Coi chừng biến chứng sốc sốt xuất huyết nặng

Quốc Ngọc Thứ năm, ngày 09/10/2014 07:17 AM (GMT+7)
Tuy số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tích lũy tại TP.HCM vào thời điểm này thấp hơn so với cùng kỳ 2013, nhưng số bệnh nhân vẫn tăng đều hàng tuần. Đáng lưu ý, thành phố đã có 5 ca tử vong do SXH trong năm nay. Tất cả đều được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng biến chứng sốc SXH nặng.
Bình luận 0

Trẻ thừa cân dễ gặp biến chứng

Tại khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1, chúng tôi ghi nhận gần 80 trẻ đang điều trị SXH (hơn phân nửa từ các tỉnh). Bình thường, tại khoa chỉ có 50-60 em điều trị/ngày, khoảng 3 tuần gần đây tăng lên 75-90 em nhập viện/ngày. Đa số bệnh nhi trong độ tuổi từ 5-10. Bác sĩ điều hành khoa Nguyễn Minh Tuấn cho biết, bệnh SXH thường kéo dài 7 ngày thì hết. Nhưng vào ngày sốt thứ 3 cho đến thứ 6 là nguy hiểm nhất vì rất dễ xảy ra sốc SXH. Tỷ lệ bị sốc nặng chiếm khoảng 5-10% số bệnh nhân nhập viện. Hiện tại khoa đang có 4 ca chuyển nặng.

Mẹ của bé trai L.G.B (3 tuổi, ngụ Tây Ninh) cho biết, bé sốt cao liên tục và ho. Bệnh viện huyện Gò Dầu chẩn đoán sốt siêu vi, chỉ cho uống thuốc hạ sốt và kháng sinh. Nhận thấy 2 ngày ở viện mà bé vẫn nặng, bác sĩ không đo được huyết áp, nên gia đình xin chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. “Phần lớn trường hợp chuyển nặng do phát hiện trễ, bệnh nhân có kèm theo các bệnh mãn tính. Khi chuyển biến chứng nặng, bệnh nhân bị thất thoát huyết tương, làm tụt huyết áp khiến mạch không bắt được, không đo được huyết áp, rối loạn đông máu, suy đa cơ quan… dẫn đến tử vong” - bác sĩ Tuấn giải thích.

Theo bác sĩ Tuấn, nguy cơ xảy ra biến chứng nặng của SXH phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của bệnh nhân. Thứ hai, do độc lực của virus và thứ ba, thống kê cho thấy trẻ thừa cân, trẻ dưới 1 tuổi nguy cơ nặng cao hơn. Ngoài ra, biến chứng còn có thể do tình trạng nhiễm trùng bệnh viện.

Không dùng thức ăn có màu đen, đỏ

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, có 4 type virus SXH là D1, 2, 3 và 4. Do đó, nếu đã mắc bệnh này 4 lần, sẽ không mắc nữa. So với khu vực châu Á, tỷ lệ tử vong tính trên ca sốc của Việt Nam là khá thấp, dưới 1%, tức 5-10 ca/năm.

Điều quan trọng để tránh biến chứng nặng, theo bác sĩ Tiến, cần phát hiện sớm bệnh nhân bị SXH ngay tại nhà. “Khi thấy trẻ sốt cao đột ngột từ 2 ngày trở lên, kèm theo lừ đừ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, ói, đau nhức cơ, da niêm sung huyết ửng đỏ, nên đưa trẻ tới bác sĩ khám ngay để được đánh giá có phải mắc SXH hay không - bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh - khi đã được chẩn đoán đúng SXH, uống ngay thuốc hạ sốt theo toa, uống nhiều nước, chăm sóc kỹ bệnh nhân tại nhà, tránh ăn thức ăn có màu đen, màu đỏ để không nhầm lẫn với việc theo dõi bệnh nhân có đi tiêu ra máu hay không, không cạo gió và tái khám mỗi ngày”.

Đặc biệt, khi thấy bệnh nhân có các dấu hiệu đau họng, bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam, chảy máu răng, tay chân lạnh, ói ra máu, đi cầu ban đêm phải đưa đi cấp cứu ngay. “Nhiều người ráng đợi tới sáng mới đưa con vào bệnh viện thì đã trễ” - bác sĩ Tiến nói. Đồng thời, cũng cần nhớ nguyên tắc, khi bệnh nhân đang sốt cao, co giật không được chuyển viện mà phải xử lý ngay.

   Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận khoảng 3.500 ca mắc SXH. Tuy con số này có thấp hơn so với cùng kỳ 2013, nhưng số ca bệnh vẫn tăng đều hàng tuần từ 25 - 30 ca. Đến thời điểm này, số tử vong cũng cao hơn năm ngoái, hiện thành phố đã có 5 người chết vì SXH. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem