Con gái cụt 2 chân ăn xin nuôi mẹ ung thư chờ ngày bán nhà trả nợ

Chủ nhật, ngày 20/01/2013 07:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã 3 năm nay, dù mưa hay nắng, người dân phố chợ vẫn thấy một người phụ nữ đội chiếc nón cời, lê đôi chân cụt ngửa tay xin từng đồng lẻ về nuôi mẹ liệt giường. Chị là Phạm Thị Ba (48 tuổi) trú tại tổ 3, khối phố Trà Cai, phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Bình luận 0

Chúng tôi tìm về nhà chị Ba vào một buổi trưa ngày cuối năm. Căn nhà nhỏ bé, xập xệ của chị nằm nép mình trong con hẻm nhỏ.

Chồng mất sớm, con giẫm mìn mất chân

img
Dù bị cụt 2 chân nhưng chị Ba vẫn lo cho mẹ từ miếng cơm, giấc ngủ

Chị Hồ Thị Mỹ Dung, một người dân khối phố Trà Cai, vừa dẫn chúng tôi vào nhà chị Ba, vừa kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh bi đát của người đàn bà bất hạnh này. Chị Dung cho biết: “Chị Ba là người con vô cùng hiếu thảo. Dù bị cụt cả hai chân nhưng hằng ngày chị vẫn lê lết cả chục cây số ra chợ xin ăn về nuôi mẹ. Cụ Diệp Thị Cúc (73 tuổi), mẹ chị, đã bị liệt mấy năm qua vì căn bệnh ung thư quái ác. Nhìn hoàn cảnh mẹ con chị, ai cũng thương, cũng cố gắng giúp đỡ chút đỉnh để họ có thể sống qua ngày!”.

Đang nằm mê man trong cơn đau bệnh tật, nghe tiếng chúng tôi vào, bà Diệp Thị Cúc giật mình tỉnh giấc. Cố gắng ngồi dậy tiếp khách, bà ngậm ngùi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện gia đình đầy nước mắt. Chồng bà mất sớm sau một cơn đau ác tính.

Sau đó không lâu, trong một lần đi làm giúp mẹ, chị Ba giẫm trúng mìn bị mất hai chân. Kể từ đó đến nay, hai mẹ con chị sống bám víu nhau qua ngày. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà Cúc lại phát hiện bị ung thư gan và đái tháo đường. Mọi gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai người con gái cụt 2 chân.

Khi nghe chúng tôi hỏi đến đứa con gái tật nguyền, khốn khổ của mình, bà Cúc rơm rớm nước mắt rồi nói bằng giọng khàn khàn: “Hắn hôm nay đi ăn xin xa nhà nên trưa về trễ. Sáng sớm, trước khi đi, hắn đã mua sẵn phần cơm buổi trưa để lỡ hắn về không nấu kịp, tôi đói còn có cái mà bỏ bụng. Nghĩ mà tội hắn lắm. Cụt 2 chân đi ăn xin về nuôi mẹ còn lo cho mẹ chu đáo ở nhà”.

Đoạn đường từ nhà chị Ba ra chợ không xa nhưng với một người không còn đôi chân như chị thì đó là cả một chặng đường dài thăm thẳm. Nhiều khi thấy chị Ba lê lết trên đường, chị Dung hoặc những người hàng xóm đi ngang tiện đường liền cho chị đi nhờ.

Với những người dân ở xóm chợ, từ bà bán trầu cau, rau, chè, chuối đến cô bán cá, tương, cà, mắm, muối, rồi cả chị bán vải vóc, áo quần, hàng khô, hàng tươi… đều không còn lạ gì cảnh chị Ba lê lết đôi chân cụt ở đầu đường xin ăn nuôi mẹ.

Bà Cúc ngậm ngùi kể: “Tối về đến nhà, hai đầu gối của hắn rơm rớm máu với những vết thâm đen sì, nhìn mà xót lòng. Hắn giấu không để cho tôi biết vì sợ tôi buồn, mai không cho đi ăn xin tiếp. Nói thế chứ hắn không đi ăn xin chắc 2 mẹ con nhịn đói mất. Từ trong ánh mắt của con, tôi hiểu rõ những khó nhọc của hắn”.

img
Chị Ba mỗi ngày lết cả chục cây số đi xin ăn nuôi mẹ liệt giường

Bà Cúc nhớ lại, ngày bà ngả bệnh, gia đình không có một xu trong nhà để cho bà nhập viện. May thay, nhờ bà con hàng xóm gom góp được ít tiền nên bà mới được đưa đi cấp cứu. Theo xác nhận của bệnh viện, bà bị mắc bệnh ung thư gan và đái tháo đường cần phải điều trị sớm, nếu không sẽ khó giữ được tính mạng khi tuổi tác ngày càng cao. Số tiền vay mượn và thế chấp sổ đỏ dần cũng hết. Để lo chữa trị cho bà, mọi gia sản cứ đội nón ra đi. Thời gian về sau, đứa con gái tật nguyền đành xách bao tời lê ra chợ xin ăn về nuôi bà.

Mỗi ngày ra chợ xin ăn, chị Ba mang theo 2 chiếc dép nhựa sứt quai cũ kỹ được buộc vào 2 đầu gối bằng dây cước, 1 chiếc nón cời đã sờn màu đội trên đầu và 1 bao tời rách nát. Khi di chuyển, chị chống 2 tay xuống đất rồi lấy sức lê từng đoạn khó nhọc. Những lúc mệt mỏi, chị lăn ra ngủ ngay tại góc chợ vẫn ngồi xin ăn để lấy sức còn trở về nhà với mẹ.

Tương lai phải bán nhà trả nợ

Bà Cúc vừa nói dứt lời thì chị Ba về. Dõi mắt nhìn ra phía đầu ngõ, nơi đứa con gái đang lê từng bước chân khó nhọc vào nhà, bà Cúc rơm rớm nước mắt rồi bỗng dưng bật khóc. Chưa kịp nghỉ ngơi, chị Ba chào chúng tôi rồi liền tay đút cháo cho mẹ ăn.

“Có những lần vừa tranh thủ đút cháo cho mẹ, vừa nấu cơm dưới bếp, nghe mẹ gọi trên nhà, chị Ba vội vã rót nước vào bình làm nước sôi bắn tung tóe phỏng cả người” - Chị Dung cho biết thêm.

“Biết làm sao bây giờ hả mấy chú. Nợ vay đến kỳ hạn phải trả nhưng khả năng hai mẹ con không thể xoay xở được. Chỉ có nước bán nhà mới có tiền trả nợ thôi” - dòng nước mắt bà Cúc chảy dài theo câu nói. Hiện nay, số tiền vay ngân hàng và người thân, hàng xóm đã lên đến gần 100 triệu đồng. Bà có rao bán căn nhà nhưng vài người đến trả giá quá “bèo” nên bà không chịu bán. Bà cho biết: “Có nghèo cũng nghèo rồi.

Bán căn nhà này đi phải đủ tiền trả nợ mới bán chứ. Dù có đi thuê trọ để ở thì cũng phải quyết bán để trả cho được nợ nần. Bà con, bạn bè và Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện nên mới cho mẹ con tôi mượn tiền. Họ đã giúp mình lúc khó thì mình phải có trách nhiệm trả nợ cho họ. Họ cũng có giàu có chi đâu. Nghèo cho sạch, rách cho thơm mấy chú ạ".

Lúc ra về, chúng tôi vẫn bị ám ảnh bởi lời nói của bà Cúc với cô con gái khi nhìn thấy máu tươi thấm ra từ 2 mỏm chân cụt: “Mẹ ước được chết đi cho con đỡ khổ". Hình ảnh hai người đàn bà bệnh tật ôm nhau khóc tức tưởi trước một tương lai không cửa nhà, không tiền bạc, không người nương tựa cứ nhói buốt trong tim chúng tôi khi rời khỏi căn nhà xập xệ ở phố Trà Cai.

Một năm mới đang dần đến trong niềm hân hoan chờ đón của mọi người, chỉ có bà Cúc và chị Ba là chẳng mong năm mới đến bởi kèm với đó là ngày phải bán nhà trả nợ sẽ gần hơn. Cuộc sống của hai mẹ con họ chẳng biết rồi sẽ ra sao trong tương lai mịt mờ trước mắt!

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem