Coi thường người phu xe, tướng quân nước Tống trả giá cực đắt
Coi thường người phu xe, tướng quân nước Tống trả giá cực đắt
Thứ ba, ngày 12/11/2024 10:32 AM (GMT+7)
Vị tướng quân này cư xử bất công làm phật lòng người phu xe, ngày hôm sau khi hai quân giao chiến, người phu xe đã đưa thẳng vị tướng này vào trại địch, khiến ông bị bắt làm tù binh ngay lập tức.
Coi thường người phu xe, đại tướng nước Tống trả giá cực đắt Thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, có một câu chuyện truyền kỳ về vị đại tướng quân Hoa Nguyên và người phu xe Dương Châm, trở thành bài học sâu sắc về công bằng và lòng trung thành. Câu chuyện đã đi vào sử sách và còn để lại thành ngữ "Các tự vi chính" - "Mạnh ai nấy làm", nhắc nhở hậu thế về hậu quả của hành động tự làm theo ý mình, không coi trọng sự đồng lòng trong công việc.
Vào năm 607 TCN, nước Trịnh đem quân tấn công nước Tống. Trước nguy cơ bị xâm lược, Tống Văn Công đích thân giao trọng trách cho đại tướng quân Hoa Nguyên lãnh đạo quân đội chống địch. Để nâng cao sĩ khí, Hoa Nguyên đã cho lệnh nhà bếp giết cừu làm canh để cả quân đội cùng thưởng thức.
Ở thời đó, thịt cừu là thứ quý hiếm, chỉ dành cho những dịp đặc biệt, nên dù mỗi người chỉ nhận được một miếng nhỏ, họ cũng hào hứng và cảm kích. Tuy nhiên, trong lúc tất bật chuẩn bị, họ đã quên mất người phu xe là Dương Châm, không dành cho anh một bát canh thịt cừu.
Khi có người nhắc nhở về chuyện này, thay vì rộng lượng, đại tướng quân Hoa Nguyên lại ngạo mạn nói: "Hết thì thôi, chẳng lẽ ta còn phải chia phần của mình cho hắn?". Lời này chẳng khác nào cú tát vào lòng tự trọng của Dương Châm, người vẫn luôn tận tâm phục vụ và chăm sóc ngựa chiến cho đội quân.
Hơn thế nữa, Hoa Nguyên còn cười nhạo Dương Châm trước mặt mọi người, nói anh không xứng đáng hưởng thụ như các binh sĩ, coi thường vẻ ngoài chất phác và phong thái thô lỗ của anh. Trong lòng, Dương Châm tuy oán hận nhưng im lặng chịu đựng, lòng nuôi quyết tâm sẽ khiến Hoa Nguyên phải trả giá cho sự kiêu ngạo này.
Ngày hôm sau, khi quân Tống đối đầu với quân Trịnh, Hoa Nguyên hào hứng chỉ huy quân đội tiến lên. Nhưng bất ngờ thay, Dương Châm giật mạnh dây cương, quay đầu nói với Hoa Nguyên: "Chuyện canh cừu ngày hôm qua là do ngài làm chủ, còn hôm nay, chuyện cỗ xe này là tôi quyết định".
Đôi mắt người lính phu xe ánh lên sự phẫn nộ và khi đại tướng quân Hoa Nguyên chưa kịp hiểu chuyện gì đang diễn ra, Dương Châm đã điên cuồng thúc ngựa lao thẳng vào giữa hàng ngũ quân Trịnh.
Quân Tống chưa kịp định thần thì Hoa Nguyên đã bị quân Trịnh vây chặt. Vị tướng oai phong của quân Tống giờ đây trở nên nhỏ bé trước sức mạnh của quân địch và đành phải đầu hàng. Tin dữ về việc mất chủ tướng lan nhanh khắp đội hình quân Tống, khiến quân lính hoảng loạn và bỏ chạy, dẫn đến thảm bại nặng nề. Phó tướng của đại tướng quân Hoa Nguyên, Lạc Lữ, cũng hy sinh trên chiến trường.
Cái giá để chuộc lại Hoa Nguyên là hàng trăm cỗ xe chiến và bốn trăm con ngựa quý, khiến nước Tống tổn thất nặng nề. Từ đó, câu chuyện về người phu xe trả thù vì sự bất công của tướng quân Hoa Nguyên đã lan truyền rộng rãi, như một bài học đắt giá về việc tôn trọng người khác và trân trọng những người luôn tận tâm vì mình.
Thành ngữ "Các tự vi chính" ra đời từ sự kiện này, nhắc nhở rằng, mỗi cá nhân trong một tổ chức đều có vai trò riêng, không nên hành động theo ý mình mà không quan tâm đến lợi ích chung.
Đằng sau những bài học lịch sử, câu chuyện còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự khiêm nhường và tôn trọng, để tất cả cùng hướng đến mục tiêu lớn lao hơn.
Bích Hậu (Theo Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.