Còn chia cắt đào tạo nghề

Hải Phong Thứ năm, ngày 06/11/2014 08:37 AM (GMT+7)
Ngày 5.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Khá nhiều ý kiến ĐBQH không đồng tình với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi muốn giao cho Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dạy nghề.
Bình luận 0

Thống nhất đầu mối quản lý

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đọc báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề (hay còn gọi là Luật Giáo dục nghề nghiệp). Theo Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị thống nhất cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đề nghị giao cho Bộ LĐTBXH thực hiện nhiệm vụ này. Nếu để Bộ GDĐT quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ làm tăng gánh nặng công việc và do đó có thể ảnh hưởng nhất định tới việc phát triển đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, dịch vụ.

img Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) cho rằng, việc giao Bộ LĐTBXH quản lý giáo dục dạy nghề là hợp lý.

 

Nhiều ý kiến ĐB thảo luận tập trung vào việc phân công thực hiện quản lý nhà nước về dạy nghề. Trong khi ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) và một số ít ý kiến khác cho rằng việc giao cho Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là hợp lý bởi lẽ: Từ năm 1998 đến nay, dạy nghề được khôi phục và có những bước phát triển vững chắc. Quy mô tuyển sinh đào tạo nghề tăng nhanh, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30% vào năm 2010 và tăng 4% so với mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục nghề 2001-2010. “Trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của chúng ta hiện có hai trình độ: Trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, hai trình độ cao đẳng và cao đẳng nghề do hai cơ quan quản lý khác nhau đó là Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH. Chính việc phân công như vậy khiến cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bị phân tán thành hai hệ thống riêng biệt, dẫn đến nhiều bất cập. Vì vậy, cần thiết phải thống nhất cơ quan quản lý đầu mối để thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục, nghề nghiệp để khắc phục những hạn chế vướng mắc trong lĩnh vực và thực tiễn”- ĐB Cù Thị Hậu khẳng định.

Vẫn muốn Bộ GDĐT quản lý

Quan điểm

Bà Phạm Thị HảiĐBQH tỉnh Đồng Nai
 Giao cho Bộ GDĐT quản lý về giáo dục dạy nghề sẽ hợp lý hơn. Không nên chia cắt việc đào tạo nghề ra cho Bộ LĐTBXH quản lý”.
  ĐB  (Đồng Nai) 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐB tỏ ra băn khoăn. ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đề nghị vẫn nên giao cho Bộ GDĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý giáo dục về nghề nghiệp. “Phân công như vậy là đúng với Điều 100 của Luật Giáo dục hiện hành đã quy định. Bộ trưởng Bộ GDĐT phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, đương nhiên là bao gồm cả của giáo dục nghề nghiệp”- ĐB này phân tích và nói thêm: Không có cơ sở và cũng không thể nói là bộ nào nhiều việc hơn bộ nào. Nhiều việc hay ít việc là phụ thuộc vào quy mô bộ máy quản lý và hệ thống vị trí việc làm được xác định so với chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ những phân tích trên, tôi đề nghị Bộ LĐTBXH chỉ thực hiện trách nhiệm là cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ, tương tự như cách các bộ, ngành khác đã và đang thực hiện.

 

Cùng chung quan điểm, ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng, giao cho Bộ GDĐT sẽ hợp lý hơn. “Không nên chia cắt việc đào tạo nghề ra cho Bộ LĐTBXH quản lý. Việc xây dựng chương trình đào tạo nghề cũng sẽ có tính hệ thống hơn, dễ phân biệt giữa trình độ cao đẳng nghề và các trình độ cao đẳng khác. Việc phân bổ ngân sách cho giáo dục và đào tạo cũng sẽ tập trung vào một đầu mối quản lý sử dụng”- ĐB này khẳng định.

ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cũng tỏ rõ sự băn khoăn trong việc sáp nhập cao đẳng với cao đẳng nghề và giao cho Bộ LĐTBXH quản lý trong đó có cao đẳng sư phạm. Theo ĐB Nhiệm, cao đẳng sư phạm tính chất giáo dục hết sức cao, để đào tạo ra một bộ máy cái, đào tạo ra người thầy mà lại là Bộ LĐTBXH quản lý là không hợp lý. “Mặt khác, hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo một hệ thống và quản lý rất thuận tiện. Vậy, cắt bỏ giáo dục nghề nghiệp để một bộ khác quản lý liệu có tốt không?”- ĐB đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Xuân Trường (TP.Hải Phòng) đánh giá:“Hiệu quả công tác đào tạo nghề mà Bộ LĐTBXH thực hiện trong những năm vừa qua đạt được chưa tương xứng với thời gian 17 năm, chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước cũng như kỳ vọng của nhân dân, đặc biệt là người lao động”.

Theo thống kê của Tổng cục dạy nghề tại 51 tỉnh có người dân tộc thiểu số, nhu cầu học nghề của nhóm đối tượng này từ năm 2014 đến năm 2020 là 176.040 người. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nội trú đối với nhóm đối tượng này chỉ khoảng 345,7 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2014-2020. Đây là số tiền không lớn để thực hiện một chính sách quan trọng đối với đối tượng cần được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem