Cơ quan quản lý giá gas vẫn đang bị động

Thứ ba, ngày 06/03/2012 06:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xung quanh việc giá gas tăng cao đột biến thời gian gần đây gây lo lắng cho người tiêu dùng, Dân Việt đã trao đổi với PGS-TS Ngô Trí Long - chuyên gia về thị trường, giá cả về những bất cập trong quản lý mặt hàng này.
Bình luận 0

Sau khi giá gas tăng mạnh và đạt gần nửa triệu đồng/bình 12kg, Bộ Tài chính đã phải chấp nhận phương án hạ thuế nhập khẩu xuống 0% để yêu cầu các doanh nghiệp hạ giá gas bán lẻ. Đây có phải chứng tỏ sự “bị động” của cơ quan quản lý giá?

- Sự việc này cho thấy cơ quan chức năng quản lý giá của nhà nước (Bộ Tài chính) còn chậm trong điều hành chưa chủ động sử dụng công cụ thuế để điều tiết giá khi giá thị trường thế giới có biến động mạnh đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà chúng ta còn phải nhập khẩu lớn.

img
Giá gas đang tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Qua đây cho thấy, các bộ phận chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính chưa nhạy bén theo dõi kịp thời diễn biến, dự báo được sự biến động của giá gas thế giới, chưa cập nhật. Có thể họ chỉ theo dõi qua báo chí trong nước nói giá gas thế giới hồi đầu tháng giảm nên cứ để thuế vậy, chưa thực sự chủ động để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính sử dụng công cụ thuế trong việc điều hành giá, để giảm giá gas trong bối cảnh giá gas thế giới tăng cao liên tục và ở mức rất cao.

Việc giảm thuế này liệu sẽ tác động nhiều hay ít tới việc hạ giá bán lẻ gas?

- Ngày 2.3 Bộ Tài chính đã yêu cầu các tổng đại lý, các đại lý, các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống giảm giá tương ứng với việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu gas đã được giảm. Như vậy, việc hạ giá bán gas bán lẻ tối thiểu sẽ là 5%, tương ứng với việc giảm thuế suất. Tuy nhiên, để việc thực thi đúng cần phải có sự kiểm tra, kiểm soát của các Sở Tài chính các tỉnh, thành phố phối hợp với Cục Quản lý thị truờng.

Mới đây, chính lãnh đạo cao nhất của Cục Quản lý giá cũng thừa nhận là quản lý mặt hàng này còn nhiều sơ hở. Ông đánh giá thế nào?

- Trong quản lý giá còn nhiều sơ hở, đúng như sự thừa nhận của lãnh đạo Cục Quản lý giá. Điều này được minh chứng: Sự sơ hở trong quản lý đã để cho các doanh nghiệp trong trong nước tăng giá chưa hợp lý so với giá gas thế giới. Mỗi khi giá gas thế giới tăng, thì giá bán lẻ trong nước đều tăng theo nhưng với mức cao hơn, nên lợi nhuận của nhà phân phối ngày càng cao, cách biệt so với giá gốc ngày càng xa. Cơ quan tài chính chỉ kiểm soát giá gas thông qua đăng ký giá của doanh nghiệp, chứ không kiểm tra cụ thể cơ cấu chi phí và các yếu tố hình thành giá để thấy rõ sự bất hợp lý của nó và buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh.

“Với thực trạng hiện nay, để thực hiện bình ổn giá gas sẽ tập trung tìm biện pháp tiết giảm ở khâu chi phí chiết khấu giữa doanh nghiệp và đại lý cho hợp lý. Cần kiểm soát chất lượng gas”.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp của cơ quan quản lý giá để bình ổn mặt hàng này?

- Theo tôi, Bộ Tài chính xây dựng nguyên tắc xác định cơ cấu giá thành đầy đủ, chính xác theo các yếu tố hình thành giá và luôn đảm bảo tính hợp lý, để hình thành giá bán. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát giá mặt hàng này tại các đại lý và tiến hành xử phạt nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Đồng thời, cần yêu cầu các doanh nghiệp công bố công khai bảng tính giá gas để người tiêu dùng giám sát. Đây là việc là thời gian qua các doanh nghiệp luôn tìm cách giấu kín.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem