Ngày 26.4.2016, Đài phát thanh Trung Quốc cho biết, cảnh sát nước này đã phát hiện và thu giữ 35 tấn muối công nghiệp bẩn được đóng gói thành muối ăn và phân phối vào thị trường thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Theo truyền thông Trung Quốc, vụ thu giữ trên chỉ là phần đỉnh của "tảng băng chìm" về muối công nghiệp bẩn bị tuồn vào thị trường ở nước này, trải dài từ Bắc Kinh cho tới các tỉnh biên giới như Vân Nam, Chiết Giang hay cả khu tự trị Nội Mông.
Muối công nghiệp bẩn đang đầu độc người tiêu dùng Trung Quốc.
Muối công nghiệp là muối dùng để sản xuất những sản phẩm công nghiệp. Về mặt kỹ thuật, muối công nghiệp cũng là muối biển nhưng cần độ tinh khiết rất cao để khi đưa vào sản xuất công nghiệp, không bị lẫn tạp chất ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Muối công nghiệp bị lẫn tạp chất khi sử dụng trong các bữa ăn sẽ khiến con người nhiễm các kim loại độc hại như chì, asen, thủy ngân...
Sự tích tụ dần dần của các chất này trong cơ thể sẽ làm tổn thương thần kinh và gây ra các bệnh ung thư.
Trước vụ bắt giữ muối công nghiệp bẩn ở Thạch Gia Trang, cảnh sát Trung Quốc cũng đã bắt giữ nhiều vụ tương tự.
Cuối tháng 7.2015, cảnh sát ở thành phố Thái Châu, tỉnh Giang Tô đã bắt giữ 20.000 tấn muối bẩn công nghiệp. Điều đáng nói là gian thương đã tiêu thụ loại muối này trong suốt 7 năm qua tại 7 tỉnh và nhiều thành phố lớn trong đó có cả Bắc Kinh và Thiên Tân.
Theo Phó giám đốc điều hành muối ở Thành Châu Zhou Lugang, 20.000 tấn muối bẩn đủ cung cấp cho 5 triệu dân trong thành phố này dùng trong 1 năm.
“Với giá thành rẻ hơn hẳn các loại muối ăn thông thường, loại muối bẩn này có thể len lỏi vào khắp mọi nơi từ các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, căn tin trường học hay cả nhà hàng”, ông Zhou nhận xét.
Hiện với quy định chất lượng và quản lý thị trường lỏng lẻo, con đường đưa “muối bẩn” đến bàn ăn của người Trung Quốc đang ngày một dễ dàng hơn.
Với vụ bắt giữ muối công nghiệp bẩn ở Thạch Gia Trang, cảnh sát đã phát hiện ra được quy trình phân phối muối bẩn của gian thương. Những kẻ này sau khi thu mua muối công nghiệp tạp chất, sẽ chia thành các túi nhỏ, trộn cùng với các loại muối ăn đã có thương hiệu rồi bán cho các chợ địa phương hoặc cửa hàng tạp hóa.
Một máy đóng gói muối công nghiệp bẩn bị cảnh sát Quảng Châu thu giữ tháng 5.2015.
Việc muối công nghiệp bẩn xuất hiện nhan nhản ở Trung Quốc là do những quy định lỏng lẻo trong quản lý thị trường thị trường ở nước này. Bất kỳ cá nhân nào chỉ cần có các tài liệu, chứng từ liên quan đến công nghiệp hóa chất là có thể dễ dàng mua bán muối công nghiệp mà không lo bị “sờ gáy”.
Chưa kể pháp luật Trung Quốc cũng quy định, mua bán trên 20 tấn muối bẩn, muối giả mới bị khởi tố càng làm cho những kẻ gian thương không ngần ngại bất chấp các thủ đoạn để trục lợi.
Một công nhân trong xưởng làm muối giả tiết lộ với tờ Nông thôn Trung Quốc rằng, chính nhờ quy định này mà những kẻ làm muối bẩn thường sản xuất với quy mô nhỏ để vừa dễ tiêu thụ vừa tránh bị khởi tố.
Trong năm 2012, có khoảng 182 vụ việc liên quan đến làm muối giả bị “sờ gáy” ở Quảng Châu, Trung Quốc nhưng cảnh sát chỉ có thể bắt giữ 21 trường hợp và kết án 13 đối tượng. Trong năm 2013, có 7 vụ việc bị bắt giữ và tòa chỉ có thể tuyên án kết tội 4 trường hợp. Trong khi đó, các đối tượng bị xử án chỉ phải chịu nhiều nhất hai năm tù giam và thường xuyên tái phạm khi quay lại cuộc sống bình thường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.