Cơ quan liên Bộ xây dựng quy trình "phong sát" nghệ sĩ vi phạm pháp luật: Nghệ sĩ Việt nói gì?
Cơ quan liên Bộ xây dựng quy trình "phong sát" nghệ sĩ vi phạm pháp luật: Nghệ sĩ Việt nói gì?
Thủy Vũ
Thứ sáu, ngày 23/12/2022 14:41 PM (GMT+7)
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là các nghệ sĩ nếu có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn... Nghệ sĩ Việt đã đưa ra quan điểm với Dân Việt về vấn đề này.
Ngày 22/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023. Tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý nghệ sĩ vi phạm pháp luật, sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là "phong sát".
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục rà quét, xử lý các vi phạm trên mạng internet, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để xử lý hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ trên môi trường mạng.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, các vi phạm hành chính của nghệ sĩ trên môi trường mạng chỉ từ 5 - 15 triệu đồng chưa đủ sức răn đe với những người nổi tiếng sẽ có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cắt sóng, cấm biểu diễn… Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết, khi ban hành quy định trên sẽ chính thức công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ca sĩ Minh Thu
Đề cập đến việc xử lý nghệ sĩ vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là "phong sát", ca sĩ Minh Thu chia sẻ với Dân Việt: "Theo tôi, nếu nghệ sĩ đã vi phạm pháp thì không nên làm nghệ thuật nữa. Vì với một người nghệ sĩ, hơn ai hết họ hiểu rõ được hành vi của mình, đặc biệt là những hành vi mang tính chất vi phạm pháp luật.
Người nghệ sĩ là người thường xuyên xuất hiện trên công chúng và những phương tiện truyền thông. Do đó, nếu nghệ sĩ có bất kỳ "vết nhơ" nào thì mỗi lần xuất hiện là một lần hành vi đó được nhắc lại và tô đậm thêm cho những sai lầm của bản thân. Điều này sẽ làm ảnh hưởng chung đến hình ảnh của toàn bộ giới nghệ thuật. Khi đã làm điều sai trái, người nghệ sĩ phải chấp nhận và trả giá cho những sai lầm mà mình gây ra.
Theo tôi, việc cấm sóng những nghệ sĩ vi phạm pháp luật cũng là hợp lý. Tuy nhiên, nếu người nghệ sĩ vẫn muốn cống hiến, lao động nghệ thuật thì họ có thể chuyển qua các phương án khác như sáng tác, truyền dạy nghệ thuật hay làm những việc khác có ích lợi cho xã hội… Tôi cho rằng, đây là một nghị định phù hợp để giúp cho nền nghệ thuật nước nhà trở nên trong sáng, minh bạch và lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội".
NSƯT Mỹ Uyên
Chia sẻ với Dân Việt,NSƯT Mỹ Uyên cho rằng: "Khi tham gia các mạng xã hội nói chung, người nghệ sĩ cần phải cân nhắc và lựa chọn những môi trường lành mạnh, phù hợp và được pháp luật cho phép.
Những quy định mới trong hoạt động quản lý nghệ thuật là điều nên làm. Qua những quy định mới này giúp cho người nghệ sĩ nói riêng và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói chung sẽ đi và khuôn phép và sự quản lý đúng mức. Từ đó, giúp các nghệ sĩ giữ gìn hình tượng và cẩn trọng hơn trong mỗi hành động, việc làm hay khi xuất hiện trước công chúng".
Ca sĩ Nguyễn Lê Bá Thắng
Quán quân Tình Bolero 2022 Nguyễn Lê Bá Thắng chia sẻ với Dân Việt rằng: "Đây là một việc nên làm. Theo tôi nên thanh lọc để văn hóa phát triển và sạch hơn. Bấy lâu nay có vẻ các hoạt động được xem là nghệ thuật quá dễ dãi. Chúng ta hòa nhập chứ đừng hòa tan và vẫn phải có nét văn hóa riêng của Việt Nam, thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Và hơn hết là tất cả mọi người phải chấp hành luật để phát triển chứ không nên cổ xuý cho những việc không đúng về đạo đức.
Diễn viên Đoàn Minh Tài
Chia sẻ với Dân Việt, diễn viên Đoàn Minh Tài cho biết, việc xây dựng quy trình xử lý nghệ sĩ vi phạm pháp luật, sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là "phong sát" là vô cùng ý nghĩa và rất cần thiết. "Nghệ thuật phải nghiêm minh như những ngành nghề khác. Có thưởng, có phạt thì "xã hội nghệ thuật" mới trong sạch và phát triển tốt được.
Nhiều nghệ sĩ "bẩn" đang tô màu và làm hoen ố bức tranh đẹp của nghệ thuật. Cần xử lý triệt để, xử lý mạnh như một số nước đang làm. Có như vậy những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chân chính mới được nhìn nhận đúng giá trị của họ", nam diễn viên cho biết.
Đạo diễn Bùi Như Lai
Trò chuyện với Dân Việt, đạo diễn Bùi Như Lai nhấn mạnh: "Dung thứ cho các hành động sai trái thì họ càng không có ý thức giữ gìn hình ảnh và xây dựng văn hóa trong công việc. Mặc dù việc này có vẻ hơi cực đoan nhưng hình ảnh của văn hóa sẽ phát triển hơn".
Ở cương vị đạo diễn, Bùi Như Lai cho rằng, việc "phong sát" nghệ sĩ vi phạm pháp luật không ảnh hưởng đến việc chọn diễn viên của anh. Theo đạo diễn Bùi Như Lai nhận định: "Một quy luật rất triết học là: Nếu bạn không chăm nom và giữ gìn hình ảnh cũng như cơ hội bạn đang có thì nghĩa là cơ hội đó sẽ dành cho người khác".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.