Con đường huyền thoại: Sự hy sinh thầm lặng

Thứ tư, ngày 19/10/2011 15:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đối với các thủy thủ tàu không số, họ không chỉ phải hy sinh tính mạng của mình khi đối mặt với quân thù, mà để đảm bảo bí mật, họ cũng phải chịu thiệt thòi về mặt tình cảm.
Bình luận 0

Lấy vợ... nhanh như tên lửa

Tiếp phóng viên trong ngôi nhà khá khang trang của mình ở ngõ 161 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Hải Phòng, cựu binh - thượng tá Trần Văn Hữu vẫn nguyên cách ăn nói ầm ào như hồi đi biển. Nhưng khi nói về chuyện tình cảm cá nhân, giọng ông chùng xuống, thể hiện là người có lỗi.

img
Vợ chồng ông Hữu- bà Chinh.

Ông Hữu quê ở Kim Sơn, Ninh Bình, năm 1964 đã thương cô gái cùng xóm Vũ Thị Chinh. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được chọn vào bộ đội Hải quân, rồi vào đoàn tàu không số, tất cả đều bí mật. “Nói là yêu bà ấy chứ có được cầm tay lần nào đâu, chỉ có lời hẹn lúc chia tay và mấy lá thư gửi về thôi” - ông Hữu cười hà hà.

Góp chuyện, bà Chinh kể: Hồi đó tôi ở nhà cũng căng thẳng lắm, bố mẹ thì giục suốt vì tôi được xếp vào loại lớn tuổi, mấy cô bằng tuổi ở cùng xóm khi ấy có con bồng con bế cả rồi, mà tôi có công có việc đàng hoàng là giáo viên cấp 2 đầu tiên của vùng, các cụ cũng mai mối cho nhiều đám nhưng tôi vẫn nhất quyết chỉ có yêu anh Hữu...”.

Đi biển mấy chuyến, thấy nhớ người yêu, cuối năm 1969 ông Hữu xin phép đơn vị đi phép 9 ngày, về quê để cưới vợ. Đi từ Hải Phòng về đến Ninh Bình mất 2 ngày tàu xe, về đến quê chỉ có 3 ngày vội vàng chuẩn bị cưới.

Đám cưới thời chiến cũng đơn giản, chẳng xem ngày xem tháng gì, chỉ làm vài mâm kính cáo với họ hàng hai bên nội ngoại. Ở với vợ được 2 đêm, gửi vợ luôn bên nhà ngoại, ông Hữu quay trở lại đơn vị tiếp tục theo tàu lênh đênh trên biển để chở vũ khí vào Nam. “Có vợ rồi mà phải đi biền biệt, cứ nghĩ mà thấy thương, nhưng tôi lại động viên bà ấy là làm vợ thủy thủ tàu không số rồi thì biết làm sao được” - ông Hữu xúc động kể.

Chuyến thăm chồng hụt nhớ đời

Vợ chồng bà Chinh- ông Hữu đã ở tuổi thất thập, bà lại bị tai biến cũng không được khỏe, nhưng ông bà vẫn ríu rít như hồi còn trẻ. Có lẽ đó là để bù đắp lại những năm họ xa cách biền biệt. Gần đến ngày truyền thống của đoàn tàu không số, họ vẫn đem những huân, huy chương của ông Hữu ra lau chùi, ngắm nghía.

Bà Chinh vui vẻ: “Phần thưởng của anh ấy mình cũng coi như phần thưởng của mình, vì ngày xưa làm vợ bộ đội đi B đã vất vả, nhưng làm vợ mấy anh thủy thủ tàu không số còn vất vả hơn”... Ông Hữu nghe đến đấy chen vào: “Chắc bà lại sắp kể cái chuyện ra thăm hụt tôi chứ gì?".

Và cái ngày đi thăm chồng hụt năm 1971 cứ hiện về trong tâm trí bà Chinh. Sau ngày cưới 2 năm, vợ chồng chưa kịp có mụn con nào vì ông Hữu triền miên xa nhà, không gặp được lần nào. Tháng 4.1971, ông Hữu đánh điện về, báo với vợ là đang ở đơn vị nhưng không về phép được và bảo bà Chinh ra chơi. Nghe được tin đó, hai bên nội ngoại cứ thúc cuống cả lên, vì cả hai nhà đang thèm một đứa cháu.

Sau 2 ngày xếp hàng đón xe từ Ninh Bình ra, bà Chinh đến Hải Phòng đã 9 giờ tối. Đơn vị chồng đóng ở huyện Thủy Nguyên, bà đi bộ từ bến xe men theo chân đê tìm tới nơi đã 10 giờ tối. Cứ nghĩ rằng sau 2 ngày lặn lội đường xa, đêm nay sẽ được gần chồng...

Nói về chuyện sự hy sinh về mặt tình cảm của những chiến sĩ tàu không số và người thân của họ thì nhiều lắm. Rất nhiều chiến sĩ người miền Nam tập kết ra Bắc, khi làm nhiệm vụ vận chuyến vũ khí về quê của mình, đã gặp người yêu hay vợ ra nhận vũ khí, mà vì nhiệm vụ bí mật không dám nhận nhau, phải hóa trang để người yêu/vợ khỏi nhận ra, giao hết hàng rồi khẩn trương rời tàu.

Ai ngờ mới ra đến cổng đơn vị đã có mấy anh bộ đội đón sẵn, hỏi có phải là vợ đồng chí Hữu không? Rồi họ đưa bà lên thẳng nhà chiêu đãi sở, đón tiếp rất chu đáo nhiệt tình, hỏi han mọi chuyện ở quê nhà... Bà cứ tưởng chồng bận họp, nào ngờ lúc sau đồng đội của chồng báo tin ông Hữu đã xuống tàu đi làm nhiệm vụ... “Nghe xong tôi không dám giận, nhưng vừa buồn vừa tủi. Mà cũng thương chồng quá vì vợ ra cũng không được ở nhà”.

Nghe hết câu chuyện của vợ, ông Hữu ngồi cạnh mới bộc bạch: Tôi đã lên kế hoạch để đón bà rồi, nhưng vì nhiệm vụ phải lên đường gấp từ 2 giờ chiều hôm đó. Các thủ trưởng biết vợ tôi ra thăm nên cũng động viên nhiều lắm, cứ yên tâm đi làm nhiệm vụ rồi sau chuyến này đơn vị sẽ cho về nghỉ tranh thủ mà gặp vợ. Tôi nghĩ rồi thế nào cũng được gặp vợ nên đã yên tâm lên đường”.

Và sau chuyến đi biển trên tàu 47 chở vũ khí vào Nam đó, ông Hữu đã được về tranh thủ thăm vợ một tuần. Nhưng cũng phải đến năm 1976, ông bà mới có cậu con trai đầu tiên và bây giờ lại nối nghiệp ông làm thủy thủ lái tàu hải quân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem