Nguyễn Đăng
Thứ hai, ngày 03/07/2023 18:31 PM (GMT+7)
Cuộc đời Tần Thủy Hoàng, Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc luôn đi kèm với những câu chuyện thần thoại, những tranh luận hàng ngàn năm và thân thế của ông là một trong những câu chuyện đó.
Tần Thủy Hoàng (259 TCN–210 TCN), tự Doanh Chính, sinh tại Hàm Đan (nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Tần Thủy Hoàng làm vua nước Tần khi mới 13 tuổi, năm 39 tuổi thống nhất Trung Hoa, trở thành Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Xuất thân ly kỳ
Mẹ của Tần Thuỷ Hoàng là Triệu Cơ. Theo truyền thuyết, Triệu Cơ từng có thời gian thân mật với thương nhân tên Lã Bất Vi.
Sau này, Triệu Cơ được Lã Bất Vi dâng cho Tử Sở, trở thành Hoàng hậu nước Tần.
Sử sách Trung Quốc ít nhiều có ghi chép về giả thuyết Tần Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi và Triệu Cơ, khiến cho người đời sau vẫn còn tranh luận cho đến tận ngày nay.
Cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên chép, Lã Bất Vi vốn là cự phú ở Bộc Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Ông là một thương nhân giàu có và nổi tiếng. Nắm trong tay tiền bạc nhiều không đếm xuể nhưng Lã Bất Vi luôn thèm muốn quyền lực, địa vị.
Năm 267 TCN, thái tử nước Tần đột ngột qua đời. 2 năm sau, vua Tần cho con thứ là An Quốc Quân làm thái tử. An Quốc Quân có hơn 20 người con, và nhiều vợ, trong đó người vợ được yêu nhất được lập làm chính phu nhân, gọi là Hoa Dương phu nhân.
Tử Sở lại là con của An Quốc Quân và Hạ Cơ. Mẹ Tử Sở không được vua yêu mến nên Tử Sở phải làm con tin ở nước Triệu.
Lã Bất Vi ở Hàm Đan trông thấy Tử Sở khốn khổ, bèn nảy ra ý muốn giúp Tử Sở trở thành người kế nghiệp nước Tần, gián tiếp giúp mình tiến thân.
Lã Bất Vi đưa cho Tử Sở năm trăm cân vàng tiêu dùng và đãi tân khách. Rồi lấy tiền mua của báu vật lạ, đem sang Tần, xin dâng những vật ấy cho Hoa Dương Phu nhân. Nhờ cuộc gặp này, Lã Bất Vi hết lời khen Tử Sở tài giỏi, khôn ngoan, giao hảo với người các nước, bạn hữu khắp thiên hạ.
Hoa Dương phu nhân không có con, Bất Vi khuyên nhận Tử Sở làm con nuôi. Hoa Dương phu nhân nghe theo, vào xin An Quốc Quân lập Tử Sở làm thừa tự, trở thành người nối ngôi khi An Quốc Quân qua đời.
Chẳng bao lâu, vua Tần qua đời, Tử Sở đường hoàng nối ngôi nhà Tần, Lã Bất Vi được phong làm Thừa tướng. Tham vọng chưa dừng lại ở đó, Lã Bất Vi đem người thiếp của mình là Triệu Cơ dâng lên cho Tử Sở.
Triệu Cơ về với Tử Sở chẳng bao lâu thì sinh hạ Doanh Chính, chính là Tần Thủy Hoàng sau này.
Không ngờ Tử Sở tại vị chỉ được 3 năm rồi qua đời, vì thế Tần Thủy Hoàng trở thành vua nước Tần năm 247 TCN.
Theo sử sách chép lại, Lã Bất Vi coi Doanh Chính là con mình, bảo Doanh Chính gọi mình là “Trọng phụ”. Nhờ đó, Lã Bất Vi tự mình nắm giữ chính sự cả nước, trở thành nhân vật “dưới một người, trên vạn người”.
Lý giải thân thế Tần Thủy Hoàng
Liên quan đến bí ẩn thân thế Tần Thủy Hoàng, cuốn sử ký có chép, Tần Vương Chính là do Tần Trang Tương Vương Tử Sở và Triệu Cơ sinh ra. Nhưng lúc Lã Bất Vi mang Triệu Cơ hiến tặng cho Tử Sở, thì đã biết được bà có mang, cũng có nghĩa là rất có khả năng Doanh Chính là đứa con riêng của Lã Bất Vi.
Trong cuốn Hán thư nổi tiếng, sử gia thời Đông Hán Ban Cố đã gọi Doanh Chính là con riêng của Lã Bất Vi. Câu chuyện này lưu truyền qua dân gian và được biết đến sâu rộng cho tới ngày nay.
Theo trang mạng Qulishi, nhận định về giả thuyết ngàn năm này, các học giả Trung Quốc hiện đại tổng kết thành 4 quan điểm chính.
Thứ nhất, đây có thể là quan niệm do những người trung thành với triều đình 6 nước bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt dựng nên. Họ căm hờn vì bị mất nước, lại phát hiện mẹ vua Tần từng là thiếp của Lã Bất Vi, nên bịa ra chuyện này nhằm hạ thấp thanh danh của vị Hoàng đế đầu tiên. Từ đó, những người này có cớ để tập trung lực lượng, tìm cách tạo phản.
Thứ hai, đây là chiến lược mà Lã Bất Vi đã vạch ra ngay từ đầu, mưu tính dùng tình cảm cha con để có được sự ủng hộ của Tần Thuỷ Hoàng, thâu tóm quyền lực về tay mình. Đó cũng là điều mà Lã Bất Vi mong muốn nhất khi đã trở thành thương nhân giàu có.
Thứ ba, trở thành Hoàng đế đầu tiên Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đứng trước sự phản kháng cũng như áp lực rất lớn, đặc biệt là tại lãnh thổ 6 nước trước đây. Vì vậy, Lã Bất Vi lan truyền mình là cha của Tần Thủy Hoàng, để Doanh Chính đường đường chính chính đoạt lấy giang sơn, không mang danh nhà Tần thống nhất thiên hạ. Cái hận mất nước của các sĩ phu 6 nước bị tiêu diệt cũng vì vậy mà tự mất đi.
Thứ tư, đa số các tư liệu lưu trong sử sách nói Tần Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi đều xuất hiện từ đời nhà Hán trở đi. Nhà Hán chính là triều đại thay thế nhà Tần, vì vậy, các sử gia nhà Hán có nhiệm vụ phải phác họa hình ảnh nhà Tần một cách tiêu cực nhất có thể.
Mối quan hệ giữa Lã Bất Vi và Hoàng hậu nước Tần Triệu Cơ là thứ mà các nhà sử học khi đó không thể bỏ qua. Từ đó, nhà Hán có cớ để lý giải vì sao nhà Tần sụp đổ nhanh chóng chỉ sau vài chục năm.
Ngoài ra, các sử gia Trung Quốc hiện đại còn lập luận, một bộ phận lớn triều thần nước Tần vẫn tin vào việc Doanh Chính là con Tử Sở và vẫn hết lòng ủng hộ Doanh Chính lên ngôi.
Bên cạnh đó, chính quyền của Tần Thủy Hoàng vẫn đứng vững trước cuộc binh biến do Phàn Ô Kỳ phát động nhằm dựng Thành Kiệu lên ngôi. Đại tướng Vương Tiễn đi dẹp cuộc binh biến này trả lời Phàn Ô Kỳ: "Thái hậu có mang mười tháng mới sinh, vậy nay tức là con tiên vương đẻ ra..."
Những người theo thuyết Lã Bất Vi là cha Tần Thủy Hoàng cũng không thể lý giải một cách khoa học vì sao Triệu Cơ lại mang thai Doanh Chính tới 12 tháng mới sinh. Họ chỉ có thể lập luận theo cách "thiên mệnh" rằng: "Có thể tại lòng trời muốn sinh ra một vị chân mạng thiên tử nên mới để người mẹ hoài thai lâu như vậy...".
Theo lý giải khoa học hơn, Doanh Chính vẫn chỉ nằm trong bụng mẹ như những đứa trẻ khác, kể từ khi Triệu Cơ về với Tử Sở. Do cộng thêm thời gian Triệu Cơ còn ở với Bất Vi, nên thời gian mới trở thành 12 tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.