Con đường lúa gạo Việt Nam - Kỳ 1: Cánh đồng ma sống dậy

Thứ ba, ngày 30/11/2010 18:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kênh xáng Xà No được người Pháp đào cách đây hơn 1 thế kỷ nhằm khai thác vùng đất hoang hóa miền Hậu Giang.
Bình luận 0

Với chiều dài gần 40km, từ khi hình thành đến nay, con kênh này đã đem lại giá trị vô cùng to lớn trong công tác vận chuyển lúa gạo và rửa chua, xả phèn cho hàng ngàn ha lúa trong vùng.

Xuồng đi trên... cỏ!

img
Kênh xáng Xà No đoạn chạy qua thị xã Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang

Theo nhà văn Nhâm Hùng - Hội Nhà văn TP.Cần Thơ, mở đầu kế hoạch khai thác lớn ở miền Hậu Giang, người Pháp tiến hành đào kênh xáng Xà No xuyên qua cánh đồng hoang vu, rộng lớn nằm giữa 2 tỉnh Cần Thơ và Rạch Giá. Và sau khi kênh đưa vào sử dụng, làng mạc của người dân cũng hình thành dọc theo bờ kênh: Một Ngàn, Bảy Ngàn, Mười Bốn Ngàn, Cái Nhum…

Theo những người cố cựu ở địa phương, tên gọi Xà No đọc trại từ tên của người Pháp chỉ huy xáng múc con kênh này là Saint-Tanoir. Còn nhà văn Sơn Nam thì cho rằng tên Xà No bắt nguồn từ tiếng Khmer là Sok Snor có nghĩa là xóm cây điên điển vì thời bấy giờ vùng đất hoang hóa này có nhiều cây điên điển…

Nhà văn Sơn Nam nhận định: “Đây là con kênh có quy mô dài nhất ở Nam Kỳ nên phải dùng phương tiện cơ giới mới có thể đáp ứng nhanh mục đích thu lợi đầy tham vọng của người Pháp và họ biết rõ công trình này tuy tốn kém trước mắt nhưng khi hoàn thành chẳng bao lâu nó sẽ đem lại nguồn lợi vô cùng to lớn…”

Những năm đầu thế kỷ 19, toàn quyền Pháp là De Lanessan cho đấu thầu đào kênh xáng Xà No và Công ty Montvenoux trúng thầu với giá đào 0,35 quan Pháp/m3. Công trình khởi công năm 1901 và hoàn thành năm 1903 với bề rộng 60m, sâu 40m. Xáng đào chạy bằng hơi nước với những giàn gàu bằng sắt là phương tiện hiện đại nhất thời bấy giờ. Máy xáng mạnh 350 mã lực, mỗi gàu sắt múc được 375 lít, thổi bùn ra xa đến 60m…

Nhà văn Sơn Nam nhận xét:

Kênh xáng Xà No có thể gọi là “quả đấm chiến lược” về kinh tế và chính trị đối với người Pháp thời bấy giờ. Bởi vì nó vừa biểu dương sức mạnh về cơ khí của phương Tây vừa mở ra triển vọng mới trong công cuộc hình thành vựa lúa miền Hậu Giang.

Trước khi đào kênh xáng Xà No cả vùng đất miền Hậu Giang đều là đất hoang hóa. Trong nhật ký của viên Chánh tham biện Rạch Giá người Pháp tên Bê – Non khi đi qua vùng đất này năm 1871 có ghi rõ: “Xuồng phải đi trên cỏ, lướt tới như bàn trượt. Sậy cao đến 2 thước và khi trời chạng vạng muỗi kêu như sáo thổi… Chống xuồng bốn tiếng đồng hồ mới qua khỏi cánh đồng lúa ma…”.

Nối biển với sông Hậu

Khi hình thành kênh xáng Xà No, nhiều đồn điền của cả người Pháp và người Việt hình thành dọc bờ kênh xáng Xà No. Trong đó đồn điền Bảy Ngàn của Tây Albert lớn nhất thời bấy giờ, với diện tích trên 30.000ha với 3.000 hộ tá điền. Mỗi năm Tây Albert thu lúa ruộng, lúa vay hàng triệu giạ.

Nơi kho chứa của Tây Albert mà người dân quen gọi là lầu trắng, lầu ông kho rộng hơn 1ha. Nơi đây tập trung cụm nhà máy xay lúa lớn với 450 nhân công làm việc. Gạo xay xong đưa nhanh về chợ lớn xuất cảng bằng đoàn ghe chạy dọc theo kênh Xà No khỏi phải qua trung tâm xay xát ở chợ Cái Rằng.

Ngay từ thời kỳ đầu kênh xáng Xà No đã đóng vai trò quan trọng trong việc khai khẩn đất hoang, vận chuyển lúa gạo và tiêu thoát nước. Khi ổn định sản xuất, khoảng từ 5 đến 10 năm sau ngày đào kênh xáng Xà No, các chủ điền mạnh dạn đầu tư cho ngành công nghiệp xay xát lúa gạo.

Điển hình là nhà máy xay lúa Ông Kho ở Bảy Ngàn và hàng loạt các chành lúa lớn, các nhà máy xay lúa mọc lên hai bên bờ kênh. Chỉ sau thời gian ngắn, vùng kinh xáng Xà No đã trở thành địa bàn chiến lược, đi đầu trong mở mang, phát triển miền Hậu Giang trên cả 3 lĩnh vực gắn kết 1 cách liên hoàn giữa nông nghiệp- công nghiệp và thương mai-dịch vụ…

Xưa kia xuất khẩu gạo ở vùng đất này chủ yếu bằng đường biển qua thương khẩu Rạch Giá, Hà Tiên. Khi có kênh xáng Xà No nối liền giữa biển Tây và sông Hậu, việc vận chuyển lúa gạo rất dễ dàng và mục đích chính là phục vụ cho việc sản xuất, xuất khẩu lúa gạo cho người Pháp.

Theo số liệu năm 1899, Nam Kỳ xuất cảng được 500.000 tấn, sau đó khi có kênh xáng Xà No tăng lên 1.300.000 tấn, trong đó miền Hậu Giang chiếm đến 900.000 tấn. Với số lượng khổng lồ như vậy, miền Hậu Giang đã trở thành vựa lúa lớn nhất Đông Dương. Có thể nói, thời bấy giờ kênh xáng Xà No được ví như con đường lúa gạo Việt Nam…

Tháng 11 năm 2009, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất bên dòng Xà No. Hàng chục ngàn người dân các tỉnh ĐBSCL đã đến dự ngày hội tôn vinh hạt lúa và người trồng lúa.

---------

Đón đọc kỳ 2: Những chiến công trên dòng Xà No

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem