42% người dân "chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng" phải vay nóng, chơi hụi: Chuyên gia nói gì?

H.Anh Thứ năm, ngày 28/11/2024 17:02 PM (GMT+7)
Khảo sát của EY Việt Nam cho thấy, 42% người được hỏi trong nhóm đối tượng "chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng" cho biết, từng sử dụng các dịch vụ không chính thống như vay người quen, vay nóng, chơi hụi... trong vòng một năm trở lại đây. Những người này phải đối mặt với chi phí cao và rủi ro tài chính lớn.
Bình luận 0
42% người dân "chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng" phải vay nóng, chơi hụi: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Toàn cảnh sự kiện giới thiệu báo cáo Thúc đẩy Tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của Fintech trong phối hợp với Tổ chức tín dụng.

Khảo sát của Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY), trong nhóm đối tượng "chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng" cho thấy, 42% người được hỏi trả lời đã từng sử dụng các dịch vụ không chính thống như vay người quen, vay nóng, chơi hụi... trong vòng một năm trở lại đây. Những người này phải đối mặt với chi phí cao và rủi ro tài chính lớn. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng truyền thống do không đủ tài sản thế chấp hoặc hồ sơ tín dụng không đầy đủ.

Một thống kê khác từ Tổng Cục thống kê cũng chỉ ra rằng, hơn 62% dân số hiện đang sống ở nông thôn và vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng từ các dịch vụ tài chính – ngân hàng chính thống.

Fintech - Cú hích cho tài chính toàn diện

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị - Công ty Cổ Phần MISA chia sẻ, các ngân hàng truyền thống thường đặt ra nhiều yêu cầu đối với sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm vay vốn. Những khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chỉ sử dụng các sản phẩm tài chính ngân hàng hạn chế thường không đáp ứng được các tiêu chí xét duyệt theo yêu cầu như có lịch sử tín dụng, có dòng tiền được ghi nhận qua ngân hàng, các yêu cầu khác đối với doanh nghiệp như báo cáo tài chính phải có dòng tiền ghi nhận dương hoặc trình các hồ sơ quản lý doanh nghiệp cụ thể (như cơ cấu tổ chức, chiến lược kinh doanh, kế hoạch quản trị,… Do đó, họ thường gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm và dịch vụ của các tổ chức tín dụng truyền thống. Đối với nhóm khách hàng này, việc tiếp cận với Fintech mang lại nhiều lợi ích lớn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví điện tử MoMo nhận định, Fintech đã trở thành một động lực quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt tại Việt Nam. Fintech đã giúp thu hẹp khoảng cách và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng tới người dân, bằng việc mở rộng phạm vi cung cấp các dịch vụ này. Đồng thời, giảm bớt chi phí sử dụng kết hợp cùng các giải pháp sáng tạo, đổi mới hướng tới trải nghiệm khách hàng và gia tăng hiểu biết tài chính.

"Chúng tôi tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tài chính – ngân hàng phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dùng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của tài chính toàn diện, giúp mọi người có thể tiếp cận tài chính một cách dễ dàng và an toàn hơn", ông Diệp nói.

42% người dân "chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng" phải vay nóng, chơi hụi: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.

Tại báo cáo Thúc đẩy Tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của FinTech trong phối hợp với Tổ chức tín dụng vừa được Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY) vừa công bố ngày hôm nay 28/11 cũng đã nêu rõ những lợi ích của Fintech đối với thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Theo đó, Fintech giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ một cách đơn giản và thuận tiện. Các dịch vụ ví điện tử xuất hiện đã giúp cho người dùng, đặc biệt là người dùng ở khu vực nông thôn, thực hiện chuyển tiền, thanh toán hóa đơn một cách dễ dàng bằng hình thức trực tuyến.

Các công ty Fintech đang tận dụng mức độ bao phủ cao của điện thoại di động và internet để đưa các dịch vụ tài chính – ngân hàng đến gần hơn với công chúng; cân bằng giữa tốc độ cung cấp dịch vụ và sự hài lòng của người dùng; ác giải pháp và dịch vụ đổi mới sáng tạo, với mức chi phí hợp lý và dễ tiếp cận hơn cho một lượng lớn người dùng còn bị hạn chế tiếp cận với dịch vụ tài chính – ngân hàng. Đồng thời, "trao quyền" cho người dùng thông qua việc trang bị thêm kiến thức tài chính

Không chỉ đối với người dân, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cũng tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng khi có sự hỗ trợ của Fintech.

Các giải pháp tài chính tích hợp trực tiếp vào các sản phẩm (đối soát giao dịch, ghi nhận hóa đơn…) giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tối ưu nguồn lực con người. Hơn nữa, những phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu từ các nền tảng FinTech cho phép doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh điều chỉnh hoạt động theo nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Fintech đang tận dụng công nghệ để đảm bảo tuân thủ quy định, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát giao dịch nhằm phòng chống rửa tiền, xác minh danh tính số để tinh giản quy trình định danh khách hàng, giúp tăng cường quản trị, tuân thủ và thúc đẩy tăng trưởng trong hệ sinh thái tài chính.

"Fintech với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn, các công cụ quản lý kinh doanh hiệu quả,… đang "bình dân hóa" dịch vụ tài chính – ngân hàng, giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm yếu thế", bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam chia sẻ.

Từ góc nhìn ngân hàng, ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), cho rằng việc thiếu tài sản thế chấp, hồ sơ tín dụng chưa đầy đủ hay quy trình phức tạp là những trở ngại lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và người dân khi muốn tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, Fintech có thể cung cấp nguồn dữ liệu giá trị, giúp ngân hàng xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng tự động, từ đó đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp.

Tại MB, các hoạt động phối hợp với Fintech bao gồm chia sẻ dữ liệu về hành vi mua sắm và thanh toán từ các nền tảng thương mại điện tử, cung cấp thông tin về lịch sử giao dịch để ngân hàng đánh giá chính xác dòng tiền của khách hàng.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam khẳng định, với các giải pháp đổi mới sáng tạo, FinTech đang khắc phục những hạn chế của các tổ chức tín dụng truyền thống gặp phải, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng và đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tài chính toàn diện của Việt Nam tiến lên phía trước. Thế nhưng, để xây dựng một hệ sinh thái tài chính toàn diện bền vững, sự hợp tác giữa các bên liên quan, đặc biệt là giữa ngân hàng và Fintech, là điều kiện tiên quyết.

Theo nhóm nghiên cứu của EY, các cơ quan quản lý cần thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, như xây dựng cơ chế sandbox dựa trên Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Ngoài ra, việc nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ, đặc biệt là mạng internet tốc độ cao và điện toán đám mây bảo mật, sẽ là nền tảng hỗ trợ sự phát triển này.

Các tổ chức tín dụng cũng cần tăng cường phát triển cơ chế ngân hàng mở, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và cá nhân hóa dịch vụ tài chính. Ngân hàng và Fintech cần phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh giáo dục tài chính số, từ đó mang lại lợi ích lớn hơn cho người dùng.

Với sự đầu tư vào công nghệ và khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, Fintech đang góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam. Không chỉ nâng cao cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, Fintech còn hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp nhỏ, giúp họ tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường khả năng cạnh tranh. Qua đó, hệ sinh thái tài chính – ngân hàng không chỉ phát triển bền vững mà còn mở rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem