Có thể khởi tố những dự án BOT có sai phạm của Bộ GTVT

Thành An Thứ sáu, ngày 08/09/2017 16:54 PM (GMT+7)
TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột; không thể đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác. Do đó cần phải xóa bỏ tình trạng này.
Bình luận 0

Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột, cân điêu

Phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp" tổ chức sáng 8.9 tại Hà Nội, TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột. Bởi người dân không đi trên đường BOT thì không thể thu phí; đường tránh làm ở một chỗ còn đặt trạm thu phí chỗ khác là không được.

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, các dự án BOT giao thông (hợp đồng theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hiện nay đang có nhiều điều không ổn, và nếu không xử lý sớm thì bất ổn sẽ xảy ra.

Đặc biệt có 4 bất ổn trong hợp đồng BOT hiện nay. Trong đó, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, tất cả các cổ đông có liên quan đều phải được ý kiến, không thể chỉ có chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý trực tiếp được có ý kiến.

“Cổ đông lớn nhất là lợi ích quốc gia, giờ ai đại diện không rõ. Nói Bộ GTVT đại diện lợi ích quốc gia thì xin lỗi, không đúng. Cổ đông thứ hai cũng phải có ý kiến – đó là người dân. Ai đại diện cho người dân? Quốc hội đại diện thì Quốc hội phải tham gia thế nào đó? Cổ đông thứ ba là doanh nghiệp vận tải, những người chi tiền phải được có ý kiến - Rõ ràng khách hàng là thượng đế. Thượng đế gì mà bắt trả bao nhiêu phải trả bấy nhiêu. Trong hợp đồng của BOT, rất nhiều cổ đông của BOT không được có ý kiến. Tôi cho rằng từ nay trở đi phải nên thay đổi" - TS Nguyễn Sỹ Dũng cho hay.

img

Quang cảnh buổi Tọa đàm khoa học Các dự án BOT - Chính sách và Giải pháp ngày 8.9. Ảnh: Thành An

Về giải pháp, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng không thể không xử lý, không thể nhắm mắt. "Vấn đề đầu tiên là thu phí BOT như kiểu trấn lột, người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không thể được, phải sửa ngay điều này. Trả một đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu, vì vậy phải dời trạm thu phí, không thể trấn lột người dân được" - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích.

Thứ hai là không thể "cân điêu" cho người dân được. Anh đặt trạm BOT ở nơi người dân sống xung quanh đó, nhưng không đi trên đường anh làm mà anh vẫn đặt trạm thu phí. "Mỗi lần người ta đi qua, chỉ đi có 2 km đường, nhưng anh thu tiền của người ta cả tuyến, tức là anh đang "cân điêu" cho người dân; chưa nói đến chuyện thu phí khiến cuộc sống họ hết sức khó khăn. Do đó phải tính khác và phải miễn phí cho những người sống ở đó, thậm chí phải tài trợ cho người ta vì cuộc sống người ta bị đảo lộn khi đi lại" -  TS Nguyễn Sỹ Dũng phân tích.

Thứ ba "Đường tráng lại trên Quốc lộ 1 rồi thu phí thì cần phải hủy bỏ, bởi người dân đã trả phí bảo trì đường bộ rồi. Không thể nào láng lại đường là lại thu phí lần nữa. Người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi thì không thể có chuyện đó" - ông Dũng bày tỏ.

Thứ tư phải minh bạch việc mở rộng đường đã có sẵn, ví dụ như Pháp Vân – Cầu Giẽ mở rộng ra hai làn thì không thể thu như những đường khác.

img

TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi tọa đàm ngày 8.92017.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng phải xem xét lại tất cả các hợp đồng BOT. "Anh nhân danh người dân, xã hội nhưng xã hội chưa được có ý kiến, các cổ đông liên quan trực tiếp chưa có ý kiến nên phải được xem xét lại. Khoản chi phí nào bất hợp lý phải được huỷ bỏ… Để minh bạch thì nên thu phí bằng tự động, để có được số liệu chính xác việc người dân qua lại đường đó bao nhiêu lần… còn như bây giờ là đè cổ người dân ra để thu rồi trả cho cả một hệ thống bộ máy rất lớn”.

Cuối cùng TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng cần phải đưa những trạm BOT bất hợp lý về đúng vị trí. “Ông không thể làm đường tránh TP.Vĩnh Yên mãi trên QL2 ở Vĩnh Phúc mà lại đặt trạm thu phí ở Bắc Thăng Long – Nội Bài được. Thứ 2 là phải công khai minh bạch các hợp đồng BOT cho tất cả biết và giám sát".

"Có thể khởi tố sai phạm những dự án BOT của Bộ GTVT"

Trao đổi với PV Dân Việt, bên lề buổi Tọa đàm, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng hiện nay có việc các chủ đầu tư dự án BOT giao thông chỉ cải tạo mặt đường quốc lộ nhưng thu phí bằng xây mới. Đây là điều phí lý vì những con đường đó là của người dân.

img

Người dân cho rằng việc đặt trạm BOT ở Quốc lộ 5 là không đúng vị trí, gây ảnh hưởng đến việc đi lại và kinh tế cũng như tài chính của người dân. Ảnh: Thành An

Nguyên  Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, Bộ GTVT coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý về khả năng nộp phí của người tham gia giao thông. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ kết luận liên quan đến các dự án BOT, BT sau khi kiểm tra.

Theo đó, phần lớn dự án đầu tư theo hình thức BOT là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ, từ đó dẫn đến tình trạng gia tăng, dồn tích phương tiện giao thông. Bên cạnh đó là việc phê duyệt chi phí giải phóng mặt bằng không sát, sai lệch lớn so với thực tế.

TS Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh, việc Thanh tra Chính phủ "điểm tên, chỉ mặt" những sai sót của một số dự án BOT của Bộ GTVT là rất cần thiết. Với những dự án sai phạm này, Thanh tra Chính phủ có thể đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

“Để cấu thành tội phạm phải có yếu tố lỗi, nếu đơn vị không có trình độ quản lý gây thất thoát tài sản quốc gia, hay không tuân thủ quy định của nhà nước, có lợi ích nhóm… thì những yếu tố lỗi đó thì sẽ cấu thành tội phạm” – ông Dũng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem