Đi chợ "khổ tâm"
Bà Nguyễn Thị Út Mỹ (45 tuổi) - nông dân ở xã Phú Tâm (huyện Châu Thành, Sóc Trăng), tâm sự: Gia đình bà có 5 nhân khẩu và đều làm nghề nông, trừ người con trai lớn đang vừa làm ruộng, vừa kiêm… thầy giáo cấp 1 tại xã nhà.
Bà tính toán mỗi ngày phải chi 100.000 đồng tiền chợ, để lo đồ ăn, thức uống cho cả 5 người. Trung bình mỗi người "ăn" 20.000 đồng/ ngày. Tuy nhiên, hơn 2 tuần qua tình hình "chợ búa" của bà đã không còn "êm ấm" như trước.
Bà nói: "Cái gì cũng tăng giá, từ gạo, đường, mắm muối, bột ngọt, đến thịt cá, bánh trái… Hiện mỗi ngày, tôi phải tốn hơn 150.000 đồng mới đủ tiền chợ lo cho bữa ăn cả nhà!".
|
Thực phẩm tăng giá mạnh, khiến nông dân thắt lưng buộc bụng nhiều hơn mỗi khi ra chợ. |
Điều mà bà Út Mỹ trăn trở nhất là thu nhập của gia đình dựa hết vào 10 công ruộng mà ông bà và 2 người con trai lớn quanh năm suốt tháng đội nắng mưa cày cấy. Trong mấy tuần qua, thu hoạch vụ lúa đông xuân muộn khá trúng (hơn 7 tấn/ha), nhưng giá lúa lại cứ rớt "từ từ". Ông bà ngồi bấm ngón tay tính toán mà… méo mặt (!).
Theo khảo sát của chúng tôi, tại 3 huyện sản xuất lúa ở Hậu Giang và Sóc Trăng, không có hộ nào nợ (vay) được các đại lý vật tư nông nghiệp với lãi suất dưới 10%/ tháng (tức trung bình lãi suất vay mua phân - thuốc luôn từ trên 120%/ năm). Một mức lãi suất "khủng khiếp" đối với những người "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời"!
Ông Huỳnh Văn Hoàng -một nông dân ở xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), nói: "Giá thực phẩm tăng quá xá, phụ thuộc vào chợ chắc chết... Tôi mới bàn với sắp nhỏ (mấy đứa con - PV), tuần này bắt đầu trồng thêm rau cải với mấy giàn bầu, bí, dưa leo, rồi tận dụng mặt nước ruộng thả thêm mấy lứa cá chép và cá mè đen.., hy vọng vài tháng tới nhà sẵn có cái để ăn.
Ông Hoàng cho biết thêm: Tôi đang làm lúa Jasmine và bán 5.600 đồng/kg. Nhưng khi ra chợ huyện mua gạo Jasmine, tôi phải trả tới 15.000 đồng/kg.
Vật tư loạn giá
Trong khi các khoản "chi phí đời sống" đang ngày càng tăng vọt như vậy, thì không ít hộ nông dân đang rất lao đao vì "chi phí đầu vào" cho khâu sản xuất.
Mấy ngày nay, ngày nào ra chợ cũng tốn thêm chừng nửa tiếng đồng hồ để lựa đồ ăn rẻ nhất. Chỉ có giá rẻ là ưu tiên số 1, chứ không thể lựa đồ ngon như trước! Lúc trước còn dám mua thêm trái cây tráng miệng cho ổng và sắp nhỏ, giờ cắt luôn.
Bà Nguyễn Thị Út Mỹ
Ông Lê Văn Nam - nông dân ở xã Núi Voi, huyện Tri Tôn (An Giang), kể: Ông có 15 công ruộng (1,5ha) chuyên canh lúa chất lượng cao mỗi năm 3 vụ. Trung bình mỗi vụ (hơn 3 tháng) ông tiêu tốn từ 1,5 - 2 triệu đồng công, bao gồm chi phí từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cán thu hoạch, phơi sấy, vận chuyển… Tuy nhiên, bắt đầu từ vụ đông xuân vừa qua và vụ xuân hè đang xuống giống, chi phí đã tăng lên trên 30%.
Ông cho biết: "Trong 1 tháng qua, phân, thuốc mỗi thứ tăng một chút, tăng nhiều đợt và chỉ tăng mà không có giảm (!). Nhìn bề ngoài thì chúng chỉ tăng có vài nghìn đến hơn chục nghìn đồng mỗi gói. Nhưng tui nhẩm tính sơ sơ mới tháng đầu tiên sau sạ đã tốn hơn 2 triệu đồng/công. Số tiền này bằng tiền chi ra cả vụ năm trước?!".
Nhiều nông dân ở xã Mỹ An (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), còn cho biết: Giá một số loại phân bón tăng từ 15 - 35% trong mấy tuần qua, nên nhiều hộ không thể chi mạnh như trước, mà bóp bụng giảm bón phân, dù biết như vậy sẽ giảm năng suất lúa. Anh Sơn - một cán bộ khuyến nông địa phương, nói: "Nếu lúa không đạt từ 6 tấn/ha, bà con nông dân sẽ huề hoặc lỗ với giá lúa dưới 4.800 đồng/kg như hiện nay!".
Trong khi đó, "nặng nề" nhất vẫn là những hộ vay tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu. Ông Lê Văn Tình - nông dân ở xã Vị Thủy (huyện Vị Thủy, Hậu Giang) nói: Tôi có 5 công đất thôi, nhưng thiếu vốn nên muốn làm xoay vụ phải đi vay. Mùa nào trúng thì còn lời vài triệu đồng, dành dụm cho con cái ăn học. Mùa nào thất bát là nợ lại vài triệu, năm sau làm còng lưng trả lãi mẹ, lãi con…" - ông Tình tâm sự.
Quốc Huy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.