Câu chuyện truyền cảm hứng của "runner" nhí 8 tuổi
Nhật Hà
Thứ hai, ngày 20/02/2023 09:23 AM (GMT+7)
Một lần anh Nguyễn Thái Ca (TP.HCM) dẫn theo con gái Nguyễn Thy Ca (5 tuổi) tới SVĐ Thống Nhất để con xem các VĐV chuyên nghiệp tập luyện. Từ đây, cô bé có cơ duyên đến với bộ môn chạy để rèn luyện sức khoẻ.
Dưới đây là cuộc trò chuyện của Dân Việt với anh Nguyễn Thái Ca, bố của runner 8 tuổi vừa hoàn thành đường chạy 21 km tại giải Salonpas HCMC Marathon 2023.
Runner 8 tuổi - Thí sinh nhỏ tuổi nhất chinh phục đường chạy cự ly 21 km
Hoàn thành chặng đường chạy 21 km vào tháng 1 vừa qua, đối với một người trưởng thành đôi khi cũng gặp khó khăn, còn đối với một runner nhí như Thy Ca chắc hẳn không phải là chuyện dễ dàng, con cảm thấy như thế nào sau khi vừa vượt qua đường chạy này?
- Cháu thường có thói quen tự chọn cự ly trước khi chạy. Giải Salonpas HCMC Marathon 2023 diễn ra vào ngày 8/1/2023, cháu cảm thấy "có thể chạy được 21km" nên quyết định chạy.
Nhìn chung, Thy Ca thường rất ít bộc lộ cảm xúc mạnh theo hướng đã "chinh phục được một điều gì đó", cháu chỉ đặt ra mục tiêu chạy, khi về tới đích thì luôn vui cười, và thấy vui.
Với cự ly chạy 21km, con đã phân bổ sức của mình như thế nào để có thể hoàn thành đường chạy này trong hơn 3 giờ đồng hồ?
- HLV Lê Mộng Tuyền, người đạt HCV SEA Games 29 nội dung 4x100m nữ, luôn dặn cháu "không bao giờ chạy quá sức của mình" từ những ngày đầu tiên dạy cháu. Chính vì vậy, cháu thường chạy tương đối chậm khi bước vào các cuộc đua. Với mỗi cự ly, cháu phải chạy rất nhiều lần, rồi mới quyết định tăng tốc độ lên dần. Chẳng hạn, tại cự ly 5-10km, cháu có thể chạy với tốc độ là pace 7 (7phút/km), nhưng thường cháu chỉ chạy ở pace 8 hoặc 9 (8-9 phút/km), rồi tới khi nào cảm thấy ổn mới nâng tốc độ lên. Vì vậy với cự ly 21 km, trong hình dung của cháu là "rất dài" nên cháu sẽ chạy tốc độ rất vừa phải để giữ sức khi về đích.
Thy Ca tập bài tập bật rào với HLV Lê Mộng Tuyền, HCV phá kỷ lục SEA Games 29, và HCB SEA Games 31 nội dung 4x100m. Clip: NVCC
Một chi tiết rất quan trọng là từ km thứ 15 trở đi, sẽ là thách thức về thể chất và cả tinh thần. Nhiều runner khi nhìn thấy người khác vượt lên mình để về đích còn mình thì mệt mỏi, có thể sẽ rất chán nản, mau mệt và tính đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng vì cháu tập luyện trong môi trường với các VĐV chuyên nghiệp, cháu nhỏ tuổi nhất, chỉ 8 tuổi (thường 12 tuổi mới có cơ hội tập luyện ở đội tuyển) nên tất nhiên chạy chậm nhất, người khác vượt qua thường xuyên. Cháu đã quen với việc bị vượt qua và không để ý đến việc đó, chỉ chăm chú hoàn thành phần việc của mình.
Trước khi tham gia đường chạy 21km này, Thy Ca từng trải qua bao nhiêu đường chạy? Anh có thể kể những thành tích của con từ lúc mới đầu tới giờ?
- Năm 2022, tức là sau khi tập luyện đều đặn suốt 2 năm, cháu bắt đầu tham gia các giải chạy. Thậm chí mùa dịch ở trong nhà, cháu vẫn chạy vòng quanh nhà, hiếm khi nghỉ.
Năm 2022, cháu 7 tuổi, đã tham gia 20 giải chạy, riêng tại cự ly 10 km, cháu cũng thường xuyên là runner nhỏ tuổi nhất tại các giải chạy.
Đầu năm 2023, tại giải chạy Salonpas HCMC Marathon 2023, cháu 8 tuổi, đã chinh phục cự ly 21 km m sau 3h40 phút.
Mới cuối tuần rồi, cháu đã hoàn thành cự ly 10 km tại giải chạy đêm VnExpress Marathon Ho Chi Minh City Midnight, chạy lúc 0h30.
Giải chạy đêm vốn dĩ khắc nghiệt ngay cả với người lớn vì chạy về đêm lệch giờ sinh học, nhiệt độ thay đổi. Cháu đã chuẩn bị rất kỹ, khi ngủ trưa từ 14h đến 21h dậy, ăn nhẹ, tỉnh táo ra đường chạy và chỉ mất khoảng 83 phút để hoàn thành, tất nhiên cháu cũng là một trong những runner nhỏ tuổi nhất chạy ở cự ly này.
Giải chạy đầu tiên của Thy Ca là cự ly bao nhiêu km? Ở lần đầu này, con có cảm thấy lo lắng hay hồi hộp? Với những đường chạy đã trải qua, đâu là đường chạy con cảm thấy khó khăn nhất?
- Đường chạy đầu tiên của cháu là Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân 2022 tại TP Hồ Chí Minh. Việc tập luyện rất kỹ lưỡng, thường xuyên quan sát các VĐV chuyên nghiệp đua tốc độ, sức bền trên đường chạy chuyên nghiệp không làm cháu thấy lo lắng. Trong đầu cháu chỉ có suy nghĩ đường chạy này khó hay dễ. Đường chạy khó khăn nhất với con có lẽ là đường chạy 21 km.
Runner 8 tuổi - Tham gia huấn luyện chạy bộ chuyên nghiệp từ năm 5 tuổi
Anh cho con gái tham gia bộ môn chạy bộ từ khi nào? Cơ duyên nào khiến con gái anh tham gia bộ môn này?
- Do đặc thù công việc, trong một lần có việc đến Sân vận động Thống Nhất vào cuối năm 2020, biết được đây là nơi "đóng quân" và tập luyện của Đội tuyển Điền kinh TP HCM, tôi dẫn con gái Thy Ca đến sân với mong muốn được tận mắt chứng kiến những "chân chạy" nổi tiếng của điền kinh Việt Nam như Lê Mộng Tuyền, Lê Tú Chinh, Hà Thị Thu… tập luyện chuyên nghiệp, hăng say và đẹp mắt như thế nào.
Tôi kỳ vọng bé sẽ được truyền cảm hứng mạnh mẽ để ham thích vận động. Cũng may mắn thay khi thấy cháu bé lững thững đứng trên đường piste quan sát thì các chuyên gia, HLV, VĐV của Đội tuyển Điền kinh TP. HCM có khích lệ "vào chạy với cô". Cháu được mọi người chạy cùng và hoàn thành được 1 vòng SVĐ 400m và được đánh giá là có khả năng tập luyện và VĐV Lê Mộng Tuyền, HCV phá kỷ lục SEA Games 29, HCB SEA Games 31 nội dung 4x100m nữ, nhận hướng dẫn cho bé tập thử.
Vì được luyện tập ở môi trường chuyên nghiệp, nên các bài tập của cháu được tính toán rất khoa học, tập rất vừa sức nhưng thể lực được cải thiện đáng kể. Cần nhấn mạnh đây là các bài tập theo xu hướng phát huy khả năng phối hợp vận động của trẻ nhỏ, qua đó nâng cao khả năng tập trung cũng như cải thiện thể lực.
Lúc đầu con được tập luyện như thế nào? Bé có gặp khó khăn gì không?
- Thực ra các thầy cô HLV hay VĐV đều rất yêu quý bé vì cứ cho bài tập là bé miệt mài tập luyện kể cả dưới cái nóng oi bức hoặc có hôm bé bị phỏng ở chân thì vẫn tập. Tuy nhiên, các thầy cô cũng sợ bé sẽ… chán vì chỉ toàn tập với người lớn. Thông thường, quá trình tuyển chọn VĐV cho các lứa tuổi ở đội tuyển sẽ bắt đầu sớm nhất ở lứa tuổi 12. Trẻ em thông thường thích tập với bạn bè vui. Tuy nhiên bé này không có bạn vẫn cứ tập và nói chuyện với người lớn.
Hơn nữa, cháu được các HLV nhận xét là có cá tính, cho nên có những lúc cháu bày tỏ quan điểm có phần mạnh mẽ, tôi có yêu cầu cháu phải nói từ tốn, lễ phép thì các HLV có nói là không cần ngay lập tức, thay vào đó cứ uốn nắn từ từ, cho cháu bộc lộ cá tính và bản sắc, những yếu tố "lễ phép" "ngoan ngoãn" theo thời gian ở trong môi trường tốt sẽ hình thành, cá tính mà mất đi thì sẽ không tốt. Có thể nói, cháu rất may mắn khi được luyện tập trong môi trường chuyên nghiệp, với các chuyên gia, HLV, VĐV điền kinh hàng đầu.
Khi con gặp khó khăn trong quá trình luyện tập, anh đã động viên con như thế nào để con vượt qua?
- Thực ra khó khăn của bé cũng như nhiều người, tất nhiên là ham thích ban đầu, nhưng duy trì sự yêu thích lại khó, nhưng bé này vượt qua khá nhanh nhờ 2 nguyên tắc.
Nguyên tắc thứ 1 là nguyên tắc thỏa thuận. Thực ra dạy con là một quá trình học hỏi kinh nghiệm không chỉ từ sách vở, mà còn từ những người thân, người bạn. Nguyên tắc thỏa thuận này tôi được chia sẻ từ một người chị, theo đó, hôm nay cháu tập luyện với khối lượng bao nhiêu, chẳng hạn bật rào bao nhiêu lần, chạy bao nhiêu vòng sẽ được thông báo trước, cháu đồng ý thì sẽ tập luyện đủ. Theo thời gian, tôi thấy nguyên tắc này rất hay vì mình có đối thoại, có dành sự tôn trọng thực sự cho con cái, không hề bắt ép, cháu cũng được phép đối thoại, thỏa thuận, và khi đã chốt thì phải làm bằng được.
Thy Ca có tính khá hay, chẳng hạn đúng lịch thì ngày thứ 7 cháu chạy bài long run (chạy dài) 25 vòng sân vận động (25 x 400m = 10 km), nhưng đôi khi dậy sớm chạy thì cháu buồn ngủ, cháu đòi xuống 20 vòng hay 18 vòng. Nhưng khi đã giải thích đúng theo lịch trình là phải hoàn thành 25 vòng, cháu chấp nhận, thì dù chạy đến vòng thứ 20, thấy cháu hơi uể oải, tôi yêu cầu dừng lại, cháu cũng không dừng, hoặc thậm chí có mưa đổ xuống, cháu cũng không dừng lại, mà phải hoàn thành đủ.
Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc làm việc tốt: Tôi giải thích thì khá nhiều, nhưng tóm lại là tập thể dục thì mới khỏe mạnh, không phải vào bệnh viện… Con muốn là người khỏe mạnh hay suốt ngày phải đi khám bệnh, uống thuốc? Cháu chọn khỏe mạnh, thì tất nhiên cháu sẽ tập luyện.
Chế độ ăn uống, tập luyện hàng ngày của Thy Ca thế nào?
- Việc ăn uống là cực kỳ quan trọng, hằng ngày ngoài 3 bữa ăn chính với đầy đủ các dưỡng chất cần thiết thì khẩu phần bổ sung của cháu luôn phải có 3 quả chuối, 2 quả trứng gà, 1 hũ sữa chua, 0,5 lít sữa tươi và vài lát phô mai. Cháu được cái ăn uống cũng rất kỷ luật, cũng may mắn cháu có bà nội nấu ăn rất ngon nên ăn uống thực đơn đa dạng, ít bị ngán.
Về luyện tập, trung bình mỗi ngày cháu sẽ chạy từ 12-15 vòng sân vận động (5-6km), và 1 bài chạy dài từ 10-12 km mỗi tuần) vào cuối tuần. Buổi sáng 5h cháu dậy tập thể dục từ 45-60 phút sau đó đến trường học, thực ra cháu tập cũng tương đối nhẹ nhàng, nhưng hiệu quả phát huy cao độ là do tập rất đều. Chẳng hạn, Chủ Nhật là ngày nghỉ thì có thể cháu chạy ít lại chỉ tầm 2km, chứ cũng hiếm khi nghỉ. Tết Nguyên đán cháu cũng không nghỉ ngày nào.
Trong suốt 3 năm luyện tập không ngừng nghỉ, Thy Ca có từng trải qua chấn thương nào đáng chú ý không anh?
- Hiện giờ cháu chưa gặp chấn thương nào, sở dĩ có điều này là do:
Tất cả các chuyên gia, HLV trực tiếp dạy hoặc quan tâm đến cháu như ông Trịnh Đức Thanh, Trưởng Bộ môn Điền kinh TP. HCM, HLV Trịnh Công Khanh, HLV Lê Mộng Tuyền đều xác định cho đến trước năm 12 tuổi cháu "vừa tập vừa chơi" và Không đặt yêu cầu thành tích.
Các bài tập của cháu hiện nay chỉ đơn giản là tăng cường khả năng phối hợp vận động, không can thiệp sâu hơn nữa để thể chất cháu phát triển phù hợp, nên ra đường chạy hôm nào khỏe, cháu chạy nhanh, hôm nào không khỏe lắm hay không vui lắm, cháu chạy từ từ về đích, không bao giờ cố sức.
Anh có thể kể một vài kỷ niệm về con khi tham gia môn chạy?
- Tôi hay nói vui là cháu này đi chạy nhiều, mỗi năm 20 giải, đi khắp các tỉnh thành thì đồng thời cũng có nhiều bạn, và mỗi lần gặp bạn cùng trang lứa cháu lại hay "ngoại giao huy chương". Khi hoàn thành cự ly, cháu sẽ có huy chương finisher, cháu sẽ lấy huy chương tặng lại cho các bạn mới quen, nên cháu có bạn ở rất nhiều tỉnh thành.
Giải Cần Thơ Heritage Marathon, trước ngày chạy cháu ho và sốt 38 độ, thậm chí ra đường chạy, cháu còn bị ói, tuy nhiên, cháu vẫn nói con chạy được, sẽ chạy từ từ, khi nào mệt thì dừng, dù vậy, cháu vẫn hoàn thành được đường chạy 10km của mình.
Anh nhận thấy thể thao đã mang lại những lợi ích gì cho con?
- Nếu chúng ta không có một năng khiếu gì nổi trội, thì vẫn còn có 1 loại năng khiếu có thể tập luyện mà được đó là khả năng tập trung. Việc cháu có thể tập trung, quyết tâm hoàn thành chạy 10km trong 70-80 phút hoặc hơn 3 tiếng để chạy 21 km có tác dụng rất tích cực.
Về phần học văn hóa, cháu hầu như tự học, hiện cháu đang học lớp 2, nhưng cơ bản chương trình cả năm lớp 2 cháu đã tự học trước, và giờ còn tự học cả chương trình lớp 3, nhất là môn toán.
Việc thường xuyên chạy khoảng 10 km tại các giải chạy tự nhiên rèn cho cháu ý chí "phải hoàn thành" nên việc học tất nhiên cháu sẽ có ý thức phải đáp ứng các yêu cầu, bài tập từ nhà trường. Cộng với đó, thể dục thể thao cũng rèn khả năng tập trung cao độ, khi học, làm bài tập, thường cháu cũng không mất quá nhiều thời gian.
Anh nghĩ sao khi ngày càng có nhiều trẻ lười vận động, và thích xem điện thoại. Anh có chia sẻ gì giúp các trẻ khác yêu thể thao hơn?
- Phải nói như thế này, với thể thao, tiếp xúc càng sớm càng tốt, và tạo thành thói quen vận động luôn, nghĩa là không còn thích hay chán nữa, vì cơ bản thích thì rồi sẽ chán, nhưng đưa được trẻ vận động giống như ăn cơm, uống nước thì có thể duy trì rất dài. Để yêu thể thao thì phải được xem nhiều, nhất là xem trực tiếp, xem mọi người chạy, xem bóng đá, bơi, đua xe đạp… nhìn chung từ xem sẽ dẫn tới nhu cầu vận động, và khi trẻ chịu vận động thì sẽ cố gắng duy trì sự liên tục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.