Có thể sử dụng trực thăng tìm người vụ chìm tàu

Thứ ba, ngày 27/12/2011 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuộc tìm kiếm 5 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn D70 vẫn đang tiếp tục tại bãi biển Cửa Đại (Hội An). Chính quyền Quảng Nam hứa quyết tâm kéo dài cuộc tìm kiếm này cho đến khi có kết quả, kể cả sử dụng trực thăng.
Bình luận 0

Quyết tâm tìm kiếm

Thông tin mà phóng viên Dân Việt có được vào sáng 26.12, 5 người mất tích gồm: Trung úy Bùi Phước Tâm (28 tuổi, quê Đồng Nà, Cẩm Hà, TP.Hội An), thiếu úy Nguyễn Đình Duy (24 tuổi, quê Điện Thọ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam), 2 chiến sĩ Lê Văn Chí, Đặng Ngọc Thiện (Bình Sa, Thăng Bình, Quảng Nam), thiếu úy Nguyễn Hồng Chiến (chưa xác định quê quán). Họ đều thuộc D70 (đóng tại Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam), và đang trên đường vào đất liền để tham gia một khóa huấn luyện.

img
Ông Lộc ôm anh Mẫn để cảm ơn vì đã cứu ông thoát chết trong sóng dữ.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn, Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã huy động tối đa lực lượng cho cuộc tìm kiếm trong ngày 26.12, với hơn 150 dân quân, chiến sĩ cùng với 16 chiếc tàu của ngư dân Hội An. 16 chiếc này thành lập đội hình rà tìm từng mét vuông dọc theo bờ biển.

Ngoài ra, tỉnh huy động thêm 4 tàu của ngư dân Núi Thành, 18 thúng chai cùng 4 tàu Bộ đội Biên phòng, 2 tàu Vùng 3 Hải quân, 2 cano của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh để mở rộng vùng tìm kiếm. Sáng 26.12, trực thăng của Sư đoàn Không quân 372 (Quân khu V) cũng được huy động vào tìm kiếm nhưng do thời tiết quá xấu đã không thể bay được.

Ông Huỳnh Tấn Lộc (SN 1964, trú đảo Cù Lao Chàm, Hội An) - một nạn nhân được cứu sống kể: Vào trưa 25.12, tôi xin đi nhờ tàu của bộ đội vào đất liền có công việc. Khi tàu vào gần đến bờ thì bị gãy bánh lái, sau đó chìm ngay. Lúc bị rơi xuống biển, tôi vớ được cái thùng phuy, vật lộn với sóng to, gió lớn gần 1 tiếng đồng hồ thì được người dân đưa dây thừng ra kéo vào. Tôi cảm ơn anh Huỳnh Mẫn (SN 1983, trú Cửa Đại, Hội An) vì đã cứu sống tôi.

Anh Huỳnh Mẫn kể: Lúc đó ở trong bờ tôi thấy rất nhiều người đang bám thùng phuy chới với ngoài biển. Thấy vậy, tôi nhào ra ngay. 3 thanh niên trong bờ vứt dây thừng ra để tôi đưa họ vào, lúc vào gần tới bờ thì họ đã ngất xỉu, vì uống quá nhiều nước biển, kèm theo đuối sức do sóng to nhồi và lạnh. Tôi cứu nhiều người, trong đó có ông Lộc.

Cứu hộ chậm?

Gia đình của 5 nạn nhân đã đứng như chôn chân trên bãi biển từ hôm qua đến nay, nhiều người đã không còn nước mắt để khóc người thân đang ở đâu đó giữa muôn trùng sóng nước Cửa Đại. Địa phương đốt cho họ mấy đống lửa để bà con ngồi cho đỡ lạnh. Trên dọc bãi biển, những nén nhang được cắm dày. Nhiều người nhà ngất đi ngất lại.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã đến động viện gia đình 5 nạn nhân và hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng. Lãnh đạo Quân khu V cũng hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi nạn nhân mất tích. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam lo toàn bộ chi phí mai táng cho các nạn nhân trong vụ chìm tàu này.

Chiều 26.12, đại diện Bộ Quốc phòng đã đến Hội An thưởng đột xuất ngư dân Nguyễn Cường (trú tại khối phố Phước Thịnh, Cửa Đại) 10 triệu đồng. Ông Cường là người đầu tiên lao ra cứu người trong sóng dữ và đã cứu được nhiều người. Bộ cũng thưởng anh Nguyễn Văn Minh - chiến sĩ Đồn Biên phòng 260, tham gia cứu nạn sớm nhất - 5 triệu đồng; thưởng 6 ngư dân khác (3 triệu đồng /người) vì đã dũng cảm, cứu người bị nạn.

Anh Trần Minh Phúc (24 tuổi, trú phường Cửa Đại, Hội An) là người đầu tiên nhìn thấy tàu chìm. Anh kể: Trưa 25.12, tôi và hai người bạn đi câu cá trong bờ, lúc đó khoảng 12 giờ trưa, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh tàu chìm, còn dưới nước có rất nhiều người dân bơi trong dòng nước dữ.

Quá hoảng hốt nhưng tôi cũng kịp dùng điện thoại điện cho Đồn Biên phòng 260 kêu gọi ứng cứu. Sau đó, tôi hô to gọi ngư dân đang hành nghề gần bờ chạy ra cứu người dân. Dù đã nhận được điện thoại của tôi, nhưng gần 1 tiếng sau lực lượng cứu hộ mới chạy tàu qua kiểm tra. “Một phần là do lực lượng cứu hộ ứng cứu chậm nên mới xảy ra sự việc này” - anh Phúc bức xúc.

Khi phóng viên đề cập đến việc công tác ứng cứu “chậm” của lực lượng Bộ đội Biên phòng khi xảy ra tai nạn, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - Phó Tư lệnh Quân khu V - cho biết, việc ứng cứu đó không phải là chậm, mà do nước lớn, sóng mạnh khó tiếp cận được con tàu bị nạn.

Phóng viên hỏi vì sao tàu quân sự mà thiếu dụng cụ cứu sinh, chẳng hạn như áo phao, đèn báo hiệu, pháo bắn khi có xảy ra tai nạn, Thiếu tướng Nhơn trả lời: Trên tàu lúc đó có áo phao, nhưng có nghe nói là “áo phao cất trong thùng để trong cabin”, không có ai mặc áo phao hết, còn việc không có đèn, pháo bắn khi xảy ra tai nạn, thì chúng tôi sẽ xem lại. Qua một lần như vậy, chúng tôi đã rút ra được một bài học kinh nghiệm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem