Hàng ngàn người tan trong cát Hàng Dương chứ đâu riêng gì ba mình. Đành vậy nhưng vẫn mong manh hy vọng, cứ tìm hết sức coi sao.
Cả gia tộc thuê hẳn một chiếc trực thăng du lịch để đi. Có phập phồng nhưng luôn nghĩ, lẽ nào, mình cất công ra với bao nhiêu linh hồn đồng chí đồng đội của cha, thế nào cũng được phù hộ để cả nhà an toàn mà, sợ chi! Côn Đảo xa đất liền hơn Phú Quốc nhưng quá gần so với Hoàng Sa, Trường Sa.
Côn Đảo từng là địa ngục trần gian nhưng Côn Đảo vẫn trong vòng tay của đất mẹ, muốn đến thì mùa gió yên sau tết, đi tàu từ Cần Thơ dễ như đi Đất Mũi hay Hòn Khoai, Hòn Tre. Nhưng Côn Đảo đi bằng kiểu gì cũng là hòn đảo đặc biệt trong tình cảm, trong tâm linh người Việt.
|
Bãi Đầm Trâu, Côn Đảo. |
Nhìn từ trên trực thăng, Côn Đảo hiểm trở nhờ nhiều đảo nhỏ bao bọc. Đảo nhỏ đủ xa để tù nhân khó vượt thoát sang đó mà có sang được thì cũng sẽ bị bắt lại hay thành người rừng. Biết Côn Đảo có thể đi bằng trực thăng nên nghĩ nó cách trở cũng cỡ các giàn khoan mà thôi. Luôn chạnh nghĩ cho Trường Sa, diệu vợi đi bằng tàu thì sẽ thấy mật xanh mật vàng của mình trước khi thấy đảo, còn đi bằng máy bay lên thẳng thì phải cất cánh từ hạm đội mới xong.
Nghĩ và nghĩ, dù sao cũng may mắn so với những nước không có tấc biển nào, như bạn Lào chẳng hạn. Có biển thì sẽ có đảo, quà tặng của thiên nhiên và Côn Đảo đã từng là gì thì bây giờ nó vẫn là nơi để con người tấp nập đi về bởi sự chết đã qua và sự sống hiện tại trong lòng nó. Lần ấy gia tộc tôi tìm thấy mộ ba tôi ở khu C, nhờ Nhà bảo tàng đã vi tính hóa sơ đồ mộ chí.
Lần thứ hai chúng tôi ra Côn Đảo bằng máy bay Airbus loại nhỏ. Lần trước thì đi trong tâm trạng mồ côi cha, lần này thì mồ côi mẹ. Nếu má tôi có lúc nào may mắn thì chính là lần đi Côn Đảo trước, bà được “hạnh ngộ” với ba tôi dù hai người hai cõi. Không giống bất cứ nghĩa trang nào trên đất nước cơ man là nghĩa trang, Hàng Dương làm cho Côn Đảo thành bảo tàng chứng tích ngăn nắp và ngậm ngùi không sao tả xiết.
Tôi xem đó là một trong những nơi phải đi về, như bản quán, như cội nguồn, như đất thiêng. Sân bay Cỏ Ống của chuyến đi thứ hai này đã xứng đáng hơn với vị thế Côn Đảo trong du lịch hồi niệm và du lịch sinh thái. Lần này, ngoài việc đi thăm lại Hàng Dương và những nhà ngục đã được cánh bảo tàng làm cho chúng sinh động lên, chúng tôi còn khám phá Côn Đảo với chiều sâu nguyên sinh được cất giữ.
Cứ thầm mong, đừng mở mang bừa bãi, đảo nào cũng quý lên ở thế kỷ 21 này, khi con người như sực nhớ ra, đại dương chiếm tới 3 phần 4 địa cầu, không tranh thủ nhảy ùm xuống biển để giữ chặt lấy cái của quốc gia, coi chừng bị kẻ lạ từ xa tới ngoạm mất.
Lần thứ ba tôi và gia tộc đi từ Cần Thơ, sân bay mới, mọi thứ mới và khuynh hướng nhà ga quốc tế rõ rệt. Cho những cô dâu Đài Loan đi và về. Cho những người công cán và làm ăn ở Phnom-Penh. Và cho những chặng bay đảo gần, trong đó có Côn Đảo. Về với cha và hàng vạn đồng chí đồng đội của ông ngoài đó, chúng tôi lại nghe thấy má chúng tôi đang cùng ra theo. Mỗi năm Côn Đảo mỗi long lanh hơn, được du khách ngoại quốc biết đến nhiều hơn. Có thế chứ, biển và đảo là tài sản của quốc gia mà Côn Đảo thì là tài sản của tài sản.
Lần này tôi và chồng tôi- nhà văn Nguyễn Quang Thân quyết định cho các chị em của nhà mình một “phen” Hàng Dương đêm ám ảnh. Một đèn pin, một máy ảnh và cùng một tâm trạng chào chị Sáu và chào ba mình trong đêm.
Nhà văn Dạ Ngân tên khai sinh là Lê Hồng Nga, sinh năm 1952 tại Long Mỹ, Hậu Giang. Nhà văn Dạ Ngân từng xuất bản các tiểu thuyết và truyện ngắn: “Gia đình bé mọn”, “Miệt vườn xa lắm”, “Phố của làng”, “Gánh đàn bà”... Bà từng là Trưởng Ban Văn xuôi của Báo Văn Nghệ, nhiều năm là cộng tác viên thân thiết của Báo Nông Thôn Ngày Nay.
Có giàu tưởng tượng mấy cũng không hình dung nổi ban đêm quanh khu chị Võ Thị Sáu lại rộn rịp đến vậy. Người ta đi viếng, đi cầu xin, đi vấn an chị như thể đi mít-tinh. Đèn đuốc bừng bừng, khói hương dậy đất, như thể có một trái tim của Hàng Dương ở đó và nó đang sống động, đời thường.
Đi xin đi cúng đã là thói quen nhiều năm nay của người dân trong tình cảm quay về với phong tục tập quán nhưng đánh đường ra với Côn Đảo để xin thì quả là một câu chuyện có tính xã hội hóa cao. Chúng tôi ào vào rồi chúng tôi tách ra để ngắm hàng vạn ngôi mộ vây quanh “trái tim” chị Sáu.
Nhà bảo tàng đã lắp trên những ngôi mộ một bóng đèn led, ban ngày đèn lấy ánh sáng trời và ban đêm, những ngôi mộ tự tỏa sáng. Chao ơi, như thể có một đội quân không ngủ, hàng lối ngay thẳng và im lặng như thể đang cử hành một nghi lễ, đêm đêm.
Côn Đảo mang trong mình nó giá trị lịch sử lạ kỳ và sứ mệnh lưu giữ không đâu có được. Và trên cả, đó cũng sẽ là trường thành, là vọng gác của đất Mẹ khi biển nhà bị gây hấn, bị đe dọa, chắc chắn là như vậy.
Dạ Ngân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.