Trên một diễn đàn lớn dành cho
phụ huynh
học sinh, một người mẹ chia sẻ câu chuyện bức xúc về việc con bị "đì", bị "dìm điểm" do không đi học thêm.
Theo lời người mẹ, con chị có học lực thuộc nhóm đứng đầu lớp. Tuy nhiên, cô giáo gạt tên con ra khỏi danh sách thi học sinh giỏi cấp trường. Cô còn "dìm" điểm con chị xuống dưới mức con làm được. Trong khi đó, cô nâng điểm cho các bạn khác lên 8,9.
Khi người mẹ xin tư vấn, một số người khuyên chị nên chuyển trường cho con. Tuy nhiên, người mẹ muốn "chiến đấu", gửi đơn lên thanh tra ngành
giáo dục
để đòi lại công bằng.
Đọc được câu chuyện này, chị H.T.M. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Chiến đấu hay chuyển trường đều chỉ nên là giải pháp sau cùng".
Chị H.T.M. là một giáo viên, đồng thời có con rơi vào trường hợp bị cô giáo phân biệt đối xử do không đi học thêm. Tuy nhiên, chị M. đã không chuyển trường cho con, cũng không "chiến đấu", kiện cáo, mà chọn giải pháp "chung sống hài hòa với những bất đồng".
Chị M. cho biết, con chị có học lực tốt, chăm chỉ và tự giác. Do đó, từ nhỏ tới hết lớp 8, chị M. không cho con đi học thêm, khuyến khích con tự ôn luyện tại nhà. Khi con vào lớp 9, chị M. mới tìm thầy cô dạy con kiến thức nâng cao để thi vào các trường điểm.
Tuy nhiên giáo viên chủ nhiệm lớp 9 của con không hài lòng với việc con không tham gia khóa học tăng cường ở trường cũng như lớp học thêm của cô.
"Ban đầu cô cảnh báo con rằng nếu không học thêm sẽ không đỗ cấp 3. Sau đó cô chuyển sang nói bóng gió, khiêu khích con khiến con cảm thấy xấu hổ và áp lực. Nếu con mắc lỗi nhỏ, cô phê bình con nặng nề trước lớp. Bài kiểm tra của con thường bị trừ điểm ở mức cao nhất cho một lỗi sai nhỏ nhất.
Cũng có thời điểm vì quá thương con, tôi hỏi con có muốn chuyển lớp, chuyển trường hay không, con nói không. Con bảo sẽ cố gắng sửa mọi lỗi để cô không có gì phàn nàn về mình", chị M. tâm sự.
Chị M. cho hay việc đồng hành cùng con, đứng bên cạnh ủng hộ, bảo vệ con rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn nữa là phải xoa dịu cảm giác bức xúc của con chứ không phải cùng con thổi bùng cơn giận dữ, bất mãn với cô giáo. Vì điều đó không có lợi cho chính con.
Mỗi khi tiếp nhận thông tin từ con, chị M. luôn phân tích lại một lần nữa để biết đâu là thông tin khách quan, đâu là thông tin do cảm giác bức xúc của con tạo nên.
Ví dụ bài kiểm tra bị "dìm" điểm, chị M. chỉ ra cho con thấy cô có căn cứ để trừ. Không giáo viên nào dám trừ điểm của học sinh khi học sinh không mắc lỗi.
Do đó thay vì bức xúc khi cô trừ điểm con quá nặng, chị động viên con ghi nhớ lỗi sai này để không phạm vào.
"Ở một góc độ nào đó, chính sự phân biệt đối xử, nghiêm khắc quá mức của cô với con đã giúp con có thêm quyết tâm hoàn thiện bản thân", chị M. cho hay.
Bên cạnh đó, chị M. cũng nhắc nhở con chú ý kỷ luật, nền nếp của lớp, trường, đi học đúng giờ, làm bài tập đầy đủ. Dần dần, những lời phê bình, khiêu khích của cô cũng bớt đi.
"Khi cô giáo không yêu mến con, cô thường nhắm tới các khuyết điểm của con. Vậy giải pháp số 1 là khắc phục khuyết điểm. Giáo viên thấy con sửa lỗi, không thể không động lòng.
Giải pháp thứ 2 là luôn thể hiện thái độ đúng mực, sẵn sàng lắng nghe cô phê bình, nhận lỗi sai ngay lập tức, xung phong hỗ trợ cô từ việc nhỏ nhất như bật máy chiếu đến các hoạt động đoàn thể.
Về phía cha mẹ, cần giải nhiệt cảm xúc của con mỗi khi có chuyện gì xảy ra. Cần phân tích cho con hiểu rằng, trong cuộc sống không có ai được tất cả mọi người yêu quý. Sẽ có những người không thích mình, thậm chí ghét mình vì rất nhiều lý do, thậm chí không có lý do. Chính mình cũng sẽ như thế với người khác.
Do đó, điều quan trọng là giữ một thái độ đúng mực, tôn trọng, không đối địch. Cảm giác đối địch từ phía học sinh và cha mẹ sẽ càng làm gia tăng những ác cảm của giáo viên.
Nếu tất cả những giải pháp trên không thay đổi được mối quan hệ, khi đó hãy tính tới việc chuyển trường hay "chiến đấu"", chị M. đưa ra lời khuyên.
Chị M. cũng nhấn mạnh, mỗi câu chuyện có một nội tình khác nhau, do đó lời khuyên của chị không hẳn đúng trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, chị M. tin rằng, phương châm hành động cho mọi vấn đề trong cuộc sống không bao giờ nên là "chiến đấu" mà là hòa giải thông qua đàm phán, thương thuyết, cùng điều chỉnh.
Trẻ con nhạy cảm và sốc nổi. Cha mẹ cần giữ cái đầu lạnh để giúp con, trang bị cho con kiến thức và kỹ năng để giải quyết bất đồng, sống hài hòa.
Chị M. cũng chia sẻ thêm dưới góc độ nhà giáo: "Mối quan hệ của giáo viên và học sinh tác động trực tiếp tới chất lượng dạy và học. Mối quan hệ đó cần được vun đắp từ phía gia đình và xã hội. Nếu tất cả đều ý thức được trách nhiệm phải gìn giữ quan hệ thầy trò thì mâu thuẫn nào cũng cách hóa giải.
Tôi để ý rằng hễ người phụ nữ nào lên mạng kể xấu chồng thì đại đa số khuyên ly hôn đi. Tương tự, nếu có phụ huynh nào lên mạng nói xấu cô giáo, đại đa số khuyên chuyển trường đi, kiện cô đi.
Các phụ huynh cần tỉnh táo rằng, cư dân mạng là người ngoài cuộc. Họ dễ dàng đưa ra phương án mà không tổn hại gì. Còn hệ lụy đâu thì con cái mình chịu.
Tôi cũng mong dư luận công bằng và nhân văn hơn khi phán xét thầy cô giáo trong mỗi vụ việc trên tinh thần vun đắp cho tình cảm thầy trò thay vì đẩy thầy trò ngày một xa nhau hơn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.