"Cơn khát" thuốc, vật tư y tế: Bệnh viện khó, người bệnh khổ

Bạch Dương Thứ năm, ngày 09/06/2022 08:00 AM (GMT+7)
Hiện nay, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang xảy ra ở nhiều nơi. Người dân đi khám BHYT, được cấp thuốc trong danh mục BHYT chi trả nhưng lại phải… mua ngoài.
Bình luận 0

Kỳ I: Thiếu thuốc người dân "quay lưng" với trạm y tế

Đi khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) lại thiếu thuốc, phải mua thuốc ngoài là lý do nhiều người dân "buồn chán" trạm y tế cơ sở, khiến không ít cơ sở y tế "hiu quạnh".

Thiếu thuốc vì 10 thuốc BHYT chỉ được cấp 1-2 loại

Trạm Y tế phường 4, quận 10 (TP.HCM) hiện quản lý hàng nghìn người dân trên địa bàn. Đây là một trong những trạm y tế đủ điều kiện khám BHYT ban đầu, tuy nhiên, vì tủ thuốc ngày càng nghèo nàn cộng với cơ sở vật chất và nhân lực không đảm bảo, số lượng bệnh nhân đến khám ngày càng ít.

Dược sĩ Lê Minh Nguyệt – trạm y tế phường 4, quận 10 cho biết, nguồn thuốc của trạm thông thường được Bệnh viện Quận 10 phân bổ. Trạm đã chủ động đề xuất danh mục thuốc cần nhận, tuy nhiên, thay vì trước kia đề xuất 10 loại thuốc sẽ được duyệt hết hoặc thiếu 1-2 loại, nay 10 loại thuốc chỉ được cấp khoảng 1-2 loại. Lý do được bệnh viện đưa ra là chưa đấu thầu được thuốc.

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Bệnh viện khó, người bệnh khổ  - Ảnh 1.

Tủ thuốc của trạm y tế phường Hiệp Phước (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chỉ còn một số loại thuốc cấp cứu thông thường. Ảnh Bạch Dương

Theo dược sĩ Lê Minh Nguyệt, nhiều người dân đến khám tại trạm y tế nhưng không có thuốc hoặc được cấp loại thuốc khác so với thuốc họ được nhận ở bệnh viện đã khám trước đó nên họ từ chối nhận thuốc, sau đó họ cũng không đến khám tại trạm luôn.

Tình trạng này cũng diễn ra tại trạm y tế phường 15, quận Phú Nhuận. Tình trạng tủ thuốc thiếu trước hụt sau khiến các bác sĩ tại trạm dù muốn khám, cấp thuốc cho người dân nhưng đành chịu trận.

Khó khăn hơn cả là các trạm y tế tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Hầu hết các trạm y tế tại đây đã trống trơn thuốc theo danh mục BHYT từ nhiều tháng nay. BSCK1 Lâm Thanh Hương, Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ - Trung tâm y tế TP.Thủ Đức cho biết, từ năm 2016, các trạm y tế đủ điều kiện được thực hiện khám BHYT ban đầu cho người dân.

Đến cuối năm 2020, các trạm y tế ngưng khám. "Để khám được BHYT, bệnh viện phải hỗ trợ nhân sự cho trạm y tế. Bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề về khám, kê toa BHYT tại trạm y tế. Tuy nhiên, các bác sĩ này đều đang làm việc cơ hữu tại bệnh viện, giờ khám bệnh tại bệnh viện đăng ký trên cổng thông tin chung của ngành trùng với giờ làm việc tại trạm y tế nên không đủ điều kiện xuất toán. Các bệnh viện cũng tạm ngưng cung cấp thuốc cho trạm y tế từ đó đến nay", bác sĩ Hương nói.

Hiện trên địa bàn TP.Thủ Đức chỉ còn 2 phường duy trì khám BHYT là phường Bình Chiểu và Hiệp Bình Chánh. Lý do vì có phòng khám đa khoa vệ tinh của Bệnh viện TP.Thủ Đức đặt tại hai trạm y tế này, toàn bộ nhân sự, trang thiết bị, thuốc men tại hai cơ sở này là của bệnh viện, trạm y tế không được tham gia.

Bác sĩ Hương cho biết thêm, giai đoạn các trạm y tế còn thực hiện khám BHYT, số lượng bệnh nhân đến khám dao động từ vài chục ca đến hơn 100 ca/tháng tuỳ từng trạm. Tuy nhiên hiện nay, khi không còn thuốc theo danh mục BHYT, bệnh nhân hầu như không còn đến trạm để khám.

Không chỉ không có thuốc khám chữa bệnh thông thường theo tuyến 4, các trạm y tế còn trong tình trạng không được phân bổ thuốc chữa bệnh mãn tính không lây, không được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

Không còn 1 viên thuốc nào theo danh mục BHYT

Bác sĩ Trần Văn Quý, trưởng trạm y tế phường Hiệp Phước (TP.Thủ Đức) chỉ vào tủ thuốc trống trơn nói: "Trạm không còn một viên thuốc nào theo danh mục BHYT, hiện chỉ còn một số cơ số thuốc cấp cứu do trạm và trung tâm y tế tự trang bị.

Không có thuốc nên người dân không còn muốn đến khám tại đây vì khám xong bác sĩ chỉ có thể kê toa cho bệnh nhân ra ngoài tự mua thuốc. Vậy nên họ lên thẳng bệnh viện khám cho tiện.

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Bệnh viện khó, người bệnh khổ  - Ảnh 2.

BS Trần Văn Quý, trưởng trạm y tế phường Hiệp Phước phát thuốc chữa thần kinh cho người dân. Các thuốc này được phân bổ theo chương trình quốc gia nên không bị thiếu, chỉ thiếu thuốc BHYT. Ảnh Bạch Dương

Nếu được cấp đủ thuốc, tôi tin người dân vẫn sẽ đến trạm vì rất nhiều người mắc bệnh thông thường như cảm cúm, ho sốt, tiêu chảy, viêm khớp… họ muốn khám tại trạm cho gần, đỡ phải đi xa, chen lấn xếp hàng ở bệnh viện".

Hiện trạm y tế phường Hiệp Phước vẫn khám cho người dân có nhu cầu và cấp phát thuốc theo các chương trình quốc gia như lao, thần kinh, HIV…

Thiếu thuốc do không có nhà thầu cung ứng thuốc cho trạm y tế

Nói về vấn đề thiếu thuốc tại các trạm y tế, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các trạm y tế chủ yếu thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và theo dõi, quản lý, tư vấn bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nên các trạm y tế trở lại nhiệm vụ khám bệnh ban đầu cho người bệnh BHYT. Trong giai đoạn chuyển tiếp, việc cung ứng thuốc tại trạm y tế đã có hiện tượng thiếu một số thuốc nhất định.

Cụ thể, trạm y tế là cơ sở khám, chữa bệnh hạng 4, theo quy định sẽ được cung ứng danh mục thuốc theo hạng 4 tại Thông tư 30/2018/TT-BYT của Bộ Y tế nên sẽ thiếu một số thuốc khi người bệnh mạn tính chuyển về khám tại trạm y tế từ các bệnh viện hạng 1, 2 của thành phố.

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Bệnh viện khó, người bệnh khổ  - Ảnh 3.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như giải thích lý do TYT thiếu thuốc BHYT ở 1 số trạm y tế xã

Trong khi đó các trạm y tế chưa thực hiện việc phê duyệt danh mục kỹ thuật và danh mục thuốc vượt hạng theo quy định.

Bên cạnh đó, hiện nay số người đến khám tại các trạm y tế chưa nhiều nên việc mua sắm thuốc tại các trạm y tế cũng đang gặp khó khăn do không có nhà thầu tham gia cung ứng thuốc.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại trạm y tế, Sở Y tế đã tổ chức họp với các Trung tâm y tế và trạm y tế, thông tin về việc thực hiện lập danh mục thuốc vượt tuyến tại các trạm y tế, quy trình mua sắm thuốc,...

Tuy nhiên, về lâu dài việc mua sắm thuốc tại các trạm y tế nên thực hiện theo hướng mua sắm tập trung để đảm bảo lựa chọn nhà thầu tham gia cung ứng.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP.HCM, đến nay có 190 trạm y tế trên địa bàn được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Năm 2021, ghi nhận 125 trạm y tế phát sinh hoạt động khám chữa bệnh với 33,8 triệu lượt khám bệnh. Trong đó, quỹ BHYT chi trả 190 tỉ đồng, bình quân 168.000 đồng/lượt.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, chỉ có 101 trạm y tế phát sinh hoạt động khám chữa bệnh với 13 triệu lượt, trung bình BHYT chi trả 200.000 đồng/lượt. Tổng số tiền BHYT thanh toán cho các trạm y tế rất nhỏ, chỉ chiếm 0,1% tổng chi trên địa bàn.

Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho rằng, để trạm y tế thu hút người dân khám chữa bệnh, cần xây dựng danh mục thuốc, đặc biệt là danh mục thuốc vượt tuyến để cung ứng kịp thời, phục vụ đủ nhu cầu người bệnh. Tuy nhiên, danh mục thuốc phải sát với thực tế, tránh tình trạng dư thừa, tồn kho gây lãng phí.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem