Có vốn trồng rau bài bản, nhà nông đất Mũi thoát nghèo

Chúc ly Thứ năm, ngày 15/12/2016 06:15 AM (GMT+7)
Thời gian qua, nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Cà Mau đã giúp nhiều nhà nông có điều kiện đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, vươn lên làm giàu bền vững.
Bình luận 0

Mô hình tạo việc làm hiệu quả

Nổi tiếng là một nông dân “khác người” ở địa phương với mô hình trồng màu trên vùng nước mặn, anh Võ Hoàng Giang, ngụ ấp 8, xã An Xuyên (TP.Cà Mau) cho biết: Với 20 triệu đồng vay được từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, tôi mạnh dạn đầu tư vào 6.000m2 rau màu của gia đình với bờ liếp hoàn thiện và hệ thống tưới tại chỗ.

Đến nay, mô hình này cho gia đình tôi nguồn thu ổn định, thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. “Vợ chồng tôi trồng màu hơn 6 năm nay. Nhưng trước đây chủ yếu làm nhỏ lẻ, hiệu quả không cao, cuộc sống khó khăn. Tôi quyết tâm chuyển đổi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người, rồi được Ngân hàng CSXH nhiệt tình hỗ trợ vốn, nhờ đó cuộc sống gia đình đã thực sự thay đổi”- anh Giang chia sẻ.

img

Gia đình anh Võ Hoàng Giang thu lãi trên 200 triệu đồng/năm từ mô hình trồng màu. Ảnh: Chúc Ly

Vừa là hộ được hỗ trợ vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm, vừa là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Nguyễn Văn Hậu (ấp 8, xã An Xuyên) cho hay: “Tận dụng  2.000m2 đất xung quanh nhà, tôi thực hiện mô hình trồng màu. Năm 2013, tôi được Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay 20 triệu đồng đầu tư giống, phân bón... Chỗ đất ấy, mỗi năm tôi làm 3 vụ màu, kết hợp nuôi cá, sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 50 triệu đồng. Cuộc sống gia đình từ đó ổn định hơn, kinh tế có bước khá lên…”.

Cũng theo ông Hậu, thời gian trước tình hình hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn còn nhiều khó khăn do một số hộ chưa nhận thức hết vai trò của đồng vốn chính sách. Nhưng cũng nhờ sự kết hợp tuyên truyền của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, trong đó có Hội ND và Tổ tiết kiệm và vay vốn nên ý thức hộ vay được nâng lên. Quan trọng nhất vẫn là phải lựa chọn những mô hình có hiệu quả, những hộ có phương án sản xuất rõ ràng, cụ thể...

Làm tốt khâu xét đối tượng

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt 1.904 tỷ đồng. Riêng chương trình cho vay giải quyết việc làm có dư nợ 119 tỷ đồng với gần 7.800 hộ vay vốn, bình quân 15 triệu đồng/hộ. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Từ Văn Lam – Bí thư Chi bộ ấp 8, xã An Xuyên, phấn khởi nói: “Chương trình cho vay giải quyết việc làm tại địa phương thời gian qua đã thực sự giúp nhiều hộ vươn lên khấm khá, trợ lực cho họ làm giàu. Chính quyền địa phương và các tổ tiết kiệm và vay vốn luôn làm tốt khâu bình xét đúng đối tượng thụ hưởng tín dụng ưu đãi nên phát huy được hiệu quả đồng vốn...”.

Hiện toàn xã An Xuyên có tổng dư nợ gần 14 tỷ đồng các chương trình tín dụng Ngân hàng CSXH với hơn 1.000 hộ vay vốn. Riêng chương trình cho vay giải quyết việc làm có dư nợ trên 721 triệu đồng với 44 hộ vay vốn.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Cà Mau, hiện nay nhu cầu của chương trình cho vay giải quyết việc làm trong tỉnh còn rất lớn, bởi bà con sử dụng có hiệu quả. Hầu hết các hộ vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm đều có phương án sản xuất rõ ràng, nhu cầu sử dụng vốn cụ thể và đầu tư hợp lý. Chương trình cho vay này được thực hiện theo kế hoạch giải quyết việc làm của tỉnh nên mang lại kết quả rất thiết thực. Hiện nay, mỗi năm Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Cà Mau đều được ngân sách tỉnh phân bổ 10 tỷ đồng cho chương trình cho vay giải quyết việc làm, đồng thời đã có 5/9 huyện, thành phố có chi ngân sách cho chương trình tín dụng này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem