bất ngờ tăng 400 đồng/CP so với phiên hôm trước, từ mức giá 12.300 đồng/CP tăng lên mức 12.700 đồng/CP (tăng 3,3%). Nguyên nhân khiến STB tăng mạnh có thể đến từ việc nhà băng này mới công bố đã thoái vốn thành công ở Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh đúng đỉnh giá 6 năm, mang về cho Sacombank khoản lợi nhuận 336 tỷ đồng.
Ngoài ra, những thông tin tích cực từ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank Dương Công Minh liên quan đến các khoản nợ do ông Trầm Bê, cựu Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank nhận trách nhiệm giải quyết, với nợ gốc là 35.400 tỷ đồng đã được thế chấp bằng tài sản đảm bảo trị giá 43.000 tỷ đồng (gồm tài sản thế chấp là bất động sản trị giá 33.000 tỷ đồng và khoảng 10.000 tỷ đồng được đảm bảo bằng cổ phiếu), có thể yếu tố giúp cổ phiếu STB bật tăng trở lại sau khi thông tin ông Trầm Bê bị bắt.
Trước đó, chiều 1.8, Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (C46 - Bộ Công An) đã bắt tạm giam ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (liên quan đến đại án Phạm Công Danh gây thất thoát tổng cộng hơn 15.000 tỷ đồng). Cùng bị bắt với ông Bê còn có ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) và 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng,... bị bắt giam 4 tháng. Chín người khác bị khởi tố, song được tại ngoại. Thông tin này sau khi được công bố đã khiến nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng có đã phiên “đỏ sắc” trên toàn thị trường.
Tuy nhiên, phía các chuyên gia tài chính - ngân hàng thì cho rằng việc bắt các cựu lãnh đạo ngân hàng không hoàn toàn là thông tin xấu ảnh hưởng đến thị trường vì những người này thực tế đã không còn ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh hiện tại của các nhà băng. Thêm vào đó, với việc Nghị quyết về xử lý nợ xấu dự kiến có hiệu lực từ 15.8 tới cùng với việc bắt các cựu lãnh đạo ngân hàng có sai phạm chứng tỏ Nhà nước đã quyết tâm “chỉnh đốn” tình hình hoạt động của các nhà băng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.