Bò, dê đầy chuồng từ vốn vay ưu đãi

Thu Hà Thứ tư, ngày 20/01/2016 13:40 PM (GMT+7)
“Nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh mà cuộc sống gia đình tôi cải thiện thấy rõ. Trong nhà thóc, ngô lúc nào cũng đầy bồ và nuôi được nhiều bò, dê, lợn, gà. Mới đây, tôi còn xây được nhà khang trang” - anh Đàm Minh Quân, dân tộc Dao, ở thôn 15, xã Lang Quán, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) bộc bạch.
Bình luận 0

Vốn về với nhà nghèo

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây còn thơm mùi vữa, anh Quân nhớ lại: “Nhà nghèo lại thêm đàn con nheo nhóc nên cuộc sống vất vả lắm. Vợ chồng tôi cũng chăm chỉ làm ăn, nhưng kinh tế gia đình chẳng khá lên được. Thấy người ta chăn nuôi lợn nái có lãi, tôi cũng muốn làm nhưng trong tay chẳng có nổi một đồng vốn…”.

img

Anh Đàm Minh Quân chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Thu Hà

Tháng 5.2008, anh Quân được Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn cho vay 7 triệu đồng chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo. Có vốn, anh Quân mua đôi lợn nái về nuôi. Được chăm sóc tốt, chưa đến 1 năm đôi lợn nái đã cho gia đình anh đàn lợn con. Anh Quân giữ lại một số lợn con để nuôi thương phẩm, số còn lại bán giống. Cứ thế, sau 3 năm nuôi lợn nái và lợn thịt, gia đình có tiền hoàn trả ngân hàng và còn dư một khoản tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. Năm 2012, hộ anh Quân đã thoát nghèo.

Với mong muốn vươn lên, gây dựng kinh tế khá giả cho gia đình, năm  2014 anh Quân tiếp tục làm đơn vay vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ cận nghèo và được Ngân hàng CSXH chấp thuận. Lần này, với số vốn vay 30 triệu đồng, gom thêm 2 triệu đồng, anh Quân mua được 1 cặp bò mẹ-con về nuôi.

Đến nay gia đình anh Quân đã nhân đàn bò lên thành 3 con (2 bò mẹ, 1 bê) và chuẩn bị đón thêm 2 chú bê nữa. Từ chăn nuôi lợn, bò, gia đình anh Quân có khoản lãi hơn 60 triệu đồng/năm. Năm 2015, gia đình anh Quân không còn trong danh sách hộ nghèo của xã.

Bình xét đối tượng thụ hưởng

Ở cách nhà anh Quân không xa, gia đình bà Đặng Thị Đậu (thôn 14, xã Lang Quán) cũng được Ngân hàng CSXH cho vay vốn. Bà Đậu chia sẻ: “Tháng 3.2015, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng. Có vốn, tôi mua 1 con trâu hết 22 triệu đồng và 6 con dê hết 14 triệu đồng về nuôi. Nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, thực hiện tiêm phòng đầy đủ nên đàn trâu, dê phát triển tốt. Cứ đà này, gia đình tôi dư sức trả nợ ngân hàng”.

Hiện tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 14 do chị Đặng Thị Lý quản lý có dư nợ hơn 1 tỷ đồng với 54 hộ vay vốn. Điểm sáng của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 14 là nhiều năm liền không có nợ quá hạn. Chị Lý cho hay: “Để quản lý tốt nguồn vốn và phát huy hiệu quả, việc bình xét, lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng rất quan trọng. Để đảm bảo tính công bằng, dân chủ, thôn thực hiện công khai việc bình xét dựa trên sự nhất trí của số đông bà con trong thôn”.

Ông Trương Văn Bình  - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, 98% số vốn Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay là thông qua 4 đoàn thể Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Hoạt động ủy thác này giúp đồng vốn đến đúng đối tượng, Ngân hàng tiết kiệm được chi phí nhân lực, giảm rủi ro cho vay; các đoàn thể và hội viên có sự liên kết khăng khít hơn… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem