Thủ tướng Chính phủ đã giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng (đồ họa Việt Anh).
Ngày 25.7, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã được Bộ Chính trị chỉ định làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông. Như vậy hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền Bộ trưởng, còn để có Bộ trưởng chính thức cần phải có cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Theo TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội quy định, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Sau đó, căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch ký Quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng.
Theo Luật tổ chức Chính phủ, Thủ tướng là người có thẩm quyền trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; có thẩm quyền quyết định giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Việc Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ không chỉ được làm việc đầu nhiệm kỳ. Khi có việc luân chuyển, điều động cán bộ, công tác nhân sự liên quan tới thẩm quyền của Quốc hội, cơ quan này sẽ thực hiện khi tiến hành kỳ họp.
Ở giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (kỳ họp thứ 4), Quốc hội cũng từng miễn nhiệm chức Tổng Thanh tra Chính phủ với ông Phan Văn Sáu (ông Sáu được Bộ Chính trị điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) và miễn chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải với ông Trương Quang Nghĩa (ông Nghĩa được Bộ Chính trị điều động giữ chức Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng). Sau đó Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải với ông Nguyễn Văn Thể, chức Tổng Thanh tra Chính phủ với ông Lê Minh Khái. Sau khi Quốc hội phê chuẩn chức danh với ông Nguyễn Văn Thể và Lê Minh Khái, Chủ tịch nước căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội đã ký Quyết định bổ nhiệm ông Lê Minh Khái giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Văn Thể giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
- Liên quan đến sai phạm trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, tại kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan này kết luận ông Trương Minh Tuấn vi phạm rất nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật.
- Ngày 12.7, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021. Đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Trương Minh Tuấn bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật của Đảng theo quy định.
- Ngày 18.7, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn.
- Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Quyết định số 1261/QĐ-CTN ngày 23.7.2018 về việc tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.