Một con cá sấu từng ăn thịt hàng trăm người ở Burundi, Đông Phi (Ảnh minh họa)
Hầu hết các loài động vật hoang dã lớn đều có thể tấn công và ăn thịt người nếu cảm thấy bị đe dọa. Tuy nhiên, quái thú thực sự là những con vật đặc biệt thích thịt người hơn bất kỳ thức ăn nào khác. Sự xuất hiện của chúng trong lịch sử là rất hiếm, nhưng tất cả đều khiến con người phải khiếp sợ.
|
Tháng 4 năm 2008, một vụ cá sấu giết người ghê rợn đã xảy ra ở làng Ruziba ở Burundi, Đông Phi. Con cá sấu khổng lồ kéo một ngư dân xuống hồ, nhấn chìm và cắn ông nhiều phát đến chết, theo thợ săn cá sấu người Pháp Patrice Faye.
Rất nhiều nhân chứng có mặt ở đó. Sự ồn ào khiến con cá sấu nhả nạn nhân ra và bơi đi mất. Khi kể về cái xác của ngư dân, thợ săn Faye nói: “Ông ấy bị cắn nát bụng và chân”. Nếu không có người dân xua đuổi, có lẽ con cá sấu ăn thịt người đàn ông xấu số, theo National Geographic.
Nhân chứng kể lại con cá sấu có nhiều vết sẹo trên đầu và thân. Đây được cho là đặc điểm nhận dạng của quái vật tên Gustave – con vật có 4 vết sẹo do đạn bắn.
Quái vật Gustave có 4 vết sẹo do đạn bắn (Ảnh minh họa)
Được cho là giết hơn 300 người, cá sấu Gustave huyền thoại là một những quái vật ăn thịt người nổi tiếng nhất lịch sử. Thậm chí, con cá sấu còn trở thành nhân vật chính trong bộ phim có tên Primeval, tạm dịch là Đầm lầy chết người.
Khổng lồ chưa từng thấy
Len lỏi ở vùng sông nước Burundi, Gustave là cá sấu sông Nile đực khổng lồ. Chiều dài của nó không được xác minh, nhưng vào năm 2008, National Geographic cho rằng nó dài khoảng 6m, nặng hơn 900 kg.
Trong khi cá sấu bình thường chỉ có thế sống tới khoảng 45 tuổi, Gustave hiện đã hơn 60 tuổi, theo thợ săn Faye – người dành hàng chục năm qua để bắt con cá sấu.
Trang Listverse thậm chí con nhận định Gustave có thể là con cá sấu sông Nile lớn nhất còn sống, và con vật ăn thịt lớn nhất ở châu Phi.
National Geographic cho rằng cá sấu Gustave dài khoảng 6m, nặng hơn 900kg (Ảnh minh họa)
Sát thủ đầm lầy
Được nhận định là “kẻ giết người hàng loạt điên rồ”, quái vật Gustave chịu trách nhiệm cho hàng trăm cái chết ở châu Phi, theo thợ săn Faye.
Trong khoảng thời gian 3 tháng Faye đi theo con cá sấu, 17 người bị ăn thịt. Điều này khiến Faye ước tính Gustave có lẽ đã ăn hơn 300 người trong 20 năm qua.
Theo trang National Geographic, các vụ giết người bởi Gustave xảy ra ở bờ sông Rusizi và bờ phía đông bắc của hồ Tanganyika.
Sau khi giết người, sát thủ đầm lầy thường ăn thịt con mồi. Theo Cracked, rất hiếm khi người dân Burundi phát hiện xác chết do Gustave tấn công mà chưa bị ăn thịt.
Các nhân chứng nói thêm rằng Gustave ít khi ăn hết toàn bộ người. Thay vào đó, quái vật thường cắn một hoặc vài miếng, nhìn nạn nhân chết dần như thể thích thú tiếng la hét của họ.
Hình ảnh cá sấu ăn thịt người trong phim
Có nhiều suy đoán về động cơ giết người của Gustave. Nhiều người cho rằng con cá sấu quá già và quá lớn nên không thể săn được con mồi nhanh nhẹn như ngựa vằn hay linh dương. Do đó, nó buộc phải chuyển sang săn người – con mồi dễ hạ hơn, theo Blumhouse.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại nghĩ Gustave giết người không phải để ăn, bởi sự thật là nó không ăn hết thịt nạn nhân như một con vật đói. Họ cho rằng Gustave giết người như thói quen hoặc thú tiêu khiển chứ không phải vì thiếu thức ăn trong vùng sông nước của Burundi.
Bậc thầy lẩn trốn
Trên thân Gustave có nhiều vết sẹo, được cho là do dao, giáo và súng gây ra. Trong hàng chục năm qua, Gustave trở thành mục tiêu của nhiều thợ săn hoang dã. Vết sẹo do đạn trên đầu là vết tích duy nhất từng khiến nó suýt chết, theo Listverse. Tất cả thợ săn (thậm chí cả nhóm binh lính có vũ trang) đều chưa thể giết quái vật.
Chính thợ săn Faye từng nỗ lực bắt giữ Gustave.
Trong bộ phim tài liệu “Capturing the Killer Croc” (tạm dịch Bắt giữ cá sấu sát thủ), Faye và các nhà khoa học cố bắt Gustave bằng cách đặt bẫy lớn dưới nước sau 2 năm nghiên cứu.
Họ được chính phủ cho thời gian 2 tháng để bắt cá sấu, nếu không thành công sẽ phải dừng.
Gustuve trở thành một con vật thông minh và dày kinh nghiệm, do đó, rất khó bị lừa (Ảnh minh họa)
Ban đầu, một cái bẫy nặng 1 tấn, dài gần 9m được thả xuống nước với camera bên trong. Nhiều con mồi được sử dụng để nhử Gustave nhưng nó không xuất hiện. Sau đó, các nhà khoa học đặt thêm bẫy xung quanh bờ hồ để tăng khả năng bắt giữ, nhưng họ chỉ bắt được cá sấu nhỏ, không phải Gustave.
Trong tuần cuối cùng, các nhà khoa học đặt con dê còn sống trong lồng. Không có gì xảy ra cho đến một đêm, khi camera bỗng hỏng do cơn bão. Sáng hôm sau, cái bẫy bị chìm sâu xuống nước và con dê biến mất.
Nhiều giả thuyết được đưa ra. Có thể con dê tự thoát, hoặc chính Gustave đã xuất hiện nhưng đủ khôn khéo bắt mồi mà không mắc bẫy.
Sau nỗ lực bắt cá sấu không thành, Faye nói: “Chắc hẳn nó có khả năng sinh tồn rất mạnh mẽ, bởi nó sống sót trong khi những con cá sấu khác bị bắt”.
Nhiều thợ săn truy lùng Gustave nhưng chưa ai thành công
Trang Listverse nhận định do đã 60 tuổi, Gustuve có lẽ trở thành một con vật thông minh và dày kinh nghiệm, do đó, rất khó bị lừa.
Nhiều người dân có súng từng cố giết Gustave. “Nhiều ngư dân nói rằng họ bắn trúng con cá sấu. Nhưng hình như nó có da chống đạn”, Faye nói. Sẽ cần nhiều hơn 1 viên đạn để giết con cá sấu ăn thịt người khổng lồ, thợ săn nói thêm.
Sống hay chết?
Quái vật Gustave hiện vẫn đang là nỗi sợ hãi của người dân châu Phi. Không ai biết nó lẩn trốn ở đâu và cũng không có bằng chứng nào cho thấy nó đã chết.
Từng có tin đồn cho rằng cá sấu đã bị quân nổi dậy của nước láng giếng Congo bắn chết và ăn thịt. Cũng có người đoán Gustave chết vì tuổi già. Tuy nhiên, Faye vẫn khẳng định: “Gustave còn sống”.
Giờ Faye không còn mong muốn giết chết quái vật. Thay vào đó, ông muốn bắt con vật và nhốt nó vào nơi an toàn.
Bằng cách này, ông vừa muốn bảo vệ người dân, vừa muốn bảo tồn cá sấu sông Nile. Khu vực nuôi nhốt đặc biệt cho Gustave được xây dựng trong Vườn Quốc gia Ruzizi của Burundi, chỉ chờ con quái vật ăn thịt người được bắt giữ.
Vụ đàn sư tử Njombe tàn sát tới 1.500 người trong giai đoạn 1932-1947 được coi là vụ sư tử tấn công người đẫm máu...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.