Cơ quan chức năng có lỗi trước ồn ào ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ

Thứ bảy, ngày 25/11/2017 22:50 PM (GMT+7)
Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đánh giá, việc dư luận xôn xao những ngày qua liên quan đến thông tin ghi họ tên thành viên gia đình vào sổ đỏ hộ gia đình có phần có lỗi của cơ quan chức năng. Lẽ ra cần diễn đạt câu chữ dễ hiểu và giải thích kịp thời với người dân.
Bình luận 0

Tại buổi Tọa đàm “Làm rõ quy định mới về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 25.11, ông Mai Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã giải thích rõ hơn về quy định ghi tên thành viên trong gia đình có quyền sử dụng đất lên sổ đỏ hộ gia đình đang gây ồn ào dư luận những ngày qua.

Tại sao phải ghi tên thành viên có quyền sử dụng đất lên sổ đỏ?

Theo ông Mai Văn Phấn, phạm vi điều chỉnh của Thông tư 33/2017 hướng tới các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia định sử dụng đất.

img

Ông Mai Văn Phấn (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Quy định pháp luật hiện hành có 17 trường hợp thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên giấy chứng nhận và “hộ gia đình” chỉ là một trong số 17 trường hợp đó.

Quản lý đất đai trải qua các thời kì khác nhau, phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm đó. Luật đất đai năm 1993 và năm 1998 đã quy định chủ thể trong việc sử dụng quản lý đất đai là hộ gia đình. Vì vậy, qua các thời kì đã ghi tên của chủ gia đình hoặc chủ hộ gia đình trên giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, trong thời kì đổi mới, thị trường đất đai, quyền sử dụng đất được mở rộng nên tên của người chủ sử dụng đất, người chủ gia đình không còn phù hợp, nó không còn thích ứng với điều kiện bây giờ.

“Cũng từ việc phát sinh là ghi tên chủ hộ gia đình, đến thời điểm hiện nay, giá trị đất đai tăng lên, quyền sử dụng đất được mở rộng, chính sách về thu hồi, đền bù đất khi nhà nước có mục đích sử dụng và có chính sách đền bù hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. Vì vậy, trong nội bộ các hộ gia đình sẽ phát sinh ra sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các thành viên”- ông Phấn giải thích.

Bên cạnh đó, khi quyền sử dụng đất được đưa vào thị trường đất sẽ gây khó khăn giữa người sử dụng đất và người nhận quyền sử dụng đất. Khi nhà nước thực hiện các dự án phát triển là thực hiện thu hồi đất thì các thành viên trong hộ gia đình có người có quyền sử dụng đất, có người không có quyền sử dụng đất. Vì vậy khi thực hiện việc đền bù và hỗ trợ thì không xác định được rạch ròi, rõ ràng thành viên nào là đủ quyền được hỗ trợ.

Ông Phấn khẳng định, Thông tư 33/2017 muốn đi vào bản chất, xác định chính xác chủ thể nào là thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất để bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý, giảm thiểu mâu thuẫn trong hộ gia đình, bảo đảm việc minh bạch trong giao dịch quyền sử dụng đất sau này.

“Từ ngày 5/12 tới đây khi Thông tư 33 có hiệu lực thì các sổ đã cấp trước đây có phải đổi không? Việc này đã được quy định tại Điều 98 của Luật đất đai, là các giấy chứng nhận đã cấp trước đây đều vẫn có giá trị pháp lý. Việc cập nhật, chỉnh lý, bổ sung tên cho đúng theo quy định tại khoản 5 điều 6 của Thông tư 33 là khi các giao dịch thực hiện ở các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền phải cập nhật đúng tên chủ thể là thành viên của hộ gia đình mà có chung quyền sử dụng đất”- ông Phấn nhấn mạnh.

"Giá trị pháp lý sổ đỏ trước đây và bây giờ không khác gì nhau"

Tham gia buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nêu quan điểm: “Với tư cách là người trực tiếp thụ hưởng thông tư 33/2017, tôi thấy bản chất pháp lý thì Thông tư 33 và Thông tư 23 trước đây không có gì khác nhau. Thông tư 33 ra đời chỉ chi tiết cụ thể hơn đối với người làm như chúng tôi, dễ thực hiện hơn, còn căn cứ và bản chất pháp lý không có gì khác”.

img

Ông Nghĩa khẳng định, sổ đỏ cũ và sổ đỏ mới hoàn toàn không phải thay đổi, chỉ đến khi đăng ký biến động có nhu cầu thay đổi thì đăng ký thay đổi vào. Giá trị pháp lý sổ đỏ trước đây và bây giờ không khác gì nhau.

“Chúng ta đừng làm phức tạp vấn đề lên. Cứ thực hiện đi, cứ làm đi, mỗi nội dung, mỗi việc làm đều có pháp luật quy định. Ví dụ: Tôi bán đất cho anh, cứ bán, rồi đến cơ quan công chứng, họ sẽ xử lý câu chuyện giữa tôi với các con tôi, hay với vợ, với anh em họ hàng, lúc đó sẽ liên quan đến luật hôn nhân, luật gia đình… chứ mình đừng làm nó rối rắm quá”- ông Nghĩa bày tỏ.

Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty luật BASICO đánh giá, việc dư luận xôn xao những ngày qua có phần có lỗi của cơ quan chức năng.

“Thứ nhất diễn đạt câu chữ cần dễ hiểu. Thứ hai, chúng ta chưa giải thích kịp thời”- ông Đức nêu quan điểm.

“Với cơ quan xây dựng chính sách chúng tôi xin cầu thị tiếp thu, trong xây dựng văn bản pháp luật tiếp theo, chúng tôi cố gắng hòa nhập văn phong pháp luật và văn phong nôm để chính sách đi vào cuộc sống dễ hiểu, dễ làm”- ông Mai Văn Phấn cầu thị.

Thế Kha (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem