Bỏ lương 8 chữ số, trai 9X về quê Thái Bình trồng sen bát ngát, hễ "móc túi" ra tiền tỷ
Bỏ lương 8 chữ số, trai 9X về quê Thái Bình trồng sen, da đen một tý nhưng hễ "móc túi" là ra tiền tỷ
Nhật Hà
Thứ bảy, ngày 07/05/2022 06:10 AM (GMT+7)
Đang có công việc ổn định, lương cao tại một công ty Hàn Quốc, Vũ Thanh Toàn, quê huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) vẫn bỏ về thuê đất trồng sen trong chậu, thu nhập mỗi năm cả tỷ đồng.
Năm 2017, Vũ Thanh Toàn (32 tuổi, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) bén duyên với cây sen. Khi ấy, Toàn đang làm cho công ty Hàn Quốc ở TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) với mức lương tháng 8 chữ số, nhưng anh vẫn quyết định nghỉ làm vì không còn tìm thấy đam mê.
Nghỉ việc trong lúc thu nhập tốt, lại có tấm bằng cử nhân xây dựng, Toàn bị gia đình phản đối kịch liệt, đặc biệt là bố.
"Bố không nói chuyện với tôi cả năm trời. Trong suy nghĩ của ông, một người thành đạt là người có công việc ổn định, thu nhập cao ở thành phố, chứ không phải về quê vất vả lội ruộng xúc bùn trồng sen", Toàn chia sẻ.
Toàn dành 2 năm để tìm tòi, nghiên cứu về sen qua internet, và học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước. Toàn đem hết số tiền gần trăm triệu đồng dành dụm lúc đi làm để đầu tư vào sen cảnh.
Anh thuê lại mảnh ruộng có diện tích 2.000 m2 ở chân đê thôn Cự Lâm, xã Xuân Hoà, huyện Vũ Thư (Thái Bình) để trồng thử nghiệm hơn 1.000 chậu sen.
Năm đầu tiên, ngày nào Toàn cũng quần quật trồng và nhân giống sen từ 6 giờ sáng đến đêm mặc cho cái nóng hầm hập gay gắt có lúc lên tới 38-40 độ C ngoài trời. "Ai nhìn thấy nước da bánh mật của tôi là đủ hiểu", Toàn dí dỏm.
Sau 2 năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm nhiều giống sen cả trong và ngoài nước, Toàn mạnh dạn nhân rộng diện tích lên 20.000 m2.
Hiện tại, đầm sen của anh có hơn 10.000 chậu, với hơn 50 giống sen ở trong nước và nhập từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia cùng số tiền đầu tư lên tới 5 tỷ đồng.
Đa số giống sen tại vườn là sen mini, quan âm, bách diệp, cung đình, trong đó còn có sen super lotus (sen nghìn cánh) được nhiều người ưa thích bởi giống sen này hoa rất bền, nở từ 5-7 ngày mà không bị rụng cánh.
Theo Toàn, trồng sen vất vả hơn nhiều loại hoa khác, đặc biệt là với sen trồng trong chậu đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ hơn sen trồng ở đầm vì trong chậu nước nghèo chất dinh dưỡng và nhanh cạn nên phải thường xuyên tưới nước, tỉa lá, bón phân.
Vụ sen 2 năm trước khi dịch Covid-19 chưa bùng phát mạnh, Toàn bán được khoảng 4.000 chậu. Giá mỗi chậu sen giao động 150.000 - 800.000 đồng, chậu đắt nhất lên đến 4 triệu đồng.
Ngoài thu nhập từ bán sen trong chậu, Toàn còn thu lãi nhờ bán hoa sen cắm lọ, trà sen, trà súng, rượu sen suốt 4 mùa trong năm.
Bên cạnh đó, Toàn còn đào thêm ao trong khuôn viên vườn để trồng thêm sen, súng, trang trí tiểu cảnh, cầu tre cho khách đến tham quan, chụp ảnh nên đầm sen của anh thu hút đông đảo người trong và ngoại tỉnh tới thăm.
Với những kinh nghiệm tích lũy được, Toàn còn kết hợp với những người yêu sen ở Nha Trang để mở rộng mô hình trồng sen cạn, lan toả tới nhiều người yêu hoa loại hoa "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Hiện nay diện tích trồng sen ở Nha Trang của Toàn và những người bạn lên tới 4000m2.
Sắp tới Toàn còn dự định thuê đất ở TP. Đà Nẵng để trồng sen. Đầm sen ở 2 tỉnh nổi tiếng về du lịch, hứa hẹn sẽ là những đầm sen mang lại nhiều trải nghiệm và mua sắm cho du khách và người dân.
Chàng trai Thái Bình tiết lộ, sau gần 5 năm trồng sen, hiện nay mỗi tháng trừ các khoản chi phí, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng, ngoài ra những người lao động làm việc tài đầm sen cũng có thu nhập ổn định. Đến bây giờ, khi nhìn lại những gì đã trải qua với những vui buồn, Toàn thấy quyết định bỏ phố về quê của mình thật sự không uổng phí.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.