Con đường huyền thoại: Ý tưởng mở đường táo bạo

Thứ hai, ngày 17/10/2011 06:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại. Và chỉ có những con người huyền thoại, sẵn sàng chết trong im lặng, trở thành anh hùng cũng trong im lặng, mới làm nên được kỳ tích đó.
Bình luận 0

Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều lần đồng bào miền Nam đã dùng ghe nhỏ chở vũ khí từ Thái Lan, Campuchia về chi viện cho miền Bắc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954.

img
Một con tàu không số trên đường vào Nam (ảnh quân đội Mỹ chụp từ máy bay).

Xuất phát từ thực tế đó, cuối năm 1959, Đảng và Nhà nước ta đặt quyết tâm phải mở một tuyến vận tải trên biển, cùng với tuyến trên bộ (đường 559) để vận chuyển vũ khí, đạn dược chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Thế là đội tàu vận tải không số đầu tiên có tên là Tập đoàn Đánh cá Sông Gianh được lập ra để che mắt địch.

Nơi khai sinh đoàn tàu không số

Ít người biết rằng, những con tàu không số đầu tiên do những người thợ đóng tàu ở Nghi Lộc, Nghệ An sản xuất. Chính những người này cũng không thể biết được họ lại đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng. Một trong những người đóng tàu năm xưa còn sống là cụ Phan Anh Phúc ở làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng bây giờ cụ Phúc vẫn nhớ như in về những ngày mình đóng những con tàu đặc biệt có 2 đáy, mà khi đó cụ cũng không biết đóng để làm gì. Cụ Phúc kể: Đầu năm 1960, có một đoàn cán bộ về làng Trung Kiên triệu tập những người thợ giỏi nhất làng để tham gia đóng những con tàu lạ với mệnh lệnh "nhanh chóng, chính xác, bí mật".

Lúc đó, không ai biết là đóng tàu gì, chỉ biết nó rất khác những con mà dân vùng này vẫn thường đi biển đánh cá hay để làm vận tải. Mỗi người chỉ được tham gia đóng một con tàu. Lúc đó, những người thợ làng Trung Kiên chỉ biết làm theo sự chỉ đạo của một cán bộ miền Nam tên là Hưng, người của Ủy ban Thống nhất T.Ư cử về.

Sau khi nhận lệnh và nhận bản thiết kế từ cán bộ Hưng, tốp thợ của cụ Phúc gồm 5 người được lệnh đóng 2 con tàu. Họ nhanh chóng chia nhau mỗi người một việc. Cụ Phúc được phân công đi tìm nguyên liệu tốt nhất ở các đầu mối cung cấp gỗ, tre, đặc biệt là phần gỗ sao để làm đáy tàu.

Giữa lạch biển ở làng Trung Kiên, những người thợ không kể nắng mưa, ngày đêm làm việc lặng lẽ, cần mẫn, tỉ mỉ. Tất cả đều phải chính xác, từ khung sườn, thân vỏ, đặc biệt phải chắc chắn ở vị trí hầm lắp máy. Khi đó, máy của những con tàu này cũng được thử đi thử lại rất công phu. Lúc lắp máy vào, cụ Phúc mới biết nó mạnh đến hàng trăm mã lực. Mọi công việc đóng tàu, lắp máy, vận hành thử máy đều được giám sát chặt chẽ và chỉ đạo sát sao của đồng chí Hưng.

Nửa tháng sau, nhóm thợ đã đóng hoàn thiện một con tàu không số gồm 4 khoang, có 2 lớp đáy để cất giấu vũ khí và dụng cụ lưới đi biển khác nhau. Nhìn bề ngoài, nó không khác gì những con tàu đánh cá bình thường. Một điểm đặc biệt nữa là con tàu này có thể chịu được sức sóng, sức gió đến cấp 10.

Chuyến vượt biển đầu tiên

Tháng 7.1959, Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trên biển chi viện cho miền Nam. Để bảo đảm bí mật, Tiểu đoàn 603 ẩn dưới tên gọi Tập đoàn Đánh cá Sông Gianh. Tiểu đoàn 603 có 107 người, do đồng chí Hà Văn Xá làm Tiểu đoàn trưởng, thượng úy Lưu Đức làm chính trị viên. Đơn vị đóng quân ven bờ sông Gianh thuộc thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Khi nhận 4 con tàu do ngư dân Nghị Lộc đóng, các đại đội tranh thủ ra khơi để đánh cá nhưng thực chất là tập dượt cho các chiến sĩ từ việc thả lưới giăng câu, chịu đựng sóng gió, tập lấy phương hướng khi đi trên biển... Những lúc không đi biển, đơn vị tổ chức học tập chính trị và kỹ thuật...

Nguyên tắc giữ bí mật mà tất cả các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 603 đều quán triệt là: Nếu bị địch bắt thì dù có chết cũng không được khai về hoạt động của đoàn tàu.

Để chuẩn bị cho chuyến đi biển đầu tiên, Tiểu đoàn 603 đã tổ chức một tổ điện đài gồm 5 người, do đồng chí Nguyễn Nam làm đài trưởng, theo đường bộ đi vào Khu 5. Sau 5 tháng, tổ điện đài vào đến đèo Hải Vân và đã bắt được liên lạc với Tiểu đoàn, từ đó đơn vị xác định được bến sẽ đổ hàng.

Để tuyệt đối giữ bí mật về phương thức vận chuyển vũ khí trên biển, Tiểu đoàn 603 đưa ra hai phương án tác chiến. Thứ nhất, nếu đưa được hàng vào bến, bốc dỡ xong sẽ phá tàu rồi đi theo đường bộ trở về đơn vị. Thứ hai, nếu lạc đường, lạc hướng thì thả hàng xuống biển để giữ bí mật. Trong trường hợp bị địch phát hiện, sẽ cho nổ tàu (tàu không số nào cũng được cài sẵn thuốc nổ).

Sau nửa năm, công tác chuẩn bị cho chuyến vượt biển đầu tiên đã cơ bản hoàn tất, cấp trên đã chuẩn y kế hoạch. Đến lúc này, các đại đội chỉ còn chờ gió mùa đông bắc tràn về là ra khơi. Sở dĩ phải chọn đúng hôm gió mùa bởi có 2 lý do: Để tránh bị địch phát hiện và để lợi dụng sức gió, xuôi sóng đỡ phải chèo lái bằng tay. Và, ngày mong chờ đã đến.

Đúng 18 giờ ngày 27.1.1960 (tức 30 Tết năm Canh Tý), chiếc tàu của Đại đội 1 do đồng chí Nguyễn Bất làm thuyền trưởng, mang theo 5 tấn vũ khí, thuốc men nhổ neo từ cửa sông Gianh đi bến Hố Chuối ở chân đèo Hải Vân để chi viện cho chiến trường Khu 5. Đây là chuyến tàu đầu tiên, khai mở con đường huyền thoại trên Biển Đông mang tên Hồ Chí Minh.

Kỳ 2: Trận chiến anh hùng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem