Có thật Ngưu Ma Vương bị Thái Thượng Lão Quân "cắm sừng"?

Thứ hai, ngày 04/01/2021 06:30 AM (GMT+7)
Gần đây, do ảnh hưởng của một bộ phim truyền hình Trung Quốc, nhiều người cho rằng Thái Thượng Lão Quân mới là cha của Hồng Hài Nhi và từ đó suy ra Ngưu Ma Vương chính là kẻ bị cắm sừng. Vậy thật hư câu chuyện này ra sao, liệu Ngưu Ma Vương có bị “cắm sừng” như lời đồn?
Bình luận 0

Vừa qua, bộ phim Thiên Bồng Nguyên Soái đã dấy lên nghi ngờ rằng Ngưu Ma Vương thực chất đã bị “cắm sừng” vì bà La Sát là tình nhân một thuở của Lý lão quân và sinh ra Hồng Hài Nhi và bắt Ngưu ca. Tin đồn này dựa trên hai cơ sở là: Quạt ba tiêu của bà La sát vốn là của Thái Thượng Lão Quân hay Hồng hài nhi phun ra lửa, hẳn là gen di truyền của họ Lý.

Trước thông tin này, một tác giả nghiên cứu về Tây Du Ký là Như Tô đã lên tiếng hòng “giải oan” cho Thái Thượng Lão Quân cũng như lấy lại danh dự cho Ngưu Ma Vương.

Chi tiết Quạt ba tiêu

Quạt ba tiêu vốn có 2 cái tuy cùng tên nhưng hoàn toàn không liên quan gì đến nhau. Quạt của Lão quân khác hẳn quạt của bà La sát. Công năng của mỗi thứ đều được chép rõ trong Tây Du ký. Quạt của Lão quân thuộc tính dương, chuyên gọi lửa. Quạt của La Sát thuộc tính âm, chuyên gọi âm phong.

Hồi 35 chép công năng của quạt Lão quân: “Hắn sợ quá, tay trái cầm bảo kiếm, tay phải vòng ra đằng sau, rút cây quạt ba tiêu, quay về hướng đông nam, đối diện với ly cung, lấy lửa can bính đinh rồi quạt phành phạch, bỗng nhiên khắp mặt đất, lửa sáng rừng rực. Thứ bảo bối này có thể quạt bốc ra lửa ở trên mặt đất.” Trong bài thơ tả cây quạt cũng nói rõ: “Dụng thử phiến, phiến thử hỏa... Dùng quạt quý, quạt lửa sinh...”

Trong khi ở hồi 59 chép về công năng cây quạt của La Sát: “...bèn rút cây quạt Ba Tiêu ra vung lên, phát ra một luồng gió âm đẩy Hành Giả đi đâu mất tăm mất dạng...” Ở đây lưu ý phong là âm phong chỉ rõ cây quạt là vật chí âm.

Linh Cát bồ tát cũng nói rõ về cây quạt này: “Nãi thái âm chi tinh diệp, cố năng diệt hỏa khí - Đấy là chiếc lá tinh túy của Thái  m, nên mới dập tắt được lửa khi quạt.”

Như vậy rõ ràng 1 cây là vật chí dương, chuyên để thổi lửa, hồi 35 chính Lão quân nói “chiếc quạt ta dùng quạt lửa”, đến hồi 39 cũng nhắc lại: “Mấy vị tiên đồng cầm quạt ba tiêu đang quạt lò nấu thuốc". Còn cây quạt còn lại là vật chí âm, chuyên sinh âm phong và dập lửa.

Về cách sử dụng bảo bối, cây quạt của Lão quân có 2 cách sử dụng: 1 là không cần thần chú, quay đúng hướng rồi ra sức quạt để sinh lửa. Cách thứ 2 là niệm chú dùng để thu bảo bối và hàng phục Độc giác tỷ. Hồi 52 miêu tả: “Lão Quân niệm thần chú, phe phẩy chiếc quạt một lát, yêu quái quẳng chiếc vòng ra, Lão Quân đỡ lấy và quạt tiếp một lát nữa, yêu quái lúc ấy mới thịt nhũn gân mềm, hiện rõ bản tướng là một con trâu xanh.” Ngoài ra cây quạt khi sử dụng thì ở trạng thái nguyên bản, cũng không lớn chi “chiếc quạt ba tiêu thò ra khỏi vai, che kín một nửa gáy”.

Tây Du Ký: Có thật Ngưu Ma Vương bị "cắm sừng"? - Ảnh 1.

Cây quạt của La Sát chỉ thấy 1 cách sử dụng, cũng không cần niệm chú, chỉ ra sức quát để sinh gió. Khi sử dụng cần phóng to cây quạt tới 1 trượng 2.

Cây quạt của La Sát có khả năng thu nhỏ, phóng to. Hồi 60 miêu tả cây quạt được La Sát cất trong họng: “La Sát cười hi hí, nhè ra từ trong mồm một chiếc lá tí xíu đưa cho Đại Thánh...” “La Sát đỡ lấy cây quạt, niệm chú biến cây quạt nhỏ lại bằng một lá hạnh, ngậm vào trong mồm”

Cây quạt của Lão quân chưa từng nghe nói tới khả năng này, thường được giắt trong người. Hồi 35 tả Kim Giác: “Ma anh cầm chiếc quạt ba tiêu ở cổ áo sau gáy,” “thấy yêu quái gục mặt xuống chiếc bàn đá ngáy khò khò, chiếc quạt ba tiêu thò ra khỏi vai, che kín một nửa gáy.” “Ma anh ngồi một mình trong động, gục mặt xuống chiếc bàn đá, để bảo kiếm bên cạnh bàn, dắt quạt ba tiêu ra sau lưng,” “Đại Thánh buộc chặt hồ lô, bình ngọc vào bên sườn, cất sợi dây kim tuyến vào tay áo, cắm quạt ba tiêu vào sau vai”.

Dĩ nhiên Tôn Ngộ Không là người đã cầm trên tay cả 2 cây quạt. Không lý gì chẳng nhận ra nếu chúng là 1 cả, thậm chí vẻ ngoài của cây quạt La Sát còn được miêu tả khá kỹ: “Hành Giả cầm lấy trong tay, xem kỹ một lượt, thấy đúng là có khác cây quạt giả lần trước, mây lành phơi phới, khí đẹp dâng dâng, trên có ba mươi sáu sợi tơ điều kết sợi dọc sợi ngang, trong ngoài dệt kín”.

Với 4 yếu tố trên, có thể khẳng định mười phần rằng 2 cây quạt hoàn toàn khác nhau, hơn nữa cây quạt của Lão quân là bảo bối bậc nhất, có thể khắc chế bảo bối khác và thu phục Thanh Ngưu tinh, không lẽ gì giao cho La Sát cầm bấy lâu được.

Khả năng phun Lửa của Hồng Hài nhi

Nhiều người cho rằng khả năng phun lửa của Hồng Hài Nhi là học được từ Lão quân, tương tự như lò bát quái. Thực ra 2 loại lửa hoàn toàn khác nhau. Lửa trong lò bát quái là lửa văn vũ, hồi 7 chép: “Hay là để thần mang nó về bỏ vào lò bát quái, đốt nó bằng thứ lửa văn vũ mà thần thường dùng để luyện linh đơn, thì người nó nhất định sẽ biến thành tro bụi.”

Tây Du Ký: Có thật Ngưu Ma Vương bị "cắm sừng"? - Ảnh 2.

Hồng Hài nhi có khả năng phun ra lửa tam muội chân hỏa

Trong khi lửa của Hồng Hài Nhi là tam muội chân hỏa. Tam muội chân hỏa này là Hồng Hài Nhi luyện ở Hỏa Diệm Sơn chứ không phải đâu khác, hồi 40 dẫn lời Thổ địa nói: “Nó đã tu hành ba trăm năm ở Hỏa Diệm Sơn, luyện được cả thứ “lửa tam muội”, thần thông quảng đại.”

Như vậy có thể tóm tắt là cách đó 500 năm, Ngộ Không đạp đổ lò bát quái, viên gạch rớt xuống tạo ra Hỏa Diệm Sơn, 200 năm sau đó Hồng hài nhi ra đời và bắt đầu tu luyện.

Lại có người bảo ngoại hình của Hồng Hài Nhi không giống Ngưu Ma Vương, không có sừng trên đầu... Thực tế, đến em trai của lão Ngưu là Như Ý chân tiên núi Giải Dương cũng không hề có sừng. Hồi 53 có bài thơ miêu tả Như Ý chân tiên “Phượng nhãn quang minh mi đích thụ / cương nha tiêm lợi khẩu phiên hồng./ Ngạch hạ nhiêm phiêu như liệt hỏa / tấn biên xích phát đoản bồng tùng / Hình dung ác tự Ôn nguyên soái, tranh nại y quan bất nhất đồng. Mày ngài mắt phượng mi dựng ngược / Răng nhọn như sắt môi lợt hồng / Dưới cằm râu bạc như lửa cháy / Tóc mai đỏ rực lại rối bồng. Hình dung ác tựa Ôn nguyên soái, khác chăng áo mũ ấy là không.”

Tính cách của Lão quân

Ở đây cũng phải xét đến địa vị và tính cách của Lão quân. Thái Thượng Lão Quân là chủ nhân giới trong khi La Sát là yêu nữ, không thể có chuyện qua lại tình ái. Tại sao nói La Sát là yêu nữ, ở hồi 61 Ngộ Không có vạch trần: “Khán nhĩ đắc liễu nhân thân, nhiêu nhĩ khứ bãi - Ta thấy mụ đã nên thân người nên tha cho mụ đi.”

Tây Du Ký: Có thật Ngưu Ma Vương bị "cắm sừng"? - Ảnh 3.

Ngoài ra Lão quân là người rất cao ngạo, trọng danh dự, ta quay ngược lại khi Ngộ Không đại náo thiên cung, Ngọc Hoàng cử thiên binh thiên tướng tới bắt đều bị bại, lại chưa từng nhờ cậy tới Lão quân nên ngài chẳng hề ra tay. Kịp đến khi Quan Âm Bồ Tát tiến cử Nhị Lang thần, Lão quân khá nóng mắt, nên lúc Quan Âm Bồ Tát định ra tay ném tịnh bình giúp Nhị Lang, Lão quân tranh thủ chê ngay: “Bình của Bồ tát bằng sứ, ném trúng người nó thì được, nếu ném không trúng người, mà trúng vào cây gậy sắt của nó thì vỡ mất. Bồ tát khoan ra tay vội, để Lão Quân tôi giúp Tiểu thánh lập công”. 

Chưa hết, còn cười nhạo Phật phương Tây vốn do tay mình độ nên: “Đương niên quá hàm quan, hóa Hồ vi Phật, thậm thị khuy tha - Trước kia, khi đi qua cửa Hàm Cốc, điểm hóa người Hồ thành Phật, thực may nhờ có nó”.

Như vậy, với danh phận của Thái Thượng Lão Quân thì không có lý do gì lại quan hệ với yêu nữ để ảnh hưởng tới địa vị của mình.

Thảo Thảo (Theo Techz)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem