Mạnh Tiến
Thứ bảy, ngày 11/05/2024 07:04 AM (GMT+7)
Những ngày gần đây, giá vàng liên tục “đạt đỉnh” kéo theo nhiều câu chuyện bi hài liên quan đến việc vay nợ bằng vàng, khi trả phải bằng vàng hay tiền theo giá trị vàng thời điểm vay. Giá vàng hiện đã cao gấp đôi, thậm chí gấp ba thời điểm vay vàng.
L.H.G (35 tuổi, ngụ quận 10) vẫn còn ngỡ ngàng khi chú ruột lặn lội từ Vũng Tàu lên TP.HCM chỉ để trả lại một cây vàng, dù bạn chưa đòi trả.
Anh G chia sẻ: “Tình huống bất ngờ quá, mình đã mang vàng ra kiểm tra ở tiệm thì kẹt cứng người ra vào mua bán vàng. Mình tự đặt câu hỏi liệu khi mượn vàng có nhất thiết phải trả bằng vàng, hay trả bằng tiền được không?”.
Cũng trong tình cảnh éo le này, ông H.V (40 tuổi, ngụ Bình Chánh) hoang mang kể: Năm nay, hợp tuổi để ông xây nhà, nên đầu năm đã vay mượn mấy cây vàng của bà con dòng họ. Lúc đó vàng giá SJC khoảng 70 triệu đồng mà đến hôm nay giá lên hơn 92 triệu đồng.
"Chỉ mới 5 tháng mà giá vàng lên hơn 20 triệu. Cả tháng nay, hai vợ chồng tôi gần như không ngủ được. Mong sắp tới giá vàng sẽ ổn định lại, chứ như thế nào có mà đổ nợ", ông V lo lắng.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ chen chân thì ông L.H.P (39 tuổi, ngụ quận 7) cũng đã mua được 2 cây vàng. Ông P làm thầu công trình đóng cọc, luôn trong hoàn cảnh tiền đầu này phải xoay đầu kia. Trong đó đồng nghiệp thầu làm ăn chung hay mượn vàng của nhau để kịp chạy dự án. Mấy tháng nay, giá vàng lên khủng khiếp, ông P lại đang nợ bạn thầu 3 cây vàng.
Ngày 9/5, ông có ý muốn trả tiền ngay với 3 cây vàng thời điểm đó mà người ta không chịu, bắt phải trả bằng vàng. "Có ai ngờ vừa đi làm tỉnh về có một ngày mà giá vàng tăng lên gần cả triệu. Quá sốc!", ông P kêu và cho biết phải chạy ra mua vàng để ngay trong tối trả cho đồng nghiệp.
Trao đổi nhanh với Dân Việt, luật sư Nguyễn Hùng Quân, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, vấn đề này được quy định chặt chẽ Điều 463, Bộ luật Dân sự 2015 hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên.
Bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn phải trả thì bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo LS Quân, nếu giữa các bên có xác lập hợp đồng vay tài sản là “vàng” thì bên vay “vàng” phải có nghĩa vụ trả “vàng” theo đúng thỏa thuận trước đó với bên cho vay hoặc số tiền theo đúng giá trị vàng thời điểm trả (phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên).
Theo pháp luật dân sự, hình thức của hợp đồng dân sự rất đa dạng có thể bằng lời nói, văn bản, hành vi cụ thể. Vì thế hợp đồng bằng miệng vẫn có hiệu lực pháp luật.
Nếu bên vay thừa nhận có việc vay tài sản là “vàng” hoặc bên cho vay có chứng cứ chứng minh bên vay đã vay tài sản là “vàng” thì bên vay phải có trách nhiệm trả “vàng” theo đúng quy định cho bên cho vay.
"Nếu có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vay tài sản có đối tượng là vàng nói trên thì vụ án sẽ được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền", LS Quân nói thêm.
Đã có rất nhiều vụ án xảy ra khi các bên không thống nhất được nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng vay do hợp đồng được xác lập bằng miệng hoặc văn bản không đủ thông tin. Luật sư Phan Tường Duy, Hãng luật Roma chia sẻ: “Khi xác lập hợp đồng vay tài sản các bên nên lập thành văn bản cụ thể, ghi rõ đối tượng cho vay, thời hạn vay, cách thức cho vay, mức lãi suất và cách tính lãi... để tránh trường hợp phát sinh mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.