Nuôi gà đệm lót sinh học ở Lào Cai, con nào cũng khỏe, luộc rang ăn ngọt như thêm mì chính
Mô hình chăn nuôi gà đệm lót sinh học ở Lào Cai, con nào cũng khỏe, luộc rang ăn ngọt như thêm mì chính
Mùa Xuân
Thứ ba, ngày 03/12/2024 18:46 PM (GMT+7)
Thay đổi phương thức xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, từ những mô hình nhỏ, dễ làm đang được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai chú trọng, bởi vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nông dân, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng hiện có 1.700 hộ chăn nuôi gia cầm, với trên 400.000 con gia cầm các loại, đây cũng là địa phương có số lượng trang trại nuôi gia cầm nhiều nhất của huyện Bảo Thắng cũng như tỉnh Lào Cai.
Được Hội Nông dân tỉnh Lào Cai triển khai Dự án xử lý rác thải trong chăn nuôi, Hội Nông dân xã Xuân Quang đã xây dựng 20 mô hình kỹ thuật về nuôi gà trên nền đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, trùn quế nhằm xử lý chất thải chăn nuôi tại 9 thôn.
Đánh giá về mô hình xử lý rác thải trong chăn nuôi, bà Trần Thị Mai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho rằng: Các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Nuôi gà trên đệm lót sinh học dày giúp cải thiện môi trường chăn nuôi, diệt mầm bệnh gây hại giúp gà lớn nhanh, khỏe mạnh. Nhờ nuôi sâu canxi, nhiều hộ tiết kiệm được chi phí chăn nuôi, lại có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Nuôi gà đệm lót sinh học ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.
Năm 2023, bà Nguyễn Thị Lý, thôn Làng Lân, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng được tham gia lớp tập huấn về một số phương pháp xử lý rác thải chăn nuôi thân thiện với môi trường. Sau đó, bà Lý áp dụng ngay phương pháp nuôi gà trên đệm lót sinh học dày vào chăn nuôi của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Lý cho chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chưa chú trọng xử lý chất thải nuôi gà, thường chỉ làm theo kinh nghiệm như rải trấu, dùng rơm lót chuồng.. nên tốn nhiều công sức dọn dẹp hằng ngày mà chuồng trại vẫn có mùi hôi.
Từ khi được tập huấn kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học, tôi biết sử dụng dung dịch men vi sinh phun lên trấu, rơm giúp phân giải nước tiểu, phân thải, hạn chế sự phát triển của các loại vi sinh vật có hại. Nhờ đó, chuồng trại không còn mùi hôi, môi trường sạch sẽ, gà ít bệnh tật, giảm nhân công dọn dẹp hằng ngày.
Còn gia đình ông Lù Văn Lịch, thôn Làng Lân, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cũng bảo: Sau khi tham gia lớp tập huấn cũng xây
dựng mô hình tuần hoàn khép kín trong trồng trọt, chăn nuôi. Tôi triển khai nuôi gà trên nền đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi để xử lý môi trường và cung cấp thức ăn cho gà. Gia đình tôi tận dụng những phụ phẩm dồi dào tại địa phương như thân cây chuối, rau, củ, quả, chất thải động vật làm thức ăn nuôi sâu canxi.
Theo ông Lịch, nuôi sâu canxi trưởng thành là nguồn thức ăn dinh dưỡng cho gà. Chất thải chăn nuôi là nguồn phân hữu cơ rất tốt bón cho vườn rau, cây ăn quả. Mô hình này không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và đầu tư nhiều kinh phí nên ai cũng có thể áp dụng.
Được biết, nhờ nguồn thức ăn bổ dưỡng và chuồng trại đảm bảo vệ sinh, đàn gà hơn 100 con của gia đình ông Lịch sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, giảm được chi phí mua thức ăn.
Triển khai Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế", Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã tập huấn, hỗ trợ xây dựng 450 mô hình cho nông dân tại 9 xã thuộc 3 huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát. Dự án còn vận động được hơn 300 hộ khác tham gia.
Thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền giúp nhiều người dân nắm được cách phân loại rác thải hữu cơ, kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật làm đệm lót sinh học dày trong chăn nuôi gà; kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ; giúp hội viên nông dân, người chăn nuôi hiểu những ưu điểm, lợi ích của kỹ thuật nuôi sâu canxi, trùn quế.
Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai dự án, các hộ tham gia cơ bản nắm được kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và đã áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình, tạo sự chuyển biến tích cực, giúp vật nuôi nhanh lớn, ít bệnh, môi trường chăn nuôi được cải thiện.
Thời gian tới, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ tại các địa phương đang triển khai, giúp các hộ nâng cao nhận thức, dần thay đổi tập quán cũ, chuyển sang phương pháp chăn nuôi mới thân thiện với môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.