Sự cổ vũ này cũng có cái lý, khi kỳ thi vào ĐH-CĐ hàng năm được coi là bước ngoặt cuộc đời của nhiều học sinh. Đây cũng coi như "vũ môn" để các em vượt qua, trưởng thành trên bước đường đời.
Nhưng... Chữ "nhưng" bao giờ cũng khắc nghiệt. Với nhiều bậc cha mẹ, con đỗ đại học là cái "đích" chứng tỏ mình đã "hoàn thành một nghĩa vụ quan trọng" với con cái. Còn với nhiều học sinh, việc vào được đại học coi như kết thúc sự phấn đấu học hành, là bắt đầu của một giai đoạn "xả hơi" 4 năm, để rồi ra trường với tấm bằng làng nhàng, kiến thức nửa vời và... kiếm được một công việc làng nhàng, thậm chí nhiều khi chẳng liên quan gì tới chuyên môn được đào tạo trong trường. Khá nhiều người khác thì lại rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Trong khi đó, vài triệu thanh niên cùng lứa tuổi này, cùng bước vào đời qua nhiều cánh cửa khác như: Học nghề, đi làm thêm để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình... thì hầu như không nhận được sự cổ vũ nào từ xã hội, người thân. Các em cứ lầm lũi tiến trên con đường riêng của mình. Không có tung hô, không được hỗ trợ nhưng nhiều em đã đi rất nhanh và thẳng tiến trên con đường có phần ngược lại với số đông được tung hô: Tìm kiếm việc làm - đích đến của sự học, để rồi sau đó tiếp tục học khi họ cảm thấy kiến thức cần cho sự phát triển công việc của mình.
2 con đường này, con đường đi học đại học thường được tung hô. Kết thúc mỗi kỳ thi, các dòng họ "đếm" số người đỗ đại học, cao đẳng, coi đó là thước đo sự hiếu học và phát triển của dòng họ. Trong khi những em học nghề, đi làm và tìm kiếm cơ hội khác trong sự học- thì thường không được đếm xỉa tới.
Thế nhưng, khi so sánh 2 con đường mới thấy "đường dài mới biết ngựa hay". Thế hệ của tôi, nhiều người bạn chọn con đường học trung cấp, đi làm sớm để tự bươn chải học hỏi trên cả quãng đường dài và rất thành công trên đường đời. Với họ, hiếu học không chỉ là việc học ngày học đêm cố sức để vượt qua cánh cổng vào đại học mà học tập đơn giản là một quá trình suốt đời. Nhận thức này thực sự cần được cổ vũ trong bối cảnh Việt Nam luôn "thừa thầy- thiếu thợ".
Do vậy, nếu có xuất phát điểm tốt hơn, được cổ vũ, ưu ái nhiều hơn, những bạn trẻ tham dự kỳ thi đại học, cao đẳng ngày hôm nay hãy coi đây là bệ phóng tốt hơn trên con đường dài học hành. Hãy thực sự học hỏi để có tay nghề, kiến thức tốt, tự tin bước vào thị trường lao động, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, chứ không chỉ học cho có tấm bằng đại học, cho "oai" với gia đình, với dòng họ.
Lê Huyền
Vui lòng nhập nội dung bình luận.