Có thể xin từ chức nếu tín nhiệm thấp

Thứ tư, ngày 24/10/2012 06:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Qua lấy phiếu tín nhiệm, người bị tín nhiệm thấp có thể xin từ chức, người bị 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra bỏ phiếu để bãi nhiệm…
Bình luận 0

Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm (PTN), bỏ PTN đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn, được Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày tại phiên họp sáng 23.10, thời hạn và thời điểm tổ chức lấy PTN được quy định cụ thể: Quốc hội, HĐND tổ chức lấy PTN định kỳ hằng năm tại kỳ họp đầu năm, kể từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban của HĐND tổ chức lấy PTN định kỳ hằng năm tại phiên họp toàn thể của cơ quan mình, kể từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ.

img
Đại biểu Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến về việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Về quy trình lấy PTN, dự thảo nghị quyết nói trên quy định: Quốc hội thực hiện lấy PTN bằng hình thức bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể. Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá mức “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức hoặc Quốc hội bỏ PTN trong các trường hợp người được lấy PTN có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”, người được lấy PTN 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết. Về thẩm quyền và phạm vi người được lấy PTN, có ý kiến cho rằng việc mở rộng phạm vi đối với tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn bao gồm các thành viên Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban của HĐND… là không cần thiết, quá dàn trải, dễ dẫn đến hình thức.

Về mức độ đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành việc chia ra 4 mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp”, “chưa có ý kiến”. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về việc lượng hóa để xác định các mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp”, vì cho rằng tín nhiệm cao hay thấp phải dựa trên cơ sở của kết quả tỷ lệ PTN...

Đại biểu Dương Trung Quốc: Đại biểu Quốc hội phải thể hiện thái độ

Tôi thấy ở nhiều nước, một trong những việc người ta rất quan tâm là tổ chức dân cử giám sát bộ máy hành pháp, ngoài ra còn có những điều kiện để người dân giám sát được chính đại biểu Quốc hội của mình để có thể tín nhiệm hay không tín nhiệm ở kỳ sau. Người ta bỏ phiếu xong (trừ khi kín), tên của đại biểu và thái độ của họ được công khai trên các màn hình và trong hồ sơ mà người dân hoàn toàn có thể tiếp xúc được. Cái khó của chúng ta hiện nay là làm sao để mỗi đại biểu Quốc hội thể hiện thái độ của mình và cử tri thể hiện cách hành xử như thế nào.

Đa số ý kiến đại biểu cũng tán thành quy định Quốc hội, HĐND tổ chức lấy PTN định kỳ hằng năm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên tổ chức lấy PTN 2 lần trong một nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND vì cho rằng thời gian 1 năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình. Hơn nữa, việc lấy PTN hàng năm dễ tạo tâm lý “dĩ hòa vi quý”, e dè, ngại va chạm, không dám nghĩ, dám làm. Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này thì dự thảo Nghị quyết lấy PTN sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.2.2013.

Trao đổi với báo chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho biết:

Việc lấy PTN sẽ phân ra hai nhóm, nhóm lấy phiếu trước toàn thể Quốc hội là những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn, gồm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Tổng số 49 người. Đối với nhóm hai, Hội đồng Dân tộc thực hiện lấy PTN đối với các Phó chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng Dân tộc. Các Ủy ban của Quốc hội thực hiện lấy PTN đối với các Phó chủ nhiệm, các ủy viên. Tổng số 380 người.

“Như vậy, việc lấy PTN của nhóm một trước toàn thể Quốc hội thì có thể biết ngay kết quả; còn ở nhóm hai thì báo cáo sau” - ông Thảo nói.

Cũng theo ông Thảo, việc bỏ PTN chỉ đối với những người rơi vào 1 trong 5 trường hợp. Trong đó có trường hợp người 2 kỳ liên tục mà tín nhiệm không quá bán (50%) hoặc chỉ 1 kỳ nhưng trên 2/3 PTN thấp...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem