Câu chuyện về một tình bạn ngây thơ nhưng đẫm tính nhân văn giữa một học sinh chăm ngoan và cô bạn mang trên mình khiếm khuyết, song vượt lên tất cả là nghị lực vươn lên nghịch cảnh để vui sống và học tập.
Chúng tôi tới thăm Trường Tiểu học Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) trong một ngày nắng ươm vàng. Sân trường đã lấp ló những bông phượng vĩ, đâu đó có tiếng ve gọi hè dường như đang báo hiệu cho những ngày tạm xa trường của lứa tuổi học sinh.
Trong lớp 4A, những cô cậu học sinh đang chăm chú nghe giảng, tìm gặp em Phạm Ngọc Trâm (SN 2012), người đã tình nguyện là "đôi chân" cho người bạn học kém may mắn Nguyễn Thị Trang.
Bé Trang (ở giữa) cùng các bạn vẫn đang hăng say học tập.
Từ khi sinh ra sức khỏe của Trang đã yếu ớt và gặp phải dị tật ở chân. Cô bé ấy không thể sinh hoạt là đi lại như bạn bè bình thường. Việc đến trường để học tập đã khó, em càng không thể chạy nhảy vui đùa cùng bạn bè.
Mỗi ngày, ba mẹ đưa đón Trang đến trường, nhưng không thể túc trực tại trường giúp đỡ em việc di chuyển. Được các thầy, cô động viên, giúp đỡ em cũng phần nào bớt khó khăn. Nhưng cô bé ấy vẫn mong muốn được nô đùa cùng bạn bè trong những giờ ra chơi, những hoạt động ngoại khoá, không còn phải một mình qua cửa sổ đợi điều thần kỳ.
Thương cho hoàn cảnh của bạn, với tấm lòng nhân ái, Trâm đã chủ động kết bạn và tình nguyện là "đôi chân" của bạn khi ở trường. Từ tình bạn đẹp đó, bé Trang đã dần vui tươi, có thêm nỗ lực trong học tập và cuộc sống.
"Từ lớp 1, cháu đã thấy Trang sức khỏe yếu, cũng không thể đi lại vui chơi cùng mọi người nên có rất ít bạn, cháu rất thương bạn Trang. Cháu đã chủ động kết bạn để cùng chơi, cùng học. Khi bạn cần thì cháu hay cõng hoặc bế bạn ra sân trường chơi, ngồi xích đu hoặc đến các lớp học chuyên biệt …", Trâm thủ thỉ nói.
Nhận xét về cô bạn kém may mắn nhưng đầy nghị lực của mình, Trâm cho biết, dù Trang không đi lại được, Trâm vẫn luôn yêu thương bạn bởi vì sự tốt bụng. Tuy Trang rất thiệt thòi so với mọi người, nhưng thường hay giúp đỡ bạn bè trong học tập.
Tình bạn tuyệt vời ấy được vun đắp thêm qua những ngày cùng nhau tới trường ê a con chữ. Cũng có những giận dỗi ngây ngô để rồi khi hiểu ra đội bạn ấy càng yêu thương nhau hơn.
Đã 4 năm nay Trâm là "đôi chân" của Trang khi ở trường. Tình bạn ấy thể hiện rõ tính nhân văn mà ngôi trường đang hướng tới "Sống đẹp, sống có ích".
"Chúng cháu cũng có lúc giận nhau bởi vì khi cùng học bài mà không cùng ý kiến rồi khi chơi trò chơi bạn thắng cháu thua mãi. Dù giận nhưng Trâm vẫn cõng cháu ra sân, đi các phòng học các môn chuyên biệt. Cháu biết bạn giận có tí rồi lại thương cháu nên cháu cũng rất yêu và cảm ơn bạn", bé Trang ngây ngô cho biết.
Cơ thể không khỏe mạnh, lành lặn như bạn bè nhưng cô bé Trang tràn đầy ý chí và nghị lực. Vì ước mơ chẳng mất tiền mua nên em ước mơ một ngày có thể chạy nhảy vui chơi cùng các bạn. Trong khi đợi điều thần kỳ xảy ra, Trang luôn cùng các bạn nỗ lực học tập tương lai trở thành người có ích cho xã hội.
"Em thích và học tốt môn tin học, môn toán, tiếng anh. Sau này em muốn làm công việc gì đó liên quan đến công nghệ thông tin như những anh chị khuyết tật ở trên TV hay làm" - Trang tâm sự.
Đồng hành cùng đôi bạn nhỏ hơn 1 năm nay, cô giáo Lê Thị Thanh, Chủ nhiệm lớp 4A càng thêm hiểu và yêu mến tình bạn đẹp của hai cô học trò. Cô cho biết, với sự quan tâm của người bạn thân, Trang dù thiếu nhiều may mắn nhưng luôn sống với nghị lực lớn. Em cố gắng học tập tốt, viết chữ đẹp, được thầy cô giáo đánh giá cao về cả tinh thần lẫn năng lực.
"Bạn bè và thầy cô đều dành sự quan tâm đặc biệt cho Trang, nhưng gần gũi nhất vẫn là Trâm. Trâm sống hòa đồng và yêu thương bạn. Trong học tập, Trâm cũng rất nỗ lực và có kết quả cao", cô Thanh chia sẻ.
Là người luôn quan tâm, theo dõi cô học trò kém may mắn, cô giáo Nguyễn Thị Mai Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, em Trang sinh ra không được may mắn như các bạn khi mang khiếm khuyết cơ thể. Cùng với đó, gia cảnh khó khăn. Vậy nên nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện và chăm sóc em.
"Tất cả thầy cô giáo trong trường và các bạn học sinh đều biết đến Trang, đồng thời dành cho em một tình cảm đặc biệt. Các thầy cô giáo luôn sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi Trang cần. Nhà trường cũng tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân có thể giúp đỡ em", cô Hồng cho biết.
Rời ngôi trường với câu chuyện đậm tính nhân văn, chúng tôi dường như được tiếp thêm động lực phấn đấu từ một cô học trò nhỏ. Mong rằng tình bạn đẹp ấy luôn vững bền và son sắt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.