Sự thật thông tin "trường học yêu cầu phụ huynh không cho con làm thêm kiếm tiền dịp hè"

Vũ Thị Hải Thứ ba, ngày 30/05/2023 13:50 PM (GMT+7)
Mấy ngày nay, thông tin việc Trường THPT Quốc Tuấn (huyện An Lão, TP.Hải Phòng) yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp phổ biến tới cha mẹ học sinh không cho con đi làm thêm dịp nghỉ hè để kiếm tiền đã gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Nhà trường nói gì về thông tin này?
Bình luận 0

Theo thông tin được phụ huynh chia sẻ, trong cuộc họp phụ huynh cuối năm học 2022-2023, Trường THPT Quốc Tuấn đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp phổ biến đến cha mẹ học sinh việc không cho con, em đi làm trong thời gian nghỉ hè để kiếm thêm thu nhập.

Thông tin này lập tức gây ra nhiều tranh cãi trong phụ huynh học sinh và trên mạng xã hội. Một số ý kiến  cho rằng, nếu nhà trường có quy định như vậy là đã can thiệp vào cuộc sống sinh hoạt, kinh tế của các gia đình. Theo họ, với gia đình đang khó khăn, tranh thủ nghỉ hè, các con có thể làm kiếm thêm tiền, phụ cha mẹ, nhất là các gia đình ở vùng nông thôn thì việc các con đi làm thêm ở ngoài hoặc phụ giúp cha mẹ việc đồng áng là khó tránh khỏi. 

Ngoài ra, phụ huynh không đồng tình với việc trường thông báo các em đăng ký tham gia các lớp thể dục thể thao hoặc kỹ năng khác vào khung giờ từ 18h đến 19h30 hàng ngày.

Chị Phạm Thị Thuỷ (An Hồng, quận An Dương, Hải Phòng) có con đang học lớp 11 cho biết, gia đình khó khăn nên cứ dịp nghỉ hè, chị lại cho cháu lên phố phụ giúp bán hàng tại một shop bán quần áo của người quen. Cháu đi làm được trả lương mang về cho mẹ, được mẹ cho lại một phần để chi tiêu cho một số nhu cầu cá nhân nên cháu rất phấn khởi. "Lên cấp 3 là đã 15, 16 tuổi rồi, tuổi này ngày bé chúng tôi còn phải ra đồng làm lụng vất vả, giờ các cháu có đi làm chút để phụ giúp gia đình cũng là điều nên làm, mà  đúng quy định của pháp luật", chị Thuỷ nói. 

Tranh cãi xung quanh việc một trường học yêu cầu phụ huynh không cho con làm thêm kiếm tiền dịp nghỉ hè - Ảnh 1.

Trường THPT Quốc Tuấn (huyện An Lão, Hải Phòng). Ảnh: NT

Ở một góc nhìn khác, nhiều phụ huynh đồng tình với quan điểm của nhà trường và cho rằng, cần quản lý chặt chẽ các con dịp nghỉ hè, không nên để các con đi làm. Việc kiếm tiền, chi tiêu thiếu kiểm soát có thể dẫn tới những hậu quả khó lường như cờ bạc, nghiện hút. Có em thấy có cơ hội kiếm tiền mà không cần học thì sẽ dẫn tới chán và bỏ học...

Chị Nguyễn Thanh Hằng (Lê Lợi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) chia sẻ, ở tuổi các con, mục tiêu chính là học. Có thời gian nghỉ hè thì nên tham gia các câu lạc bộ để nâng cao sức khoẻ, bổ sung thêm kỹ năng sống chứ chưa nên cho các con đi làm.

"Thực tế khi các con đi làm cha mẹ rất khó kiểm soát. Nhiều cháu là con gái mới lớn, tuổi còn nhỏ, chưa có kỹ năng tự bảo vệ, nếu làm thêm ở môi trường phức tạp như nhà hàng, quán bar... có thể bị cám dỗ bởi đồng tiền, dễ dàng sa vào tệ nạn xã hội, bị lạm dụng tình dục... Tốt nhất là cứ đủ 18 tuổi thì mới cho đi làm", chị Hằng quả quyết. 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Hướng - Hiệu trưởng Trường THPT Quốc Tuấn cho biết, đó là khuyến cáo chứ không có việc bắt phụ huynh phải cam kết không cho con em đi làm trong dịp nghỉ hè. 

Theo ông Trần Văn Hướng, chiều ngày 20/5, lãnh đạo nhà trường có họp với giáo viên chủ nhiệm và trưởng ban cha mẹ học sinh lớp 10 và lớp 11 để chuẩn bị cho cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh các lớp vào chủ nhật ngày 21/5.

Trong cuộc họp trên, lãnh đạo nhà trường có trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và trưởng ban cha mẹ học sinh nội dung đề nghị phụ huynh cần quản lý chặt chẽ con em trong thời gian nghỉ hè ở nhà, thận trọng khi cho con em đi làm thêm trong hè, nên chọn việc làm phù hợp, phải đúng theo luật lao động, chú ý về tan toàn lao động, về sức khoẻ.

"Việc các em đi làm thêm để có tiền giúp cho gia đình và bản thân để trang trải cuộc sống là điều đáng quý, là việc tốt, nên làm, qua đó còn giúp các em thấy được giá trị của lao động, nhưng nếu không cẩn thận các em dễ bị sa lầy vào những tiêu cực xã hội. Thực tế các năm trước có một số học sinh đi làm thêm trong hè lấy tiền với mục đích để tiêu xài cá nhân vào những việc không tốt cho bản thân như chơi bời, cờ bạc, hút thuốc... dẫn đến sa vào tệ nạn xã hội, cá biệt một số em sau khi đi làm trong hè đã bỏ học giữa chừng để đi làm",  ông Hướng cho biết thêm.

"Nhà trường chỉ đề nghị phụ huynh phối hợp để quản lý, bảo vệ an toàn cho con trẻ. Hoàn toàn không có chuyện nhà trường bắt phụ huynh cam kết không cho con em đi làm thêm trong hè như phụ huynh đã phản ánh", ông Hướng khẳng định.

Thông tin phụ huynh học sinh phản ánh có thể do cán bộ, giáo viên khi trao đổi với cha mẹ học sinh không rõ ràng. Nhà trường chỉ tư vấn, khuyến cáo cha mẹ học sinh về vấn đề này để tránh điều đáng tiếc xảy ra cho học sinh chứ không cấm học sinh đi làm thêm, không bắt buộc phụ huynh làm cam kết không cho con em đi làm thêm.

Ngoài ra, việc thông báo cho các em đăng ký tham gia các lớp thể dục thể thao hoặc kỹ năng khác vào khung giờ từ 18h đến 19h30 hàng ngày là thực hiện theo chỉ đạo về hoạt động hè của các cấp quản lý.  "Nhà trường triển khai tổ chức hoạt động hè đến phụ huynh và học sinh trên tinh thần tự nguyện. Các hoạt động đó là vui chơi, giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt tại các câu lạc bộ bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ, võ thuật, dancing sport, âm nhạc..., hướng dẫn cho học sinh kỹ năng phòng cháy và chữa cháy, kỹ năng tự bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em, đuối nước và các kỹ năng khác, Các em được lựa chọn các câu lạc bộ, nội dung học tập, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, được sự đồng ý của cha mẹ học sinh, không ép buộc", thầy hiệu trưởng cho hay.

Nhà trường mới triển khai chủ trương, cho các em đăng ký nguyện vọng để xây dựng kế hoạch chứ chưa thực hiện thu kinh phí của học sinh. Hiện tại có hai giáo viên nhà trường đăng ký dạy miễn phí cho học sinh (một giáo viên dạy võ cổ truyền, một giáo viên dạy dance sport) trong hè.

Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Phạm Hồng Sơn - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ Luật lao động thì độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động Việt Nam là đủ 15 tuổi. Tuy nhiên, 15 tuổi vẫn là tuổi vị thành niên, do đó luật pháp có hẳn 1 chương để quy định riêng đối với lao động chưa thành niên. Theo đó, luật quy định một số ngành nghề và nơi làm việc cấm sử dụng lao động của trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi). Cụ thể, theo luật sư Phạm Hồng Sơn, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật lao động.

Điều 147. Công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi

1. Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc sau đây:

a) Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên.

b) Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác.

c) Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ.

d) Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc.

đ) Phá dỡ các công trình xây dựng.

e) Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại.

g) Lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ.

h) Công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.

2. Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc ở các nơi sau đây:

a) Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm.

b) Công trường xây dựng.

c) Cơ sở giết mổ gia súc.

d) Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử.

đ) Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục tại điểm h khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem