Con học cật lực ôn thi vào lớp 10, phụ huynh xót xa như ngồi trên đống lửa

Tào Nga Thứ tư, ngày 31/05/2023 06:00 AM (GMT+7)
Chỉ còn ít ngày nữa học sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 ở Hà Nội. Nhiều phụ huynh cho biết, cả nhà căng thẳng đến mức... không dám thở mạnh ở giai đoạn "nhạy cảm" này.
Bình luận 0

Căng thẳng ôn thi vào lớp 10

Theo kế hoạch của Sở GDĐT Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra ngày từ 10 - 12/6. Thời gian ôn thi không còn nhiều khiến phụ huynh như ngồi trên đống lửa, xót xa khi thấy con lao vào bài vở ngày đêm không có thời gian nghỉ, kể cả hệ công lập và hệ chuyên.

Chị Tô Hồng Anh, phụ huynh ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: "Con tôi học tốt tiếng Anh nên nguyện vọng con được vào chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Thế nhưng khi trường thông báo tỉ lệ chọi mà tôi phát hoảng. Lớp chuyên này tuyển 215 em nhưng có đến 2.088 hồ sơ nộp vào, tương đương 1/9,7 - số lượng cao nhất trong các lớp chuyên. Giờ thì cả mẹ và con đều "ngồi trên đống lửa".

Không chỉ ở trường chuyên, ở hệ chuyên các trường công lập thuộc Sở GDĐT, nhiều phụ huynh cũng như chị Hồng Anh rất sốt ruột, căng thẳng. 

Con học cật lực ôn thi vào lớp 10, phụ huynh xót xa như ngồi trên đống lửa - Ảnh 1.

Học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 năm 2022. Ảnh: Phạm Hưng

Chị Lê Mai Hương ở quận Thanh Xuân bày tỏ: "Con tôi nằm trong khóa học sinh chịu 2 năm Covid-19 nên việc được bồi dưỡng kiến thức ở lớp và tăng cường học thêm cũng chỉ đạt được một phần kiến thức. 

Sợ con không đạt được kết quả như mong đợi nên tôi đã quyết định "quay xe" không đăng ký vào chuyên Anh ở Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam mà chuyển sang hệ chuyên ở trường thấp điểm hơn". 

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh không chọn trường top 1 mà chuyển sang các trường top 2, 3 dẫn đến tình trạng tỉ lệ chọi vào các trường này tăng đột biến. 

Không chỉ khiêm tốn đăng ký vào các trường thấp điểm hơn, một số trường hợp phụ huynh đã đi tìm trường nghề cho con theo học để phòng cho con không trúng tuyển vào lớp 10. "Con gái tôi học lực kém, dù đăng ký vào trường top 3 nhưng vẫn lo lắng, run. Tôi cho con đi học thêm hết người này người khác, học mẹo, đoán đề nhưng vẫn không ăn thua vì thi là cả một quá trình. Tôi đã phải tìm phương án dự phòng là một trường nghề để con có nơi học", chị Nguyễn Thị Minh Hòa, phụ huynh ở quận Cầu Giấy thổ lộ. 

Chị Hòa cho hay, một phụ huynh chị quen có con học áp lực đến mức phải điều trị tâm lý vì học thêm kín tuần. Ngày học thêm ở trường, tối đến các em phải học thêm ở nhà cô giáo từ 7-9 giờ, không có thời gian nghỉ ngơi. "Các thầy cô lo học sinh bị trượt nên lúc nào cũng cố gắng dạy học sinh thật nhiều. Phụ huynh thì kỳ vọng vào con khiến kỳ thi càng trở nên căng thẳng", chị Hà bày tỏ.

Học sinh hãy chuẩn bị tâm lý, sức khỏe vững vàng

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Trần Mậu Tú, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội chia sẻ: "Có thời điểm phụ huynh quá lo lắng cho kết quả thi vào lớp 10 của con mà đăng ký cho con học liên tục từ sáng đến tối dẫn tới tình trạng kiệt sức, thiếu ngủ và đặc biệt là áp lực tâm lý. Tôi đã chứng kiến học sinh của mình không thể tập trung vì em quá mệt mỏi khi phải tiếp thu lượng kiến thức khổng lồ trong ngày với 3 môn Toán, Văn, Anh. Em không thể giải và trình bày lại được một bài toán mà em đã làm thành thạo trước đó".

Thầy Tú đưa ra lời khuyên: "Cha mẹ hãy cho con một lịch trình học phù hợp và có khoảng thời gian nghỉ ngơi, bổ sung năng lượng để con ghi nhớ hiệu quả. Đặc biệt là môn Toán phải nhớ công thức, cách trình bày chuẩn để lấy điểm. 

Cha mẹ cũng không nên không để ý đến sách vở, ghi chép, chữ viết của con dẫn đến tình trạng con vào phòng thi bị tâm lý, trình bày không chuẩn, câu dễ ăn điểm lại trình bày thiếu ý hoặc sai. Có em trượt nguyện vọng 1 chỉ vì câu rút gọn biểu thức em đã quên đặt điều kiện và bị trừ 0,25 điểm. Giai đoạn này học sinh chú ý luyện đề, tập trình bày cẩn thận và đặc biệt giữ vững tâm lý, sức khỏe thật tốt".

Thầy Vi Mạnh Tường, Phó hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Để chuẩn bị cho học sinh kiến thức thật tốt để bước vào kỳ thi lớp 10, nhà trường từng tháng đã cho kiểm tra đánh giá cả khối 9 theo chủ đề (cuốn chiếu), rút kinh nghiệm, sửa sai.

Chia học sinh các lớp theo trình độ, khả năng, đặc biệt quan tâm học sinh dưới trung bình, học sinh yếu, dành thời gian riêng cho nhóm học sinh ngoài giờ học chính khóa (miễn phí). Họp tổ, nhóm chuyên môn, cùng nhau xây dựng: Sổ lý thuyết và ví dụ minh họa. Chia giai đoạn trong từng học kỳ: Giao học sinh chấm chéo cho nhau với các lớp khá, để học sinh tự đánh giá lẫn nhau, dựa trên đáp án giáo viên giao...

Giai đoạn tháng cuối, nước rút, nhóm giáo viên cùng xây dựng các chủ đề với đầy đủ mức độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao… và phân chia các dạng".

Thầy Tường tư vấn: "Mặc dù những áp lực trước kỳ thi là không tránh khỏi nhưng các bạn học sinh cũng cần sắp xếp được thời gian học và thời gian nghỉ ngơi sao cho hợp lý, tránh để bản thân rơi vào trạng thái quá tải dẫn đến các căng thẳng tâm lý ảnh hưởng đến quá trình học tập và ôn thi vào lớp 10".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem